(Tổ Quốc) - Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis ngày 6/11 cho biết ông ủng hộ một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột Syria.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis ngày 6/11 cho biết ông ủng hộ một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột Syria, trong bối cảnh Mỹ và các đối tác hướng tới xa hơn việc đánh bại IS tại nước này.
Phát biểu với các phóng viên ngày 6/11, ông Mattis cho biết ông ủng hộ nỗ lực của Liên hợp quốc tại Geneva, song song với tiến trình do Nga và Iran dẫn đầu, nhằm đạt được một giải pháp ngoại giao.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto ngày 6/11. (Nguồn: AFP) |
"Về cơ bản, chúng tôi đang cố gắng để đưa vấn đề này đi theo tiến trìnnh ngoại giao. Theo đó, chúng tôi có thể sắp xếp và đảm bảo rằng các lực lượng ít người, dù họ là ai, không phụ thuộc vào những gì chúng ta đã thấy" dưới chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad.
Cuộc chiến chống lại các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq và Syria vẫn chưa kết thúc, nhưng chúng đã vấp nhiều thất bại lớn và mất hầu hết lãnh thổ từng nắm giữ.
Các đồng minh của Mỹ đang lo ngại về việc Mỹ chưa đưa ra định hướng rõ ràng về kế hoạch tại Syria sau khi IS bị nghiền nát.
Ông Mattis đang trong hành trình tại Phần Lan – bắt đầu một tuần hội đàm với các đồng minh trong khu vực và các đối tác NATO về các vấn đề an ninh, bao gồm IS và sự gia tăng quân sự của Nga.
Ông Mattis cũng sẽ tới trụ sở của NATO ở Brussels vào cuối tuần.
Chuyến thăm Helsinki của ông Mattis cũng tập trung vào hoạt động của Nhóm phương Bắc, một diễn đàn ít gồm 12 quốc gia Châu Âu, chú trọng vào các thách thức an ninh và quân sự của châu lục này, đặc biệt là từ phía Đông.
Ông Mattis nói: "Chuyến đi "là một cơ hội để khẳng định rằng chúng tôi đang sát cánh cùng các đối tác, NATO và các nước châu Âu khác khi bất kỳ quốc gia nào, bao gồm cả Nga muốn làm suy yếu luật pháp quốc tế".
Mặc dù Phần Lan và Thụy Điển không phải là thành viên NATO, nhưng hai nước này duy trì hợp tác chặt chẽ với liên minh 28 thành viên trên.
Nhóm phương Bắc bao gồm Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Đức, Iceland, Latvia, Lithuania, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Thụy Điển và Anh.
(Theo AFP)