• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: Thương mại điện tử là điểm sáng

Kinh tế 05/10/2021 20:40

(Tổ Quốc) - Sáng 5/10, tại Hà Nội, Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức: “Hội nghị kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.

Nhằm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tại kết luận số 77-/KL/TW về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước của Bộ Chính trị ban hành ngày 5 tháng 6 năm 2020; Bộ Công Thương thời gian qua đã tập trung, chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả nhiều giải pháp hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tục triển khai các giải pháp hỗ trợ hoạt động lưu thông, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa bền vững, hiệu quả hơn nữa cần có nhiều hơn những giải pháp căn cơ, bài bản mang tính chất dài hạn trong thời gian tới thông qua tăng cường hoạt động đối thoại đa chiều, Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh đồng chủ trì, tổ chức "Hội nghị kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế".

Kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: Thương mại điện tử là điểm sáng  - Ảnh 1.

Thứ Trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Hội nghị

Hội nghị có sự tham dự của ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ công thương; ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương; ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương; ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu; TS.Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh... và hơn 500 đại biểu là đại diện đến từ các cơ quan, ban ngành từ Trung ương đến Địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, các chuyên gia kinh tế, các tổ chức quốc tế và các cơ quan báo chí truyền thông sẽ tham gia với hình thực trực tuyến qua phần mềm Zoom và xem trên các Fanpage được livestream về hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân, các nhà sản xuất, phân phối trên khắp cả nước đã và đang phải gồng mình gánh chịu những tác động của đại dịch Covid-19.

Thứ trưởng cho biết, dịch bệnh đã lan rộng, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là việc tiêu thụ nông sản ở cả thị trường trong và ngoài nước. Không chỉ vậy, đại dịch còn làm ảnh hưởng đến hoạt động cung - cầu, làm đứt gãy chuỗi cung ứng do thiếu nguồn lao động thu hoạch, chế biến và sản xuất; làm hạn chế việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương…

Thực hiện nhiệm vụ tại Kết luận số 77-KL/TW về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế đất nước do Bộ Chính trị ban hành ngày 5/6/2020, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tập trung chủ động triển khai rất quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả nhiều giải pháp và cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao nhằm tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ hoạt động lưu thông, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa bền vững, hiệu quả. Hơn nữa, góp phần đưa ra những giải pháp căn cơ, bài bản, mang tính chất lâu dài thông qua tăng cường hoạt động đối thoại đa chiều.

Kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: Thương mại điện tử là điểm sáng  - Ảnh 2.

Quang cảnh Hội nghị

Thông qua Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải kỳ vọng, các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, nhà phân phối, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các Tổ chức Xúc tiến thương mại quốc tế sẽ chia sẻ những kinh nghiệm, đề xuất và đưa ra các giải pháp tiêu thụ đẩy mạnh xuất khẩu.

“Bộ Công Thương cam kết sẽ tạo thuận lợi tối đa về mặt cơ chế trong phạm vi chức năng, thẩm quyền của Bộ nhằm hỗ trợ kết nối tiêu thụ trong nước và xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng nông sản của các địa phương trong vùng dịch”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Tại hội nghị, các nội dung thảo luận đã xoay quanh các chủ đề như: Kinh tế Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19; Tác động của dịch covid đến chuỗi cung ứng; Khuynh hướng thay đổi tiêu dùng tại Việt Nam; Công tác xúc tiến thương mại nhằm thực hiện nhiệm vụ kết nối tiêu thụ hàng nông sản chủ lực trong bối cảnh mới; Ứng dụng công nghệ đáp ứng yêu cầu kết nối cung cầu; Thách thức trong việc triển khai sản xuất cung ứng trong bối cảnh dịch bệnh; Kinh nghiệm tiếp thị và xúc tiến bán hàng trong thời gian giãn cách xã hội...

Kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: Thương mại điện tử là điểm sáng  - Ảnh 3.

Đáng chú ý, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khu vực phía Bắc, Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 diễn ra phức tạp thì thương mại điện tử (TMĐT) vẫn là một điểm sáng của bức tranh kinh tế. Đặc biệt, con số tăng trưởng bán lẻ trực tuyến dự đoán năm 2021 là 18% và sẽ còn tăng trong các năm tiếp theo. Cùng với đó, hành vi mua sắm của NTD cũng đã thay đổi khi có tới 66% quan tâm đến việc mua đa kênh. “NTD có thể kiểm tra thông tin từ kênh online, sau đó quay ra các cửa hàng để xem xét, kiểm tra, rồi lại quay lại online… Giỏ hàng của NTD giờ đây cũng không còn chỉ là các sản phẩm công nghệ, thời trang mà chủ yếu là hàng tiêu dùng nhanh, đặc biệt là thực phẩm bán online lên ngôi” – bà Hà chia sẻ. Sở dĩ, hành vi của NTD thay đổi, theo chuyên gia này là vì họ đã bắt đầu tính toán đến những rủi ro tiềm ẩn, kéo dài của đại dịch, từ đó thắt chặt chi tiêu. Trước sự thay đổi ấy, doanh nghiệp cần làm gì để hàng đa kênh thành công? Theo bà Hà, DN cần thấy được, NTD cần những thao tác đơn giản, nhanh hơn, thanh toán tiện lợi hơn, và từ đó thay đổi chiến lược kinh doanh, xây dựng kế hoạch cho các nền tảng online và “số hóa” năng lực của nhân sự.

Hội nghị là cơ hội tốt để các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế cùng nhau trao đổi, đưa ra các giải pháp và đề xuất phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động lưu thông, kết nối tiêu thụ hàng hóa Việt tại thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Chương trình có sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS); Công ty cổ phần Lọc Hóa Dầu Bình Sơn (BSR); Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo); Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời./.

PV

NỔI BẬT TRANG CHỦ