(Tổ Quốc) - Trong mấy ngày nay, nhiều nơi tại Israel đã bùng nổ các cuộc biểu tình nhằm vào chính phủ mới được thành lập của Thủ tướng Benjamin Netanyahu.
Các phương tiện truyền thông Israel cho biết, khoảng 100.000 người đã xuống đường ở Tel Aviv, Tây Jerusalem, Haifa và nhiều thành phố khác để phản đối kế hoạch của chính phủ về thay đổi hệ thống tư pháp.
Những người biểu tình hô vang các khẩu hiệu coi việc thay đổi hệ thống tư pháp là một cuộc đảo chính bất hợp pháp chống lại nền dân chủ, đồng thời yêu cầu Thủ tướng B. Netanyahu từ chức do ông đang bị truy tố trong các vụ án tham nhũng.
Các cuộc biểu tình này do “Phong trào vì một chính quyền trong sạch” khởi xướng đã thu hút sự tham gia đông đảo của quần chúng nhân dân, các đảng phái cánh tả và nhiều tổ chức chính trị khác. Đây là cuộc biểu tình chống chính phủ lớn nhất từ trước đến nay ngay sau khi được Quốc hội (Knesset) phê chuẩn cuối tháng 12/2022.
Nguyên nhân bùng nổ các cuộc biểu tình
Ngày 4/1/2023, Thủ tướng B. Netanyahu đã đưa ra một dự án cải cách tư pháp làm suy yếu hệ thống tư pháp của Israel. Theo dự án này, Knesset sẽ được trao nhiều quyền kiểm soát hơn đối với ngành tư pháp, có thể bác bỏ phán quyết của Tòa án tối cao nếu nhận được sự ủng hộ của hơn 50% nghị sĩ, ngay cả khi nó trái với bộ luật cơ bản. Đồng thời, các thành phần của cơ quan bổ nhiệm thẩm phán sẽ thay đổi, theo đó các chính trị gia sẽ có vai trò lớn hơn trong việc bổ nhiệm thẩm phán của Tòa án tối cao.
Chánh án Tòa án Tối cao, tổng chưởng lý và giới luật sư Israel cho rằng, những cải cách này sẽ làm mất đi tính độc lập của ngành tư pháp, khuyến khích tham nhũng, tước bỏ quyền của các nhóm thiểu số và khiến hệ thống tòa án của Israel mất uy tín trong việc giải quyết các cáo buộc tội ác chiến tranh ở nước ngoài.
Chánh án Tòa án Tối cao Esther Hayut đã cảnh báo mạnh mẽ và coi đây là một "đòn chí mạng" đánh vào sự độc lập của ngành tư pháp. Bà cho rằng, những cải cách của chính phủ B. Netanyahu làm suy yếu quyền lực của Toà án tối cao.
Tuy nhiên, đây chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Nguyên nhân sâu xa của tình hình hiện nay là mâu thuẫn âm ỉ từ lâu nay trong lòng xã hội Israel giữa các đảng phái cực hữu, đặc biệt giữa đảng Likud của Thủ tướng B. Netanyahu và các đảng phái khác.
Chính phủ cực hữu nhất trong lịch sử Israel
Ngày 29/12/2022, chính phủ mới của Israel do B. Netanyahu, thủ lĩnh đảng Likud cực hữu làm Thủ tướng đã tuyên thệ nhậm chức. Tham gia nội các với Likud là các đảng phái cực hữu gồm Shas Chính thống, Do Thái giáo Torah Thống nhất, đảng Otzma Yehudit nổi tiếng chống Ả Rập, Chủ nghĩa phục quốc Zionism và các đảng tôn giáo cực đoan khác. Đặc biệt, các chính trị gia nổi tiếng mang tư tưởng cực hữu Itamar Ben-Gvir và Bezalel Smotrich, thủ lĩnh đảng Phục quốc tôn giáo Zionist được giữ các chức vụ quan trọng trong chính phủ.
Nội các mới gồm 33 thành viên thuộc liên minh tôn giáo dân tộc chủ nghĩa cực đoan cánh hữu. Thủ tướng mới mãn nhiệm Yair Lapid nói: “Chính phủ vừa được thành lập của Thủ tướng B. Netanyahu là một chính phủ cực đoan nhất trong lịch sử Israel".
Ben-Gvir là người ủng hộ phong trào của Meir Kahane (giáo sĩ Do Thái có quan điểm chống Ả Rập mạnh mẽ), trong khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) coi phong trào này là khủng bố và bị cấm. Ông Ben-Gvir được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng An ninh Quốc gia và phụ trách các đơn vị cảnh sát biên phòng ở Bờ Tây, trước đây trực thuộc thuộc Bộ Quốc phòng. Ben-Gvir sống trong một khu định cư của người Do Thái mà Liên Hợp Quốc coi là bất hợp pháp. Ông và B. Smotrich luôn phản đối việc thành lập một nhà nước Palestine và kêu gọi mở rộng lãnh thổ Israel sang các vùng đất Palestine bị chiếm đóng ở Bờ Tây.
Bản thân Thủ tướng B. Netanyahu, thủ lĩnh đảng Likud cực hữu, đã thất bại và buộc phải từ bỏ quyền lực trong cuộc bầu cử năm 2021. Cuối tháng 12/2022, ông đã trở lại làm Thủ tướng sau cuộc bầu cử lần thứ năm trong vòng 4 năm, phản ánh sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Israel. Ông vẫn đang phải hầu toà về tội tham nhũng và là Thủ tướng lâu nhất của Israel với 6 nhiệm kỳ, lần đầu tiên từ năm 1996-1999, sau đó từ năm 2009-2021 và hiện nay.
Các bên tham gia chính phủ của Thủ tướng B. Netanyahu đã ký một tuyên bố về nền tảng chính sách của chính phủ liên minh, coi người Do Thái có độc quyền không thể tranh cãi đối với vùng đất của Israel và chính phủ sẽ làm việc để phát triển các khu định cư và khuyến khích người Do Thái nhập cư vào Israel. Tuyên bố cũng nhấn mạnh Israel là nhà nước Do Thái, đồng thời coi Jerusalem là Thủ đô của Israel.
Đáng lưu ý, ông B. Netanyahu đã bổ nhiệm cựu giám đốc Cơ quan tình báo Eli Cohen giữ chức Ngoại trưởng và một trong những trợ lý trung thành nhất của ông trong đảng Likud, Yoav Gallant làm Bộ trưởng Quốc phòng. Trong lễ nhậm chức, ông Y. Gallant đã tuyên bố sẽ tấn công Iran nhằm ngăn chặn Tehran chế tạo vũ khí hạt nhân.
Chính phủ của Thủ tướng B. Netanyahu đứng trước nhiều khó khăn
Tổng thống Israel Isaac Herzog cũng bày tỏ nghi ngờ về thành phần của chính phủ mới. Ông nhấn mạnh, người dân Israel buộc phải lo sợ trước các mối đe dọa vì bản sắc hoặc giá trị của họ là trái với các nguyên tắc đạo đức và dân chủ cơ bản của đất nước.
Cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak thuộc đảng Lao động đã kêu gọi người dân Israel tham gia vào "cuộc chiến đường phố" để phản đối ông B. Netanyahu. Ông Barak nói: “Kết quả của cuộc đấu tranh sẽ được quyết định bởi các cuộc biểu tình trên đường phố. Hàng triệu người phải xuống đường.”
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz đã kêu gọi người dân xuống đường biểu tình. Phát biểu với những người biểu tình trên quảng trường Habima, ở Tel Aviv, ông nói: "Đúng là trời có hơi lạnh và cũng có thể mưa. Nhưng đây là đất nước của chúng ta. Mọi người hãy một tay cầm quốc kỳ Israel và một tay cầm chiếc ô hãy đến đây để bảo vệ nền dân chủ và luật pháp của Nhà nước Israel.”
Chính phủ mới của Israel có thể gặp vấn đề với Mỹ và các nước phương Tây bởi tư tưởng của ông Ben-Gvir là điều khó có thể được chấp nhận.
Washington đã nói rõ, chính quyền của Tổng thống Joe Biden khó có thể hợp tác với Ben-Gvir, Smotrich và những nhân vật cực hữu khác.
Chính phủ mới của Israel bao gồm các nhân vật theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan sẽ làm phức tạp thêm mối quan hệ của Israel với thế giới Ả Rập. Năm 2020, B. Netanyahu đã thiết lập quan hệ ngoại giao với các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Bahrain, Morocco và Sudan. Tuy nhiên, trong cuộc đàm thoại với lãnh đạo Likud mới đây, Ngoại trưởng UAE Sheikh Abdullah bin Zayed cho rằng việc đưa các thành viên cánh hữu vào chính phủ Israel có thể ảnh hưởng đến quan hệ song phương.
Đối với người Palestine, chính phủ cực hữu của ông B. Netanyahu đã làm lu mờ triển vọng của tiến trình hòa bình giữa Palestine và Israel. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas coi tuyên bố của B. Netanyahu về việc tăng cường và mở rộng các khu định cư là một sự leo thang nguy hiểm và vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc.
Ông Abbas nhấn mạnh, chính sách của chính phủ do ông Netanyahu đứng đầu nhằm tăng cường các khu định cư ở Bờ Tây mâu thuẫn với tất cả các nghị quyết của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là Nghị quyết 2334 của Hội đồng Bảo an khẳng định các khu định cư ở các vùng đất Palestine bị chiếm đóng, bao gồm cả Đông Jerusalem là bất hợp pháp.
Người đứng đầu Phong trào Kháng chiến Hồi giáo (Hamas), Ismail Haniyeh, đã cảnh báo về các chính sách của Israel. Ông nói rằng các xu hướng chính trị của chính phủ Netanyahu đã đặt toàn bộ tình hình vào tình thế nóng bỏng, người dân Palestine sẽ kiên quyết đoàn kết chống lại.
Đại sứ Israel tại Pháp, Yael German, đã đệ đơn từ chức sau khi chính phủ mới được Knesset thông qua. Ông đã viết trên trang Twitter của mình: "Chính sách của chính phủ mới, tuyên bố của các bộ trưởng trong nội các mới hoàn toàn mâu thuẫn với lương tâm, tầm nhìn của tôi và các nguyên tắc nêu trong Tuyên ngôn của Độc lập của Nhà nước Israel năm 1948."
Nhiều chuyên gia, các nhà quân sự và chính trị gia ở Israel cảnh báo về khả năng Israel một lần nữa sẽ lại lâm vào cảnh chia rẽ nội bộ toàn diện, cuộc tranh giành quyền lực có thể dẫn đến sự rạn nứt của nhà nước Israel. Các nhà phân tích chính trị cho rằng, tình hình này không loại trừ khả năng phải tổ chức bầu cử lần thứ sáu.