(Tổ Quốc) - Israel từng tuyên bố, Iron Beam "chính là vũ khí thay đổi cuộc chơi". Nó sẽ thiết lập bức tường laser bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ nhà nước Do Thái.
Bức tường laser
Theo chuyên gia phân tích Brent M. Eastwood, tác giả cuốn "Humans, Machines, and Data: Future Trends in Warfare", Israel đang nghiên cứu để đưa tia laser vào một hệ thống mới có tên gọi là Iron Beam. Tel Aviv dự kiến sẽ đầu tư khoảng 150 triệu USD vào dự án này.
Có thể Iron Beam sẽ không chỉ giữ vai trò hệ thống tác chiến đất-đối-không, mà còn là hệ thống laser lắp đặt trên máy bay để thực hiện các nhiệm vụ tấn công không-đối-không. Israel mong muốn Mỹ đầu tư hơn 300 triệu USD vào dự án Iron Beam nhưng đến nay Washington vẫn từ chối.
Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ đã vạch ra các ưu điểm và nhược điểm trong kế hoạch sử dụng năng lượng định hướng của Israel cho các mục đích chiến đấu. Giới lập pháp Mỹ dường như sẽ chờ đợi và xem xét kết quả các cuộc thử nghiệm Iron Beam trong những tháng tới.
Trong khi đó, hệ thống đánh chặn rocket Iron Dome của Israel đã chứng tỏ bản lĩnh và hiệu quả qua 3 ngày xung đột ở Dải Gaza đầu tháng 8 vừa qua. Tel Aviv tuyên bố Iron Dome đã bắn hạ hơn 200 quả rocket với tỷ lệ thành công lên tới 97%.
Iron Beam đang được kỳ vọng có thể tạo dựng được danh tiếng tương tự như trên. Nếu hoạt động đúng như dự kiến, hệ thống này sẽ tạo ra một bức tường laser.
Các tia laser từ hệ thống trên mặt đất sẽ có phạm vi hoạt động khoảng 7km, trong khi hệ thống laser trên máy bay hiện đang được Elbit phát triển và chưa có thông số cụ thể. Israel còn đang nung nấu kế hoạch triển khai hệ thống laser Iron Beam từ không gian.
Những đánh giá lạc quan cho Iron Beam
Ngay từ năm 2020, Bộ quốc phòng Israel đã không tiếc lời ca ngợi Iron Beam: "Sử dụng công nghệ mới, ngành quốc phòng Israel đã thành công trong việc tập trung chính xác chùm tia vào các mục tiêu tầm xa, khắc phục được cả các nhiễu động khí quyển. Công nghệ này sẽ cho phép Israel phát triển các hệ thống có hiệu quả hoạt động cao, đóng vai trò như một lớp phòng thủ tăng cường để bảo vệ nhà nước Israel từ trên không, trên bộ và trên biển".
Tới tháng Hai năm nay, Israel cho biết họ muốn hệ thống Iron Beam trong vòng 1 năm sẽ đạt được khả năng sẵn sàng hoạt động. Tuy nhiên, trên thực tế, Tel Aviv có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn nữa để sản xuất được hệ thống này trên quy mô lớn.
Rafael đã thử nghiệm một nguyên mẫu của Iron Beam trong năm nay. Nhà thầu quốc phòng này tin rằng, một ngày nào đó, hệ thống của họ có thể được sử dụng để chống mìn, đạn cối, tên lửa chống tăng, cũng như chống lại các cuộc tấn công của máy bay không người lái, rocket, và tên lửa phi hạt nhân.
Iron Beam sẽ giúp tiết kiệm chi phí đáng kể. Mỗi tên lửa đánh chặn Iron Dome Tamir có chi phí từ 50.000 USD – 100.000 USD, trong khi vụ nổ điện tử từ Iron Beam chỉ tốn khoảng 1 USD. Thành phần chính sẽ là một tia laser sợi quang 'siêu nóng' để đánh chặn quả đạn của đối phương. Iron Beam có khả năng hạ gục mục tiêu chỉ trong vài giây.
Hiện tại, nhiều khả năng tiềm ẩn của Iron Beam vẫn chưa được thử nghiệm và mới chỉ dừng ở mức ý tưởng. Mặc dù không thể thay thế hoàn toàn nhưng nó có thể được sử dụng để bổ sung cho Iron Dome.
Iron Beam có lẽ sẽ chưa sẵn sàng hoạt động vào năm 2023 như giới lãnh đạo Israel tuyên bố. Nhiều khả năng sẽ mất tới vài năm để các tia laser này sẵn sàng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Israel.
Tuy nhiên, tiềm năng của hệ thống Iron Beam rất hấp dẫn, đặc biệt là nếu nó có thể bổ trợ cho các tên lửa đánh chặn đắt tiền Tamir của Iron Dome. Điều đó sẽ buộc các đối thủ của Tel Aviv phải chi một số tiền đáng kể để đầu tư cho các loại đạn dược nếu muốn nhắm vào Israel.