(Tổ Quốc) - Chuyến công du của Ngoại trưởng Iran tới Trung Quốc, Nga và EU, có thể là cơ hội để thế giới biết được sự thật về quốc gia Hồi giáo.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif sẽ có chuyến thăm tới Trung Quốc, Nga, và EU, nhằm thảo luận với những bên còn lại trong Kế hoạch hành động toàn diện chung 2015 (JCPOA – còn được biết tới với cái tên Thoả thuận hạt nhân Iran).
Chuyến công du của ông Zarif diễn ra vào thời điểm Tổng thống Donald Trump vừa tuyên bố rút Mỹ ra khỏi JCPOA, và Israel đã tấn công vào các lực lượng của Iran đóng tại Syria.
Trong khi Mỹ và Israel dường như muốn đẩy Iran tới miệng hố chiến tranh, quốc gia Hồi giáo đã tỏ rõ quyết tâm sẽ tránh xa điều này.
Trước đó, Sputnik đưa tin, hôm thứ Sáu (11/5), Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman đã kêu gọi Tổng thống Bashar al-Assad “tống cổ người Iran” ra khỏi Syria, nhằm khiêu khích một hành động quân sự đáp trả từ Tehran.
Còn hãng tin AFP cho biết, các bên còn lại của thoả thuận hạt nhân – Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh và Đức – đã đồng loạt lên án quyết định của chính quyền ông Trump; tuy nhiên, các nước châu Âu hiện đang chịu sức ép kinh tế rất lớn từ Washington.
Các cuộc biểu tình cũng nổ ra tại cả Iran và Israel.
“Giới chức không nên tin tưởng vào Pháp và Anh. Họ sẽ không bao giờ từ bỏ nước Mỹ vì chúng ta,” một người Iran nói với phóng viên.
“Chúng tôi đến đây để cầu nguyện cho chiến thắng trước Iran, chống lại kẻ thù” một trong hàng trăm người Do Thái có mặt tại Bức Tường Phía Tây cho biết.
Theo một số chuyên gia, Iran có thể “kích hoạt” đồng minh Lebanon của mình, là lực lượng Hezbollah – từ đó mở ra một mặt trận thứ hai trong cuộc xung đột với Tel Aviv.
Bên cạnh đó, những vụ nổ súng tại biên giới với Israel và Palestine được ví như càng “đổ thêm dầu vào lửa”.
Nhà Trắng cho rằng, Iran đang có “những hành động thiếu suy nghĩ”, và coi nước này là “một mối đe doạ nghiêm trọng cho ổn định” ở Trung Đông.
Một thông cáo từ Nhà Trắng tuyên bố: “Trong tuần này, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã nã hoả tiễn vào người dân Israel, và lực lượng thân cận của Iran tại Yemen đã phóng một quả tên lửa đạn đạo vào Riyadh”.
Tuy nhiên, Mỹ cũng khẳng định, mặc dù rời khỏi thoả thuận hạt nhân 2015, Washington vẫn muốn các điều tra viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, tiếp tục ở lại Iran.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif |
Theo các nhà phân tích, chuyến đi của ông Zarif là một cơ hội hiếm hoi cho Iran để xây dựng hình ảnh và nói với thế giới rằng, họ đang tìm kiếm một cách tiếp cận ngoại giao.
“Lần đầu tiên, Iran có cơ hội để cho thế giới thấy họ không phải là một quốc gia cứng đầu như bề ngoài vẫn tỏ ra, bởi vì họ đã thương lượng với niềm tin và tuân theo các cam kết của mình,” Karim Emile Bitar, một nhà nghiên cứu tại Viện Các vấn đề quốc tế và Chiến lược ở Paris, nhận định.
Trong tất cả các bên tham gia ký kết JCPOA, Nga là nước duy nhất có quan hệ tốt với cả Iran và Israel. Nhiều ý kiến đã đề xuất để Nga đảm nhận vai điều phối một cuộc đối thoại giữa hai quốc gia Trung Đông.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov từng nói “tất cả các vấn đề nên được giải quyết thông qua thương lượng” và Nga đã cảnh báo Israel tránh xa “mọi hành động có thể được hiểu là mang tính khiêu khích”.