(Tổ Quốc)- Indonesia sẽ bước vào giai đoạn nước rút 5 năm tới để thành một trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tại một cuộc họp báo hôm 18/4 tại Jakarta, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố rằng ông giành được 54,5% phiếu bầu, dựa trên kết quả của 12 trung tâm khảo sát ngoài phòng phiếu. Theo kết quả kiểm phiếu nhanh tại 810.000 điểm bỏ phiếu khắp cả nước, ông Jokowi dẫn với cách biệt khoảng 10% so với đối thủ Prabowo. Theo đó, ông Jokowi giành được 55,89% và ông Prabowo được 44,11%. Lãnh đạo của hơn 20 quốc gia trên thế giới đã gọi điện chúc mừng ông Jokowi.
Trước đó, phát biểu tại một cuộc họp báo với những người ủng hộ mình, ông Widodo tự tin nói rằng: "Kết quả thăm dò tại các điểm bỏ phiếu và việc kiểm phiếu nhanh, chúng ta đã thấy hết rồi. Tuy nhiên, chúng ta phải kiên nhẫn chờ đợi Uỷ ban bầu cử công bố kết quả chính thức". Ông Widodo nhấn mạnh cuộc bầu cử vừa qua là "trung thực và công bằng", đồng thời kêu gọi mọi người đoàn kết sau sự kiện này.
Cuộc bầu cử Indonesia diễn ra hôm 17/4 với hơn 192 triệu người đủ tiêu chuẩn đi bầu để chọn ra 20.000 nhà lập pháp cấp địa phương cũng như cấp quốc gia và tổng thống, phó tổng thống của đất nước 17.000 hòn đảo.
Tuy nhiên, đối thủ của Widodo - cựu tướng Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm - Prabowo cũng khẳng định, dựa theo sự thẩm định của phe ông, liên danh của ông giành chiến thắng, với 62% tổng phiếu bầu. Ông tuyên bố trong cuộc họp báo tại tư dinh chiều ngày 17/4: "Hỡi các đồng bào của tôi, đây là thắng lợi của nhân dân Indonesia, của tất cả mọi người Indonesia. Tôi sẽ là tổng thống và đã thành tổng thống của tất cả người dân Indonesia". Ông cũng cho biết "đã có những bằng chứng về tình trạng gian dối lan tràn trong bầu cử ở các cấp làng quê, huyện thị trên toàn Indonesia".
Dư luận quốc tế đánh giá ông Jokowi là nhà cải cách và theo đường lối trung dung nên chắc chắn sẽ hoan nghênh ông Jokowi tái cử. (Nguồn: CNN)
Giới chức Indonesia kêu gọi mọi người dân bình tĩnh chờ kết quả chính thức và cam kết sẽ xử lý bất kỳ tình trạng bạo loạn nào. Nhân vật đứng đầu cảnh sát quốc gia nói: "Nếu có bất kỳ hành động bất hợp pháp hoặc vi hiến nào diễn ra, đe dọa sự ổn định và an ninh, chúng tôi sẽ có hành động cứng rắn".
Thống nhất trong chia rẽ
Dư luận quốc tế đánh giá ông Jokowi là nhà cải cách và theo đường lối trung dung nên chắc chắn sẽ hoan nghênh ông Jokowi tái cử. Theo Mietzner, chuyên gia về Indonesia thuộc Đại học Quốc gia Australia, chiến thắng cách biệt của ông Jokowi bảo đảm thắng lợi về pháp lý nhưng có thể ông Prabowo sẽ chuyển sự phản đối của mình thành những cuộc biểu tình trên đường phố. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng chỉ được Ủy ban bầu cử Indonesia công bố vào tháng 5/2019. Từ nay cho đến đó, tình hình được dự đoán sẽ căng thẳng. Chỉ số chiến thắng của ông Jokowi thấp hơn dự báo khoảng 18 - 20 điểm cho thấy chủ nghĩa dân tộc cứng rắn của ông Prabowo ngày càng ảnh hưởng đối với người dân Indonesia.
Một biểu hiện khác, rất nhiều lực lượng tham gia vận động bầu cử ủng hộ ứng cử viên Prabowo. Nhưng các ứng cử viên của đảng cầm quyền Đấu tranh cho nền dân chủ Indonesia (PDI-P) không vận động cho đương kim tổng thống và không nghe theo các hướng dẫn của lãnh đạo đảng này.
Kinh tế là vấn đề nổi bật trong cuộc bầu cử lần này. Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm dưới thời Jokowi là 5%, không đạt 7% như ông ta từng hứa hẹn trong cuộc tranh cử năm 2014. Theo Viện Nghiên cứu độc lập Indonesia, 90 triệu người dân nước này vẫn sống ở mức nghèo.
Với việc Trung Quốc đẩy mạnh hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng ở Indonesia, trong 5 năm qua, chính quyền Jokowi đã xây dựng được 600 km đường bộ, so với 250 km trong 10 năm dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Susilo Bambang Yudhoyono. Nhưng ảnh hưởng kinh tế và văn hóa của Trung Quốc cũng từ đó mà phát triển mạnh trong thời gian này. Nhiều công nhân và tiểu chủ Indonesia bày tỏ không hài lòng, mặc dù đầu tư cơ sở hạ tầng có tiến triển nhưng lợi ích cho người dân dường như chỉ tối thiểu.
Cuộc bầu cử tại Indonesia, quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới và nước lớn nhất tại Đông Nam Á có ý nghĩa quan trọng đối với chính trị quốc tế và khu vực.
Dự báo chiến lược của một số cơ quan nghiên cứu quốc tế cho rằng, vào năm 2030, Indonesia có thể trở thành một trong 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới tính theo tổng sản lượng thu nhập quốc dân GDP, vượt trên cả Nhật Bản và Đức. Việc Tổng thống Jokowi, người có đầu óc cải cách và quan điểm chính trị ôn hòa, có thể tiếp tục quá trình cải cách kinh tế, thực hiện cạnh tranh để thu hút làn sóng chuyển dịch đầu tư mới ở châu Á. Chỉ còn 11 năm, liệu có đủ thời gian để bứt phá?
Nếu thành công về cải cách kinh tế trong nhiệm kỳ 5 năm tới, chính quyền Jokowi có thể đặt cơ sở cho nước này vươn lên thành nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới. Nhưng trên con đường cải cách, đất nước đông dân này sẽ phải vượt qua nhiều thách thức, như thực tế cho thấy, là không hề dễ dàng./.