• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Iran – Iraq: Bất ngờ tung tín hiệu sức mạnh tới Mỹ

Thế giới 11/03/2019 09:20

(Tổ Quốc) - Chuyến thăm Iraq của Tổng thống Hassan Rouhani trong tuần này là một thông điệp mạnh mẽ tới Hoa Kỳ và các đồng minh khu vực.

Điều này thể hiện rằng Iran vẫn là lực lượng đáng kể ở Baghdad, một khu vực quan trọng khi căng thẳng đang gia tăng giữa Washington và Tehran, theo Reuters.

Chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Iran tới Iraq kể từ năm 2013 cũng có ý nghĩa báo hiệu với chính quyền của Tổng thống Donald Trump rằng Tehran vẫn giữ được ảnh hưởng ở phần lớn khu vực bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ.

Sức mạnh láng giềng đang lên?

"Iran và Iraq là láng giềng và không quốc gia nào có thể can thiệp vào mối quan hệ của họ", Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif nói sau khi đến Baghdad để chuẩn bị cho chuyến thăm.

Chuyến đi kéo dài ba ngày của ông Rouhani bắt đầu vào thứ Hai bao gồm các cuộc gặp với Tổng thống và Thủ tướng Iraq, các chuyến tham quan tới các thánh địa Hồi giáo Shi'ite và cuộc gặp với giáo sĩ Shi'ite hàng đầu của Iraq Grand Ayatollah Ali al-Sistan, truyền thông nhà nước Iran đưa tin.

Tuần trước, ông Rouhani đã nói rõ về món nợ mà ông tin rằng Baghdad nợ Tehran vì đã hỗ trợ trong trận chiến đánh bại Nhà nước Hồi giáo IS. Các lực lượng Iran và lực lượng dân quân được họ ủng hộ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đánh bại IS ở Iraq và Syria.

Iran – Iraq: Bất ngờ tung tín hiệu sức mạnh tới Mỹ - Ảnh 1.

Chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Iran tới Iraq kể từ năm 2013 có nhiều tín hiệu đáng kể. (Nguồn: Anadolu)

"Nếu sự hỗ trợ của Cộng hòa Hồi giáo Iran không tồn tại thì Baghdad và khu vực Kurdistan chắc chắn sẽ sụp đổ và Daesh (Nhà nước Hồi giáo) sẽ thống trị khu vực này", ông Rouhani nói trong các bình luận được công bố trên trang web chính thức của mình.

Iran chủ yếu thông qua các quan chức cấp cao để tiến hành các đối thoại của mình với Iraq, khi hai bên chia sẻ gần 1.500 km (900 dặm) đường biên giới dài. Nổi bật nhất trong số này là chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran Qassem Suleimani, người được cho là có tham gia chỉ đạo cuộc chiến chống IS ở Iraq và Syria.

Nhưng trong khi phải cố gắng chống lại áp lực từ các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, Iran cũng đang tìm cách tăng cường ảnh hưởng chính trị và kinh tế dọc theo hành lang lãnh thổ mà nước này kiểm soát hiệu quả từ Tehran đến Địa Trung Hải qua Iraq, Syria và Lebanon.

"Tehran và các đồng minh ở Baghdad và Damascus đã giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo nhưng Cộng hòa Hồi giáo lại có nguy cơ mất hòa bình", Ali Alfoneh, thành viên cao cấp tại Viện Các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập ở Washington, nói.

"Ngoài các công ty Nga, các công ty UAE cũng đang ráo riết cố gắng giành được chỗ đứng tại Iraq và Syria, điều này sẽ tước đi cơ hội của các công ty Iran gặt hái thành quả từ nỗ lực thời kỳ chiến tranh của họ."

Tuy nhiên, ảnh hưởng của Iran ở Iraq sẽ khó bị đánh bật. Thông qua các chính trị gia đồng minh và các nhóm bán quân sự ở Iraq, Tehran đang nổi lên như một lực lượng có ảnh hưởng đáng kể từ sau năm 2003.

Iran chính thức không có sự hiện diện quân sự ở Iraq nhưng ủng hộ các nhóm bán quân sự Shi'ite mạnh nhất của họ. Một tập hợp tất cả các dân quân Shi'ite của Iraq ước tính có khoảng 150.000 tay súng.

Tuần trước, Washington đã đưa vào danh sách đen một nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn với cáo buộc giúp tạo ra một tuyến đường tiếp tế qua Iraq đến Damascus. Hoa Kỳ có khoảng 5.200 binh sĩ đồn trú tại Iraq.

Tehran cũng có các đồng minh hùng mạnh trong quốc hội Iraq, những người đang cố gắng thông qua dự luật buộc quân đội Mỹ rời khỏi nước này. Trước đó, việc ông Trump nói rằng để lực lượng Mỹ tiếp tục ở lại để "xem chừng Iran" đã vấp phải nhiều sự chỉ trích từ các quan chức Iraq.

Áp lực đối với Iran

Iraq vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung cấp năng lượng của Iran để cung cấp cho mạng lưới điện của mình, bất chấp những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm loại bỏ Baghdad ra khỏi mạng lưới người mua khí đốt của Iran.

Dù vậy, chiến lược của Washington cũng đã gây ra một số xích mích giữa Iraq và Iran. Tháng trước, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran, ông Bijan Zanganeh, đã chỉ trích Iraq vì không trả khoản nợ 2 tỷ USD nhập khẩu năng lượng vì tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Trong khi đó, các quốc gia Ả Rập ở vùng Vịnh, bao gồm cả đối thủ truyền kiếp của Iran là Saudi Arabia đã tiến tới các thỏa thuận với chính phủ Iraq về năng lượng và các thỏa thuận kinh tế khác, mặc dù thành công còn hạn chế.

Iran và đồng minh Iraq cũng phải đối mặt với thách thức về sự bất mãn lan rộng đối với sức ảnh hưởng đáng kể của mình - không chỉ ở các khu vực phía bắc Sunni, nơi các dân quân Shi'ite đã tăng cường kiểm soát, mà ngay cả ở các vùng trung tâm người Shi'ite.

Các cuộc biểu tình nổ ra khắp miền Nam Iraq năm ngoái đi kèm với nhiều khẩu hiệu chống Iran, và những người biểu tình đã xông vào lãnh sự quán Iran ở thành phố Basra.

Renad Mansour, chuyên gia nghiên cứu tại Chatham House, cho biết: "Có những căng thẳng đang gia tăng ở các tỉnh chủ yếu là Shi'ite, tại một thời điểm được cho là thân Iran".

"Một phần sự thất vọng của họ nhắm vào Iran và các đảng Hồi giáo mà Iran ủng hộ ... Còn đối với Iran, ưu tiên ở Iraq là giữ ổn định và đảm bảo lợi ích của họ."

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ