(Tổ Quốc) - Indonesia là một quốc gia Đông Nam Á rộng lớn với dân số 267,7 triệu người (số liệu thống kê năm 2022). Tính đến năm 2019, 9,4% người Indonesia sống trong cảnh nghèo đói. Để giảm nghèo đói và phát triển kinh tế xã hội, Chính phủ Indonesia thực hiện đồng bộ các chương trình và biện pháp đảm bảo an sinh xã hội.
Cùng với các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thì chính sách giảm đói nghèo không thể thiếu được đối với Indonesia là tăng cường đầu tư cho người nghèo về giáo dục, y tế, các điều kiện về dịch vụ xã hội khác.
Trong số đó có các chương trình xóa đói giảm nghèo như chuyển tiền mặt - Chương trình Keluarga Harapan - Chương trình này gần đây đã được mở rộng để tiếp cận 10 triệu gia đình nghèo nhất ở Indonesia, tập trung vào các bà mẹ đang mang thai và cho con bú; Chương trình hỗ trợ lương thực Raskin - Gạo cho người nghèo đang thay đổi thành một chương trình phiếu điện tử cung cấp hỗ trợ lương thực không dùng tiền mặt; Chương trình Đảm bảo chăm sóc sức khỏe Jamkesmas - bảo vệ các gia đình có thu nhập thấp khi gặp rủi ro về sức khỏe, bệnh tật; chương trình WASH giúp cải thiện khả năng tiếp cận với nước sạch...
Việc thể chế hóa các chính sách giảm nghèo ở Indonesia được Chính phủ ra Quy định mới, trong đó có cơ quan quản lý thực hiện chính sách giảm nghèo được đổi tên thành Nhóm Quốc gia về Thúc đẩy Giảm nghèo (TNP2K) do Phó Tổng thống quản lý. TNP2K thực hiện các nhiệm vụ: xây dựng chính sách và chương trình giảm nghèo; nâng cao tính điều phối giữa các bộ và cơ quan trong hoạt động giảm nghèo; hình thành cơ quan chức năng nhằm đánh giá và giám sát việc thực hiện các hoạt động xóa đói giảm nghèo. Ở cấp địa phương, Nhóm Giảm nghèo (TKPK) cấp tỉnh do thống đốc quản lý hoặc cấp quận/huyện cũng do người đứng đầu chính quyền phụ trách, có nhiệm vụ phối hợp và thúc đẩy các chương trình khác nhau để đảm bảo chính sách giảm nghèo tại địa phương đạt được hiệu quả.
Về tổng thể, TNP2K có 4 chiến lược: 1) Cải thiện các chương trình bảo trợ xã hội: Hoàn thiện và phát triển hệ thống bảo trợ xã hội cho người nghèo và người dễ bị tổn thương. Hệ thống an sinh xã hội nhằm mục đích bảo vệ các cá nhân và cộng đồng khỏi những cú sốc trong vòng đời của họ, chẳng hạn như ốm đau, tử vong trong gia đình, mất việc làm, thiên tai, nghèo nàn; 2) Cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản của người nghèo: Tiếp cận giáo dục, y tế, nước sạch và vệ sinh, thực phẩm và dinh dưỡng sẽ giúp giảm bớt gánh nặng chi tiêu của người nghèo. Ngoài ra, việc tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản sẽ khuyến khích đầu tư vào vốn con người; 3) Trao quyền cho cộng đồng: Trao quyền cho người nghèo bằng cách nâng cao hiệu quả và tính bền vững của các nỗ lực giảm nghèo. Trong xóa đói giảm nghèo, điều rất quan trọng là không được coi người nghèo đơn thuần là đối tượng của phát triển. Những nỗ lực trao quyền cho người nghèo phải tạo điều kiện thoát nghèo và đảm bảo rằng các nhóm dễ bị tổn thương không tái nghèo; và 4) Phát triển toàn diện: được định nghĩa là sự phát triển gắn kết và mang lại lợi ích cho toàn bộ cộng đồng. Tăng trưởng tạo ra nhiều việc làm hiệu quả với số lượng lớn, tăng thu nhập của đại bộ phận dân cư, tăng mức sống và giảm nghèo./.