(Tổ Quốc) - Iran ngày 19/5 cho biết, họ sẽ chờ xem liệu châu Âu có đem tới những kết quả hữu hình trong việc vượt lên các biện pháp trừng phạt của Mỹ hay không?
Iran ngày 19/5 cho biết, họ sẽ chờ xem liệu châu Âu có đem tới những kết quả hữu hình trong việc vượt lên các biện pháp trừng phạt của Mỹ hay không trước khi quyết định tiếp tục thực hiện thoả thuận hạt nhân.
Theo AFP, tuyên bố này được đưa ra khi một quan chức cấp cao EU đến thăm Iran và đưa ra các kế hoạch tiếp tục duy trì mối quan hệ thương nhau giữa các bên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/5 đã tuyên bố rút Mỹ ra khỏi thoả thuận hạt nhân Iran năm 2015 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.
Nỗ lực cuối của EU
"Quả bóng đang nằm bên phía EU. Họ đã trình bày các đề xuất khác nhau, chúng tôi sẽ xem liệu họ có hiện thực hóa được chúng hay không", người đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi, nói.
Ông Salehi đưa ra bình luận trên sau khi gặp Ủy viên châu Âu phụ trách lĩnh vực năng lượng và khí hậu Miguel Arias Canete - quan chức cấp cao đầu tiên của phương Tây đến thăm Iran kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (JCPOA) giữa Tehran và các cường quốc thế giới hồi đầu tháng này.
Ủy viên châu Âu phụ trách lĩnh vực năng lượng và khí hậu Miguel Arias Canete và người đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi. (Nguồn: AFP) |
Ông Canete đã gọi JCPOA là "nền tảng cho hòa bình trong khu vực" khi ông đưa ra các kế hoạch của EU tiếp tục mua dầu và khí đốt và bảo vệ các công ty châu Âu trước các lệnh trừng phạt của Mỹ khi chúng được thực thi trong sáu tháng tới.
Ông Canete cũng đã có cuộc hội đàm cụ thể với Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Namdar Zanganeh về các giải pháp thiết thực, bao gồm các kế hoạch thực hiện thanh toán trực tiếp giữa các ngân hàng trung ương và bảo hiểm nhà nước cho các lô hàng.
Một nhóm các chuyên gia sau đó đã gặp các đối tác Iran của họ để thảo luận các chi tiết.
Zanganeh cho biết hiện Iran không có kế hoạch thay đổi chương trình xuất khẩu dầu, với 3,8 triệu thùng dầu/ngày, trong đó, 70% sản lượng này đi đến châu Á và 20% sang châu Âu.
Salehi cũng thừa nhận những nỗ lực của châu Âu để bảo vệ hoạt động thương mại với Iran, nhưng ông cũng nói: "Chúng tôi muốn kết quả hữu hình, nếu không chúng tôi sẽ có quyết định riêng của chúng tôi. Cá nhân tôi không muốn thấy quyết định như vậy được thực hiện."
Sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA, Iran đã đe dọa sẽ tiếp tục làm giàu uranium trong công nghiệp "mà không có giới hạn nào", trừ khi lợi ích của họ được bảo vệ bởi các bên còn lại trong thỏa thuận, bao gồm cả Trung Quốc và Nga.
Salehi cho biết người Iran đã mất niềm tin vào thỏa thuận hạt nhân và rằng, nếu lợi ích thương mại không được bảo vệ "họ sẽ mất lòng tin hơn nữa ... và chúng tôi sẽ buộc phải rời khỏi (JCPOA)."
EU khó vượt rào Mỹ?
Bất chấp sự cam kết của các nhà lãnh đạo châu Âu trong việc bảo vệ các công ty EU trước các lệnh trừng phạt của Mỹ, một số tập đoàn lớn, bao gồm tập đoàn dầu khí đa quốc gia Total của Pháp và - bao gồm Pháp và tập đoàn vận tải biển Maersk của Hà Lan đã nói rằng sẽ không thể ở lại (làm ăn với Iran) trừ khi họ nhận được sự miễn trừ rõ ràng từ Washington.
"Chắc chắn sẽ có những khó khăn rõ ràng từ các biện pháp trừng phạt", Canete cho biết tại một cuộc họp báo cùng với Salehi.
"Chúng tôi sẽ phải yêu cầu miễn trừ, để khắc phục khó khăn cho các công ty đang tham gia đầu tư", ông Canete cho hay.
Hoạt động thương mại của Iran với Liên minh châu Âu EU đang trị giá khoảng 20 tỷ euro, phân chia đều giữa hàng nhập khẩu và xuất khẩu.
Trong đó, dầu chiếm khoảng 90% lượng nhập khẩu từ Iran, chủ yếu đến Tây Ban Nha, Pháp, Italy, Hy Lạp, Hà Lan và Đức.
Iran có trữ lượng dầu lớn thứ tư thế giới và trữ lượng khí lớn thứ hai thế giới.
Tuy nhiên, kể từ khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ sau thoả thuận JCPOA năm 2015, chỉ có 2 thoả thuận năng lượng lớn được hoàn tất: Dự án South Pars 11 trị giá 4,8 tỷ USD của Total cùng Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc CNPC và một thỏa thuận trị giá 740 triệu USD với tập đoàn Zarubezhneft của Nga để phát triển các mỏ dầu Aban và Paydar.
Các nhà phân tích nói rằng, phe bảo thủ tại Iran vẫn cảnh giác với sự tham gia của nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng, và Lực lượng vệ binh cách mạng tinh nhuệ Iran đã tìm cách duy trì vai trò đặc quyền của họ trong các dự án lớn, bao gồm việc trì hoãn các cuộc đàm phán với các công ty phương Tây.
Trong số các bên tham gia thoả thuận hạt nhân 2015, Nga và Trung Quốc hiện ít bị ảnh hưởng bởi sức ép kinh tế từ Washington, và các nhà phân tích nói rằng hai nước này có thể hưởng lợi từ những khó khăn của châu Âu trong việc duy trì giao thương với Iran.