• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Iran tung tín hiệu mạnh về hạt nhân: "Giờ G" sắp điểm với Mỹ và châu Âu?

Thế giới 02/07/2019 10:19

(Tổ Quốc) - Iran đã vượt giới hạn dự trữ uranium làm giàu mức thấp – mốc được quy định theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (JCPOA), các thanh sát viên quốc tế và Tehran cho biết hôm thứ Hai.

Theo AP, động thái này là một cột mốc lớn đánh dấu Iran đang dần rời bỏ JCPOA – một năm sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định này.

Động thái này cũng gia tăng thêm căng thẳng trên khắp Trung Đông trong bối cảnh Iran gần đây đã bắn hạ một máy bay không người lái do thám của quân đội Mỹ, các cuộc tấn công bí ẩn vào các tàu chở dầu mà Mỹ và Israel đổ lỗi cho Tehran và các cuộc tấn công bằng máy bay ném bom của phe nổi dậy Houthi tại Yemen vào Saudi Arabia.

Thông báo của Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif và sau đó là sự xác nhận của cơ quan giám sát hạt nhân Liên hợp quốc đã gây thêm áp lực mới đối với các quốc gia châu Âu đang cố gắng cứu vãn JCPOA – giữa bối cảnh ông Trump đang gây nhiều sức ép cho Tehran.

Trong khi đó, Iran cũng đang đe dọa sẽ tăng cường làm giàu uranium gần hơn với cấp độ vũ khí vào ngày 7/7 nếu châu Âu không thể mang lại những sự hỗ trợ mới khả thi với họ.

Tại Nhà Trắng, ông Trump nói với các phóng viên rằng Iran đang "đùa với lửa" và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo kêu gọi cộng đồng quốc tế yêu cầu Iran đình chỉ mọi hoạt động làm giàu, ngay cả ở mức cho phép theo thỏa thuận hạt nhân.

"Chính quyền Iran, được trang bị vũ khí hạt nhân, sẽ gây ra mối nguy hiểm lớn hơn cho khu vực và thế giới", ông Pompeo cho biết trong một tuyên bố.

Iran tung tín hiệu mạnh về hạt nhân: Giờ G sắp điểm với Mỹ và châu Âu? - Ảnh 1.

Việc Mỹ muốn cắt giảm xuất khẩu dầu của Iran về 0 đang gây sức ép rất lớn với nước này.

Mặc dù ông Trump rút quyết định không kích Iran vào phút chót – điều được cho là để đáp trả vụ máy bay không người lái Mỹ bị bắn hạ, nhưng nước này vẫn triển khai một nhóm tàu sân bay, máy bay ném bom hạt nhân B-52 và hàng ngàn binh sĩ bổ sung tới khu vực này. Điều đó làm dấy lên lo ngại rằng một tính toán sai lầm hoặc những sự cố tiếp theo có thể đẩy hai bên vào một cuộc xung đột vũ trang.

Iran không thể ngồi yên

Thông tin với các nhà báo ở Tehran, ông Zarif thừa nhận Iran đã vượt qua giới hạn do JCPOA đặt ra.

"Chúng tôi đã thông báo trước về điều này và chúng tôi đã nói rõ ràng những gì chúng tôi sẽ làm", ông Zarif nói. "Chúng tôi sẽ hành động theo những gì đã công bố và coi đó là quyền của mình được bảo lưu trong thỏa thuận hạt nhân".

Theo các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân, Iran đã đồng ý chỉ giữ lại dưới 300 kg uranium (661 pound) làm giàu tới mức tối đa 3,67%. Trước đây, Iran đã làm giàu tới 20% - chỉ cần một số bước đi nữa là đạt đến cấp độ vũ khí. Và họ cũng đã có tới 10.000 kg (22.046 pound) uranium làm giàu cao hơn.

Cả ông Zarif và IAEA đều không cho biết Iran hiện có bao nhiêu uranium. Tuần trước, một quan chức Iran ở Vienna cho biết, Tehran chỉ cách mức giới hạn 2,8 kg. Iran trước đây đã tuyên bố sẽ tăng gấp bốn lần sản xuất uranium làm giàu thấp. Uranium được làm giàu ở mức dưới 3,67% là đủ để cung cấp năng lượng cho một lò phản ứng hạt nhân để tạo ra điện, nhưng thấp hơn nhiều so với mức độ vũ khí.

"Hành động của người châu Âu là chưa đủ nên Cộng hòa Hồi giáo sẽ thúc đẩy các kế hoạch của mình như đã tuyên bố trước đó", ông Zarif nói. "Chúng tôi đang trong quá trình thực hiện giai đoạn hành động đầu tiên của mình cả về việc tăng kho dự trữ uranium đã làm giàu cũng như trữ lượng nước nặng của chúng tôi."

Việc nước này tự phá vỡ giới hạn dự trữ không tác động mạnh tới khoảng thời gian 1 năm mà các chuyên gia cho rằng Iran cần để có đủ nguyên liệu cho một quả bom nguyên tử, nếu nước này chọn theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân.

Nhưng bằng cách gia tăng kho dự trữ với mức độ làm giàu cao hơn, Iran bắt đầu tiến sát khoảng thời gian một năm đó và ảnh hưởng xấu đến bất kỳ nỗ lực ngoại giao nào trong việc cứu vãn thỏa thuận.

Tại thời điểm thỏa thuận năm 2015, được Iran, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Đức, Pháp và Anh đồng ý, các chuyên gia tin rằng Iran cần từ vài tuần đến ba tháng để có đủ nguyên liệu cho một quả bom.

Ông Zarif nhấn mạnh, đất nước của ông vẫn đi đúng lộ trình tăng cường làm giàu uranium nếu châu Âu không thực hiện bất kỳ bước đi bổ sung nào để bảo vệ hiệp định cũ.

"Bước tiếp theo là về giới hạn 3,67%, chúng tôi cũng sẽ có hành động", ông cảnh báo.

Hi vọng cuối từ châu Âu

Kể từ khi ông Trump rút Mỹ khỏi JCPOA một năm trước, Washington đã áp đặt lại các lệnh trừng phạt trước đó và bổ sung các biện pháp mới, cũng như cảnh báo các quốc gia khác họ sẽ phải chịu trừng phạt nếu họ nhập khẩu dầu của Iran. Ông Trump đã thảo luận về tình hình này qua điện thoại hôm thứ Hai với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Nhà Trắng cho biết.

Một phát ngôn viên của bà Federica Mogherini - quan chức hàng đầu về chính sách đối ngoại của EU - nói rằng, khối này kêu gọi Iran "đảo ngược bước đi trên và kiềm chế các biện pháp tiếp theo làm suy yếu thỏa thuận hạt nhân".

Phát ngôn viên Maja Kocijancic nhấn mạnh châu Âu "vẫn hoàn toàn cam kết với thỏa thuận miễn là Iran tiếp tục thực hiện đầy đủ các cam kết hạt nhân".

Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cho biết ông "hết sức lo lắng" trước thông báo của Iran. Trong một tweet, ông kêu gọi Tehran "tránh mọi bước đi xa rời JCPOA và quay trở lại tuân thủ".

"Chính sách đã thay đổi từ 'chờ đợi ông Trump' thành 'đáp trả ông Trump'. Đó là một vấn đề lớn", theo Cliff Kupchan, Chủ tịch của Eurasia Group và là một chuyên gia về Iran lâu năm. "Tôi không nghĩ một trong hai bên muốn chiến tranh, nhưng cả hai bên đều muốn có thể hiện sức ép. Chúng ta đang ở trong một hành trình khó khăn".

Từ Moscow, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov lưu ý Iran đã cảnh báo trước rằng họ sẽ vượt quá giới hạn mà thỏa thuận đặt ra và nhấn mạnh rằng động thái của Tehran diễn ra theo sức ép "không thể tưởng tượng nổi" từ Hoa Kỳ.

"Điều đó không gây ngạc nhiên, Iran từ lâu đã cảnh báo về điều đó", ông Ryabkov nói.

"Vượt quá giới hạn 300 kg kéo theo sự tiếc nuối, nhưng không được coi là quá bất ngờ. Nó phải được xem là kết quả tự nhiên của các sự kiện trước đó", ông Ryabkov nói. "Iran đã phải đối mặt với một áp lực trừng phạt chưa từng có và không thể tưởng tượng nổi từ phía Hoa Kỳ - điều tương đương với một lệnh cấm vận dầu mỏ hoàn toàn, một nỗ lực nhằm bóp nghẹt một quốc gia có chủ quyền".

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ