• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

John McCain: Người khổng lồ hết mình cho quan hệ Mỹ - Việt

Thế giới 28/08/2018 19:13

(Tổ Quốc) -

Theo thông báo từ văn phòng Thượng nghị sĩ John McCain, ông McCain đã qua đời lúc 16h28 giờ Phoenix ngày 25/8. "Cho tới lúc mất, ông đã phụng sự trung thành nước Mỹ trong 60 năm".

Qua đời ở tuổi 81, Thượng nghị sĩ John McCain đã chiến đấu với căn bệnh ung thư não ác tính từ tháng 7/2017 và không còn xuất hiện ở Quốc hội Mỹ kể từ tháng 12 năm ngoái. 

Chính quyền Mỹ đã treo cờ rủ tại Nhà Trắng nhằm tưởng nhớ Thượng nghị sĩ John McCain.

Thống đốc bang Arizona Doug Ducey đã yêu cầu tất cả các bang của nước Mỹ đều để cờ rủ. Theo quy định, các thượng nghị sĩ Mỹ qua đời trong thời gian tại nhiệm sẽ được treo cờ rủ để tưởng nhớ kể từ ngày mất tới lúc an táng.

"Tôi gửi sự đồng cảm và tôn trọng sâu sắc nhất đến gia đình Thượng nghị sĩ John McCain", Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter.

Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng ca ngợi McCain vì niềm tin ông theo đuổi rằng "mọi công dân đều có trách nhiệm làm nên một thành tựu nào đó". "Mỗi ngày, ông ấy đều sống đúng với niềm tin của mình".

Chiều ngày 27/8, thay mặt Đảng, Nhà nước Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đến Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội để chia buồn về việc Thượng nghị sĩ John McCain từ trần.

Ghi sổ tang mở tại Đại sứ quán, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh viết: “Đối với Chính phủ và nhân dân Việt Nam, ngài Thượng nghị sĩ John McCain luôn là biểu tượng cho thế hệ nghị sĩ – cựu binh chiến tranh Việt Nam, là người đi đầu và có nhiều đóng góp to lớn trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh, bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ.

Chúng tôi luôn trân trọng những nỗ lực của ngài Thượng nghị sĩ trong việc xây dựng và phát triển quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ trong những thập kỷ qua”.

Theo New York Times, khi ông McCain, người luôn hướng tới sự đoàn kết quốc gia, đã đi xa, ông để lại phía sau một cuộc đời đầy chiến tích. Chính trường Mỹ đối mặt với khoảng trống lớn khi sự chia rẽ ngày càng cực đoan giữa các phe phái.

Trong nhiệm kỳ đầu của ông McCain ở Thượng viện năm 1987, hậu quả vụ bê bối Keating Five kéo dài từ năm 1989 đến 1991 là một cú đòn nặng với một người luôn tuân thủ luật lệ nghiêm khắc như ông.

Ông McCain là nghị sĩ đảng Cộng hòa duy nhất trong vụ việc và bị Ủy ban Đạo đức Thượng viện khiển trách vì đánh giá kém (ông chịu án nhẹ nhất). Phiên điều trần được phát trên truyền hình đã đặt dấu chấm kết thúc với sự nghiệp chính trị của một số nghị sĩ bị tố giác.

Tuy nhiên, trải nghiệm khắc nghiệt này đã giúp ông McCain trở thành một nhà lập pháp độc lập hơn. Ông McCain đã rút kinh nghiệm và trở thành người khởi xướng cải cách quy định tài chính trong vận động bầu cử.

Ông McCain cũng là người có lòng tin vào thể chế khi nằm trong nhóm 14 thượng nghị sĩ lưỡng đảng đạt được thỏa thuận năm 2015 nhằm duy trì cơ chế filibuster- cho phép thượng nghị sĩ tranh luận không giới hạn để ngăn cản, trì hoãn Thượng viện đưa ra một quyết định hoặc dự luật nào đó.

Ông McCain là nghị sĩ của phe Cộng hòa nhưng trong cả sự nghiệp chính trị của mình đã rất nhiều lần thể hiện những quan điểm trung lập. Dưới thời Tổng thống Bill Clinton, ông John McCain ngày càng có tiếng nói trên chính trường. Thượng nghị sĩ cho biết ông "tự hào được đưa ra những ý kiến trái chiều với lãnh đạo đảng mình (Cộng hòa)" cùng như thách thức các tập đoàn chính trị. 

Vào thời điểm phải đối mặt với căn bệnh hiểm nghèo, ông McCain vẫn xuất hiện bỏ lá phiếu quan trọng trong cuộc họp lúc nửa đêm bác nỗ lực định xóa bỏ đạo luật y tế Obamacare của chính phe Cộng hòa hồi tháng 7 năm ngoái. 

Tổng thống Trump đã rất tức giận với lá phiếu này và thường xuyên chỉ trích cuộc bỏ phiếu đó dù không nêu trực tiếp tên ông McCain.

 Dù không được lòng đảng Cộng hoà sau động thái này nhưng ông McCain lại là cứu tinh với hàng triệu người cần bảo hiểm y tế ở Mỹ. 

Tháng 7 vừa qua, ông McCain cũng đã lên án kịch liệt hội nghị thượng đỉnh Helsinky giữa ôngTrump và ông Putin. Reuters trích nguồn tin thân cận gia đình McCain nói ông Trump sẽ không được mời tới đám tang của Thượng nghị sĩ. 

Trong sự nghiệp của mình, ông McCain được trao nhiều huân chương danh giá. Tháng 11/2017, ông được Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ Mark Milley trao huân chương vinh danh vì 63 năm cống hiến phục vụ đất nước. Trước đó một tháng, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden đã trao Huân chương Tự do cho ông McCain tại Philadelphia.

 Ông John McCain lần đầu tiên đến Việt Nam với tư cách là một phi công hải quân Mỹ tham gia chiến dịch ném bom miền Bắc. Máy bay của ông McCain bị bắn rơi ở Hà Nội vào ngày 26/10/1967, ông bị bắt làm tù binh và bị giam ở Hỏa Lò trong hơn 5 năm. Sau Hiệp định Paris năm 1973, ông McCain được trao trả và bắt đầu sự nghiệp chính trị. Ông đã nỗ lực hết mình để cải thiện quan hệ Việt - Mỹ.

Vĩnh biệt John McCain – Thượng nghị sỹ nhiều duyên nợ với Việt Nam (Nguồn: TTXVN)

Ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp chính trị, ông McCain luôn là một trong hai nhân vật năng nổ nhất (cùng với Thượng nghị sĩ John Kerry) hối thúc và vận động các chính quyền Mỹ thời điểm đó bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Trong tiến trình này, ông McCain đã hối thúc hai bên khởi động các vấn đề nhân đạo như rà phá vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh, hỗ trợ những người bị khuyết tật do hậu quả chiến tranh, tẩy độc tại các khu vực bị nhiễm dioxin và thực thi pháp luật…

Là kết quả của sự vận động hết mình từ ông McCain, cùng với sự ủng hộ của Thượng nghị sỹ John Kerry và Tổng thống Bill Clinton (người có tầm nhìn chiến lược về Việt Nam), cả hai chính đảng chi phối chính trường Mỹ (Dân chủ và Cộng hòa) đều đã dần ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Vào năm 1994, Thượng viện Mỹ thông qua giải pháp do hai ông John Kerry và John McCain bảo trợ, kêu gọi chấm dứt cấm vận kinh tế chống Việt Nam. Động thái này đã dọn đường cho việc bình thường hóa quan hệ hai nước vào năm 1995.

Năm 1995, Thượng nghị sĩ John McCain đã viết: “Tôi ủng hộ quyết định của Tổng thống hôm nay trong khôi phục đầy đủ quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Đây sẽ không phải là một quyết định dễ dàng với bất kỳ Tổng thống nào. Tổng thống Clinton đã thể hiện sự dũng cảm và vinh dự trong quyết tâm thực hiện điều đó… Bình thường hóa quan hệ với cựu thù là điều đúng đắn phải làm… Chúng ta nhìn Việt Nam với con mắt giận dữ đã quá lâu rồi. Tôi không thể cho phép bất kỳ sự oán giận nào tôi gánh chịu trong thời gian ở Việt Nam cản trở tôi làm những điều rõ ràng là bổn phận của tôi. Tôi tin rằng đó là bổn phận của tôi khi khuyến khích đất nước này xây dựng từ mất mát. Hi vọng cuộc chiến bi kịch của chúng ta ở Việt Nam sẽ trở thành hòa bình cho cả nhân dân Mỹ và Việt Nam”.  

Những năm sau đó, cả Thượng nghị sĩ McCain và John Kerry đã nhiều lần sang Việt Nam để giải quyết vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam (POW/MIA).

Chuyến thăm của ông John McCain đến Việt Nam năm 2017. (Nguồn: Facebook John McCain)

“Cùng với Thượng nghị sỹ John Kerry và nhiều nghị sỹ khác thuộc thế hệ Việt Nam như ông Patrick Leahy hay Jim Webb có thể nói là đã đi tiên phong trong quá trình bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt-Mỹ. Tôi còn nhớ là vào những thời khắc khó khăn nhất của quan hệ hai nước, khi mà vẫn còn những tiếng nói nghi kỵ, thậm chí là chống lại quan hệ Việt-Mỹ thì Thượng nghị sỹ John McCain và Thượng nghị sỹ John Kerry và các nghị sỹ khác đã đóng vai trò quyết định làm cho tiến trình bình thường hóa đó không thể đảo ngược được. Có thể nói gọn lại là Thượng nghị sỹ John McCain là người có công lớn trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước và sau này khi chúng ta xác lập quan hệ đối tác toàn diện. Thượng nghị sỹ John McCain đã có một vị trí rất đặc biệt trong lịch sử quan hệ Việt-Mỹ”, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc (được bổ nhiệm vào tháng 03/2018) chia sẻ với báo chí.

Ngay cả khi lâm bệnh hiểm nghèo, ông McCain vẫn rất chú tâm trong việc thúc đẩy quan hệ Mỹ - Việt. Theo Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc, “Thượng nghị sỹ vẫn rất luôn quan tâm đến hợp tác với Việt Nam, rồi quan tâm tới vấn đề biển Đông, quan tâm đến chương trình cá da trơn ảnh hưởng đến những người nông dân nghèo ở Đồng bằng sông Cửu Long như thế nào”.

Vào tháng 3 năm nay, với tư cách Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, ông McCain đã bày tỏ nhận định, chuyến thăm Việt Nam của tàu sân bay USS Carl Vinson là một dấu mốc trong quan hệ song phương, "cùng nhau nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh và tiến tới xây dựng quan hệ đối tác gần gũi”.

Song song với thúc đẩy bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, Thượng nghị sĩ John McCain cũng luôn dành nhiều tâm sức cho cộng đồng người Việt tại Mỹ, thực sự trở thành “cầu nối” giữa họ với chính quyền sở tại, cũng như với Chính phủ Việt Nam trong những năm đầu đầy khó khăn, khi có những người Việt xa quê còn chưa hiểu đúng về Tổ quốc.

Ngày nay, quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ đã có những bước tiến đáng kể trên tất cả các mặt. Và trong những thành tựu ấy thì ông John McCain chính là một trong những người góp phần đặt nền móng quan trọng.

Viết về ông John McCain, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường (4/2011-11/2014)) đã bày tỏ, "Thượng nghị sĩ John McCain là một trong những biểu tượng và đã có những đóng góp quan trọng vào tiến trình bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ".

Đề cập đến việc duy trì và thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ trong tương lai sau sự ra đi của Thượng nghị sỹ John McCain, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc cho rằng việc làm của Thượng nghị sỹ John McCain, cùng nhiều nghị sỹ và cựu nghị sỹ Quốc hội Mỹ khác đã truyền cảm hứng cho các thế hệ nghị sỹ trẻ trong Quốc hội Mỹ để họ tiếp bước góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt-Mỹ.

Nội dung và hình ảnh: Kim Quý

Đồ họa: Mỹ Dạ

NỔI BẬT TRANG CHỦ