(Tổ Quốc) - Ngày 25/7, Tổng thống Joko Widodo cho biết Indonesia bắt đầu triển khai chương trình cấp thị thực dài hạn (còn được gọi là chương trình thị thực vàng), tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài có thể cư trú ở quốc gia này lên tới 10 năm.
"Thị thực vàng"
Theo trang SCMP, chương trình thị thực vàng mới ra mắt của Indonesia được thiết kế để thu hút các nhà đầu tư giàu có trên thế giới.
Tuần trước, Jakarta đã chính thức ra mắt chương trình thị thực vàng, cung cấp quyền cư trú cho những cá nhân sẵn sàng đầu tư 350.000 đô la Mỹ để có được thị thực lưu trú 5 năm hoặc 700.000 đô la Mỹ cho thời hạn thị thực 10 năm.
Mục đích của chương trình là thu hút "những người giàu trên thế giới, các nhà đầu tư quốc tế, nhân tài toàn cầu và cộng đồng người Indonesia ở nước ngoài", sẵn sàng đóng góp tài chính đầu tư, kỹ năng hoặc chuyên môn cho đất nước, theo một tuyên bố do Bộ Luật và Nhân quyền đưa ra.
"Hiện nay, không nhiều quốc gia có tăng trưởng kinh tế tốt, chính trị ổn định và tài nguyên thiên nhiên dồi dào. Vì vậy, Indonesia sẽ là điểm đến đầu tư đầy hứa hẹn và thu hút nhân tài toàn cầu. Điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến đất nước, bao gồm cả thu nhập từ vốn, cơ hội việc làm, chuyển giao công nghệ, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực," Tổng thống Joko Widodo phát biểu vào ngày 25/7 trong buổi ra mắt chính sách tại Jakarta.
Tổng thống Widodo cũng yêu cầu Cơ quan di trú Indonesia nên "có chọn lọc" và tạo điều kiện cho "những cá nhân có tiềm năng đóng góp cao" có thể tiếp cận loại thị thực này.
Silmy Karim - Giám đốc Cơ quan di trú Indonesia nhấn mạnh 300 thị thực vàng đã được cấp trong thời gian thử nghiệm. Cơ quan di trú Indonesia cũng đặt mục tiêu sẽ cấp 1.000 thị thực vàng trong năm nay, chủ yếu cho những người nộp đơn từ Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hà Lan, Anh, Pháp, Đức và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Những đối tượng có thể tiếp cận thị thực vàng
Trong tuần trước, Tổng thống Widodo đã trao thị thực vàng cho huấn luyện viên người Hàn Quốc dẫn dắt đội tuyển bóng đá quốc gia Indonesia – ông Shin Tae Yong. Các chuyên gia cho rằng ông Shin Tae Yong là người đã đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao thành tích của đội tuyển bóng đá Indonesia tại các giải đấu lớn.
Thị thực vàng của Indonesia cũng đã được cấp cho Sam Altman, CEO của OpenAI, người sáng tạo ra ChatGPT. Hiện Chính phủ Indonesia đang cố gắng thuyết phục Elon Musk, người đàn ông giàu nhất thế giới, nộp đơn xin tham gia chương trình này.
"Điều quan trọng trước tiên là phải xã hội hóa chính sách càng nhiều càng tốt. Chúng tôi đang trao đổi với một số tổ chức Phòng Thương mại, bao gồm các tổ chức từ Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia. Chúng tôi cũng xã hội hóa chính sách này với Hiệp hội Doanh nhân trẻ Indonesia bởi những đối tác của họ có thể cần đến thị thực vàng", ông Silmy nói với các phóng viên.
Theo chương trình này, các nhà đầu tư nước ngoài cá nhân muốn thành lập công ty tại Indonesia sẽ đủ điều kiện được cấp thị thực vàng 5 năm nếu họ đầu tư khoảng 2,5 triệu đô la Mỹ và số tiền sẽ yêu cầu gấp đôi nếu muốn cấp thị thực 10 năm. Các nhà đầu tư cá nhân không muốn thành lập công ty phải đầu tư khoảng 350.000 đô la Mỹ vào trái phiếu chính phủ Indonesia, cổ phiếu công ty đại chúng hoặc tiền tiết kiệm để được cấp thị thực 5 năm.
Các giám đốc hoặc đại diện của các tập đoàn muốn thành lập công ty tại Indonesia phải đầu tư khoảng 25 triệu đô la Mỹ để xin cấp thị thực lưu trú 5 năm.
Chương trình thị thực vàng đã cung cấp 10 loại thị thực, bao gồm một loại dành cho công dân cũ và một loại được gọi là thị thực "Ngôi nhà thứ hai", yêu cầu người nộp đơn phải có khoản tiết kiệm tiền trong tài khoản dưới tên của họ tại một ngân hàng nhà nước có giá trị ít nhất là 130.000 đô la Mỹ hoặc mua một bất động sản có giá trị ít nhất là 1 triệu đô la Mỹ tại Indonesia.
Tiền để phát triển thủ đô mới Nusantara
Ông Bhima Yudhistira, Giám đốc điều hành tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Luật (Celios) có trụ sở tại Jakarta cho biết chính phủ Indonesia muốn đưa ra chính sách này nhằm thu hút các công ty quản lý tài sản gia đình giàu có, những người thường yêu cầu các quy chế đặc biệt từ các cơ quan di trú tại các quốc gia nơi họ đặt văn phòng.
Bộ trưởng Điều phối Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Pandjaitan tuần trước cũng nhấn mạnh chính phủ Indonesia đã chuẩn bị hệ thống pháp lý nhằm cho phép thành lập các công ty ngoại cảnh.
"Tôi đã báo cáo với tổng thống rằng chúng ta nên áp dụng hệ thống pháp lý mà các nước như Singapore, Abu Dhabi hoặc Hồng Kông (Trung Quốc) trước đó đã triển khai. Bằng cách đó, Indonesia có thể cung cấp sự chắc chắn về mặt pháp lý cho những người đầu tư vào đây", ông Luhut Pandjaitan nói.
Ông Bhima tin rằng chương trình thị thực vàng là một công cụ để đẩy nhanh quá trình phát triển của thủ đô mơi Nusantara.
"Chúng tôi hy vọng rằng các nhà đầu tư nhận được thị thực vàng sẽ đầu tư tài chính vào thủ đô mới Nusantara, mặc dù họ vẫn đang cân nhắc tính chắc chắn về mặt pháp lý của một dự án trước khi họ đầu tư. Do đó, thị thực vàng có thể sẽ chưa hiệu quả ở tương lai gần. Các nhà đầu tư nước ngoài dường như đang muốn có thêm thời gian "chờ đợi và xem xét" diễn biến trong thời gian chuyển tiếp của chính phủ", Bhima cho biết./.