• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Iraq "không để yên" vụ không kích Soleimani: Chuyển hướng vũ khí Nga, Trung Quốc, Ukraine

Thế giới 22/01/2020 08:52

(Tổ Quốc) - Một nhà lập pháp cấp cao của Iraq hôm thứ Hai đã tuyên bố rằng chính phủ Iraq đang thăm dò việc mua các hệ thống phòng không của Nga, Trung Quốc hoặc Ukraine, có thể để đổi lấy các chuyến hàng dầu của Iraq.

Nhận xét này được đưa ra trong bối cảnh Iraq đang xem xét mua một hệ thống phòng không hiện đại của Nga, sau khi diễn ra cuộc không kích của chính quyền Trump giết chết chỉ huy Lực lượng Qods của Iran Qassem Soleimani ở Baghdad hồi đầu tháng này.

Iraq sốt sắng phòng không

Badr al-Ziyadi, thành viên của ủy ban an ninh và quốc phòng của Quốc hội Iraq, nói với tờ As Sabah rằng Iraq có kế hoạch gửi phái đoàn đến Nga, Trung Quốc và Ukraine để hỏi về việc mua các hệ thống phòng không tiên tiến.

Các phái đoàn này có ý định đến thăm các quốc gia như Nga, Trung Quốc và Ukraine, để đàm phán mua các hệ thống hiện đại để bảo vệ không phận Iraq, ông nói. Hiện tại, Quốc hội Iraq đang thành lập một phái đoàn hành pháp và lập pháp chung để thăm các nước phát triển và ký hợp đồng mua sắm vũ khí tối tân.

Ziyadi cho biết Iraq có thể trả tiền cho các hệ thống vũ khí bằng các chuyến hàng dầu thay vì tiền mặt.

Iraq "không để yên" vụ không kích Soleimani: Chuyển hướng vũ khí Nga, Trung Quốc, Ukraine - Ảnh 1.

S-400 của Nga đang được phía Iraq xem xét cùng nhiều lựa chọn khác. Ảnh: Reuters.

Nhiều quốc gia cho biết [họ] sẵn sàng vận chuyển vũ khí hiện đại đến Iraq để đổi lấy dầu, ông nói. Đây là cách tốt nhất để đảm bảo vận chuyển vũ khí tốt đến Iraq mà không tham nhũng và hối lộ.

Muhammad Ridha, người đứng đầu ủy ban quốc phòng và an ninh quốc hội, nói với hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti tuần trước rằng Baghdad gần đây đã bắt đầu lại các cuộc thảo luận với Moscow về khả năng mua hệ thống phòng không S-300 của Nga.

Các cuộc thảo luận ban đầu đã được diễn ra từ khi xảy ra các cuộc không kích không vào năm ngoái nhằm vào các căn cứ của lực lượng dân quân Hồi giáo Shiite do Iran hậu thuẫn ở Iraq. Lực lượng này được gọi là Lực lượng Huy động Nhân dân PMF (được biết đến với tên địa phương là Al-Hashd al-Shaabi).

"Vài tháng trước, sau các cuộc tấn công vào căn cứ dân quân Shi'ite của Al-Hashd al-Shaabi ở Baghdad và các tỉnh khác, sự cần thiết có những vũ khí này đã được đặt ra và bên có trách nhiệm đã nối lại các cuộc đàm phán về hợp đồng S-300", ông Ridha nói.

Bất chấp trừng phạt

Ông nhắc lại rằng các cuộc đàm phán trước đây về S-300 đã sụp đổ vì các mối đe dọa của Hoa Kỳ nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Iraq nếu hợp đồng vũ khí này được xúc tiến.

Nhưng lúc này, Iraq dự định theo đuổi một thỏa thuận mua các hệ thống của Nga bất chấp họ dự đoán về phản ứng dữ dội từ Washington, Ridha nói.

Căng thẳng giữa Washington và Baghdad đã nảy sinh sau khi chính quyền Trump giết chết Soleimani trong một cuộc không kích gần sân bay quốc tế Baghdad vào ngày 3 tháng 1. Chính phủ Iraq đã lên án cuộc không kích này và quốc hội Iraq ngay sau đó đã bỏ phiếu trục xuất tất cả lực lượng Mỹ khỏi Iraq - nơi họ được triển khai để huấn luyện lực lượng Iraq.

Chính trong bối cảnh đó, Nga đã tìm đến Iraq về một thỏa thuận vũ khí mới. RIA Novosti đã đưa tin hồi đầu tháng này rằng Nga đang đề nghị bán cho Iraq hệ thống phòng không S-400 tiên tiến hơn của họ, để giúp đảm bảo chủ quyền của quốc gia và bảo vệ đáng tin cậy không phận nước này.

S-400 là hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không có khả năng nhắm mục tiêu máy bay, máy bay không người lái, và tên lửa trong vòng 400 km (250 dặm) và ở độ cao lên tới 30 km (18 dặm).

Hoa Kỳ đã liên tục phản đối những nỗ lực của các đồng minh để có được S-400. Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh của NATO - đã thách thức sự đe dọa của Hoa Kỳ để nhận lô hàng S-400 đầu tiên từ Nga vào mùa hè vừa qua, Tổng thống Trump đã đáp trả bằng cách không cho Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chương trình sản xuất máy bay phản lực F-35 tiên tiến của họ.

Vào tháng 12 năm ngoái, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đã thông qua nghị quyết kêu gọi trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ về thương vụ này.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết tuần trước Hoa Kỳ sẽ trừng phạt Iraq nếu họ chọn mua S-300 hoặc S-400 từ Nga.

Phó trợ lý Ngoại trưởng Joey Hood về các vấn đề cận đông cho biết, việc mua các hệ thống này có thể trở thành một nguyên nhân dẫn tới các lệnh trừng phạt, vì vậy chúng tôi khuyên các đối tác của mình không nên mua vũ khí như vậy.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đáp trả bằng cách tuyên bố rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ không đủ sức ngăn Moscow.

"Chúng tôi không sợ những lệnh trừng phạt này", ông nói với hãng tin TASS của Nga. "Chúng tôi sẵn sàng chống lại họ".

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ