• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Iran để Nga nhảy vào Vịnh Ba Tư: "Chao nghiêng" thế lực khu vực?

Thế giới 05/08/2019 11:08

(Tổ Quốc) - Giữa khả năng leo thang nghiêm trọng tại Vịnh Ba Tư, Nga có kế hoạch sử dụng các cảng của Iran Bandar-e-Bushehr và Chabahar làm căn cứ quân sự cho tàu chiến và tàu ngầm hạt nhân.

Các cảng này sẽ nhận được sự bảo vệ của hàng trăm lính thuộc Lực lượng đặc biệt dưới sự hướng dẫn của các "cố vấn quân sự".

Những cảng này cũng có sự hỗ trợ của một căn cứ không quân gần Bandar-e-Bushehr – nơi có 35 máy bay chiến đấu Sukhoi Su-57, trang Oilprice.com cho biết, trích dẫn các nguồn tin cấp cao thân cận với Iran.

Vòng tập trận quân sự chung tiếp theo ở Ấn Độ Dương và Eo biển Hormuz sẽ phần nào thể hiện được sự mở rộng quân sự này, vì các tàu Nga tham gia sẽ được Iran cho phép sử dụng các cảng Bandar-e-Bushehr và Chabahar. Tùy thuộc vào phản ứng trong nước và quốc tế đối với vấn đề này, các tàu và lực lượng đặc nhiệm Nga sẽ hiện diện ở đây và mở rộng số lượng trong 50 năm tới.

Quy trình gây ảnh hưởng

Việc gia tăng dần dần sự hiện diện của Nga ở một quốc gia là quy trình vận hành đã qua nhiều bước thử nghiệm, trong đó có hỗ trợ kinh tế và/hoặc chính trị cho một quốc gia đến một mức độ để họ cho phép quân đội Nga có mặt thường xuyên và thậm chí nước này trở thành một căn cứ quân sự đa cấp độ lớn cho Nga. Kế hoạch tương tự đã được sử dụng và vẫn được duy trì ở Syria, với việc Nga duy trì sự hiện diện quân đội đông đảo ở khu vực Latakia, Syria, mặc dù đã nhiều lần đề cập đến việc rút khỏi nơi này.

Trong giai đoạn đầu, các cố vấn quân sự và 'nhân viên an ninh' hỗ trợ căn cứ không quân Khmeimim khổng lồ của Nga ở Latakia và hệ thống tên lửa S-400 Triumf được triển khai tại Latakia. Sự hiện diện này của Nga sau đó đã được mở rộng và chính thức hóa theo thỏa thuận đã ký với Syria vào tháng 1 năm 2017, cho phép Nga tiếp tục hoạt động ở Latakia và cũng có thể sử dụng cơ sở hải quân tại Tartus trong 49 năm tới.

Đây chính xác là định dạng cho thỏa thuận giữa Nga với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và Lãnh đạo tối cao Ali Khamenei trong vài ngày qua, bất chấp sự phản đối từ các đồng minh ủng hộ rộng rãi JCPOA (Kế hoạch hành động toàn diện chung) của Tổng thống Hassan Rouhani.

vu khi nga

Các vũ khí tối tân của Nga đã xuất hiện tại nhiều quốc gia đồng minh.

Việc Iran tiến tới thỏa thuận mới nhất này có vẻ đáng ngạc nhiên đối với nhiều người nhưng là sản phẩm của hai lý do chính. Đầu tiên, Iran không có lựa chọn nào khác về một đồng minh địa chính trị tiềm năng trong cuộc chiến hiện tại chống lại chính sách thắt lưng buộc bụng về kinh tế do sức ép trừng phạt và sự cô lập về chính trị. Chỉ có năm thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc: Hoa Kỳ (tiên phong chống lại Iran), Anh và Pháp (cả hai đều theo đường lối của Hoa Kỳ), Trung Quốc (có sự hỗ trợ tăng giảm theo quyết định mang tính thời điểm của chính họ), và Nga.

Lý do thứ hai là Tổng thống Rouhani và những người ủng hộ phương Tây, những người ủng hộ JCPOA đã đánh mất niềm tin của những người đã bỏ phiếu cho ông do không thể tạo ra sự thịnh vượng kinh tế mà ông hứa sẽ đạt được từ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và được thực hiện vào ngày 16 tháng 1 năm 2016.

"Những người này bao gồm [Lãnh đạo tối cao Ali] Khamenei, đã hỗ trợ ông Rouhani trong vài năm đầu nhưng giờ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nghe theo các khuyến nghị của IRGC, và thỏa thuận với Nga đi đầu trong các vấn đề này", theo một nguồn tin cấp cao của Iran.

Nga – Iran bắt tay toàn diện

Thỏa thuận trên là một phần của bản ghi nhớ 22 điểm được ký bởi Thứ trưởng dầu khí Iran Amir-Hossein Zamaninia, và Thứ trưởng năng lượng Nga Kirill Molodtsov tại thời điểm hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai bên về nhiều vấn đề.

Đối với ngành dầu khí, cụ thể, Nga cấp 50 tỷ USD mỗi năm trong ít nhất năm năm để có thể hoàn thành các dự án dầu khí ưu tiên hàng đầu theo tiêu chuẩn phương Tây, ước tính trị giá khoảng 250 tỷ USD. Một khoản tiền khác trị giá 250 tỷ USD sau đó sẽ được cung cấp trong 5 năm tiếp theo để Iran xây dựng các hạng mục còn lại của nền kinh tế. Để đổi lấy điều này, Iran sẽ ưu tiên cho các công ty Nga trong tất cả các thỏa thuận thăm dò và phát triển mỏ dầu khí trong tương lai, bổ sung vào bản thỏa thuận đã đạt được tại thời điểm đó. Chúng bao gồm: Zarubezhneft tham gia mỏ Aban và Paydar-e Gharb, Lukoil tham gia Ab Teymour và Mansouri, GazpromNeft tham gia Changouleh và Cheshmeh-Khosh, và Tatneft tham gia Dehloran. Ngoài ra - và rất quan trọng đối với tình hình hiện tại là vấn đề quân sự - Iran đã đồng ý mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, và cho phép Nga mở rộng số lượng các trạm nhận tín hiệu ở Iran và tăng gấp đôi số sĩ quan cấp cao của IRGC được biệt phái sang Moscow để đào tạo liên tục.

Thỏa thuận cũng có một điều khoản không cho phép Iran áp dụng bất kỳ hình phạt nào đối với bất kỳ công ty phát triển nào của Nga khi chậm tiến độ trong bất kỳ lĩnh vực nào trong 10 năm. Cũng trong khoảng thời gian 10 năm, người Nga sẽ có quyền ra lệnh chính xác lượng dầu được sản xuất từ mỗi mỏ, thời gian bán hàng, được bán cho ai và với giá bao nhiêu.

Do đó, lúc này, Nga không chỉ có quyền tiếp cận tất cả các kho dự trữ dầu khí trên bờ, ngoài khơi và ngay trên biển Caspian của Iran để bán theo ý muốn, mà còn có thể sử dụng hai trong số các cảng chiến lược có vị trí tốt nhất, bao quanh các khu vực vốn nhạy cảm nhất thế giới về khí đốt. Moscow cũng có thể có ảnh hưởng hiệu quả trên eo biển Hormuz. Eo biển này, tất nhiên, vẫn là điểm nóng của quá trình vận chuyển dầu quan trọng nhất thế giới - và là tuyến đường chính từ Vịnh Ả Rập đến Viễn Đông đi qua Ấn Độ Dương - với khoảng 35% lượng dầu trên biển và khoảng một phần ba nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng toàn cầu đi qua đây. "Bandar-e-Bushehr và Chabahar sẽ mang lại cho Nga khả năng "nắm thóp" toàn bộ khu vực Vịnh Ba Tư và vào Ấn Độ Dương, điều cũng sẽ cho phép họ tiến hành các hoạt động hải quân chung với Trung Quốc dễ dàng hơn, một nhà phân tích tình báo tại London nói với Oilprice.com tuần trước. "Thực tế là Nga cũng dự định sử dụng hai cảng này không chỉ cho tàu chiến mà còn cho tàu ngầm hạt nhân", chuyên gia này cho hay.

Quý Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ