• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kết luận của Thủ tướng tại Hội nghị phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu

Thời sự 31/08/2018 08:36

(Tổ Quốc) - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị “Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu”.

Hình minh họa: Nguồn báo Bình Dương

Thông báo kết luận nêu rõ quan điểm là phát triển ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu bền vững, hiệu quả, hiện đại trên cơ sở hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế, khu vực; sử dụng nguyên liệu hợp pháp; ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển hệ thống công nghiệp hỗ trợ hiệu quả. Phấn đấu sớm trở thành một trung tâm sản xuất đồ gỗ có chất lượng của thế giới, khu vực.

Trong 10 năm tới, ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu Việt Nam phải trở thành một ngành mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam; phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản có thương hiệu uy tín trên thị trường quốc tế.

Mục tiêu cho ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu đến năm 2025: Phấn đấu năm 2018 đạt 9 tỷ USD; năm 2019 đạt 11 tỷ USD; năm 2020 đạt 12 đến 13 tỷ USD; đến năm 2025 phấn đấu đạt 18 đến 20 tỷ USD.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Luật Lâm nghiệp đã được Quốc hội thông qua năm 2017; trong đó chú ý điểm mới rất quan trọng là coi ngành lâm nghiệp là ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp, từ quản lý, bảo vệ, phát triển đến sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách; cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng hơn cho ngành chế biến gỗ, lâm sản.

Thủ tướng cũng yêu cầu khuyến khích đầu tư vào trồng rừng nguyên liệu, đổi mới khoa học công nghệ trong trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu; đưa tư duy sáng tạo vào sản phẩm gỗ Việt để tăng giá trị gia tăng làm động lực tăng trưởng của ngành này trong thập niên tới; đẩy mạnh việc trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, từ tạo giống, trồng, chăm sóc rừng đến công nghệ chế biến, bảo quản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng, đáp ứng nguyên liệu ngày càng tăng của ngành chế biến gỗ cho tiêu dùng trong nước và cho xuất khẩu.

Đồng thời đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho ngành chế biến gỗ. Chú trọng kết hợp đồng bộ và hài hòa giữa các nhóm nhân lực thuộc các loại hình đào tạo: Đại học, Trung cấp, Công nhân kỹ thuật phù hợp với sự đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản; tiết kiệm nguyên liệu, giảm chi phí, giá thành, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh, đặc biệt chú trọng giá trị, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, vận động người dân, doanh nghiêp thay đổi nhận thức về sử dụng gỗ hợp pháp, về tập quán sử dụng gỗ từ rừng tự nhiên sang rừng trồng, sản xuất lâm nghiệp quảng canh sang thâm canh, kết hợp sản xuất gỗ nhỏ và gỗ lớn để đảm bảo nguồn nguyên liệu đáp ứng cho nhu cầu phát triển của ngành chế biến gỗ.

Đề nghị các cơ quan Đảng, Nhà nước tiên phong trong việc sử dụng đồ gỗ nội thất văn phòng từ các sản phẩm gỗ rừng trồng trong nước do các doanh nghiệp Việt Nam chế biến để thúc đẩy thị trường gỗ nội địa.

Cộng đồng doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu cần tập trung nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, quản trị, tạo ra nhiều sản phẩm mới, mẫu mã đẹp, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu, thị hiếu của khách hàng trong nước và xuất khẩu (đặc biệt lưu ý không để mất thị trường trong nước gần 100 triệu dân với sức mua ngày càng tăng vào tay các đối tác bên ngoài). Là doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, phải tôn trọng luật pháp quốc tế, sử dụng nguồn nguyên liệu hợp pháp, tích cực nghiên cứu thị trường, luật lệ quốc tế, phòng tránh những tranh chấp có thể xảy ra, kiên quyết “nói không” với sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc bất hợp pháp.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu trong Quý III/2018.

Vi Phong

NỔI BẬT TRANG CHỦ