• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khả năng tấn công quân sự Triều Tiên: Cái giá quá đắt

Thế giới 18/01/2018 17:19

(Tổ Quốc) - Mỹ lo ngại nhất không phải là việc Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân mà là phát triển tên lửa đạn đạo.  

Năm 2017, bán đảo Triều Tiên trở thành trung tâm chú ý ở châu Á-Thái Bình Dương với việc Bình Nhưỡng 16 lần phóng tên lửa và 1 vụ thử bom hạt nhân dưới lòng đất. Năm 2018 không có nhiều khác biệt khi Triều Tiên thử năng lực dẫn đường và trở lại bầu khí quyển của các loại vũ khí, phóng loạt tên lửa bay qua Nhật Bản, xem xét thử nghiệm các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ở tầm xa gần mức tối đa, hoặc thử hạt nhân trong bầu khí quyển trên Thái Bình Dương.

Nhiều chuyên gia dự báo Triều Tiên có thể đạt được năng lực răn đe hạt nhân khả thi vào năm 2018.

Vì vậy, trong năm 2018, quyết định quan trọng nhất của chính quyền Trump là đối phó như thế nào với kho vũ khí hạt nhân đang phát triển nhanh chóng của Triều Tiên. Cơ hội cho Mỹ tấn công ngăn chặn hay đánh đòn phủ đầu nhằm tiêu diệt chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên khép lại một cách nhanh chóng.

Tuy không loại trừ khả năng cuộc tấn công quân sự ngăn chặn xảy ra, nhưng cái giá phải trả quá đắt. Hàn Quốc là nước chịu thiệt hại nặng nhất nếu Triều Tiên trả đũa, Nhật Bản cũng có thể bị tấn công. Lực lượng đồn trú của Mỹ tại Hàn Quốc, Nhật Bản và thân nhân của họ sẽ bị thiệt hại sinh mạng. Trong khi đó, Trung Quốc phải quyết định có can thiệp vào bán đảo Triều Tiên để đảm bảo an ninh vùng đệm và ngăn chặn dòng người tị nạn có thể phát sinh. Việc Trung Quốc can thiệp vào bán đảo Triều Tiên có thể gia tăng nguy cơ đối đầu với Mỹ.

 Quân đội Mỹ đang diễn tập trong các điều kiện thời tiết chuẩn bị ứng phó với cuộc xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên.

Cho nên, các đối thủ của Mỹ,  như Trung Quốc và Nga, cũng như các đồng minh của Mỹ, như Nhật Bản, Hàn Quốc, và ngay cả các cố vấn quân sự của Tổng thống Trump đều không tán thành hành động quân sự.

Nếu không có biến động chính trị ở Triều Tiên, các biện pháp phi quân sự không thể ngăn chặn Bình Nhưỡng theo đuổi năng lực răn đe hạt nhân tin cậy. Cả Nga và Trung Quốc đều không muốn chính quyền Triều Tiên sụp đổ, bất chấp việc hai nước này chấp thuận các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc của Liên Hợp Quốc trong năm 2017.

Mỹ tuy đưa Trung Quốc vào tiêu điểm đối phó của chương trình thương mại không khoan nhượng, nhưng vẫn cần sự hợp tác của Bắc Kinh vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên. Trung Quốc sẽ khôn khéo sử dụng vấn đề này như đòn bẩy để hạn chế các đòn đả kích thương mại của Mỹ.

Đâu là mối đe dọa lớn nhất?

Điều Mỹ lo ngại nhất, chưa phải là việc Triều Tiên tiếp tục các vụ thử hạt nhân. Điều làm Mỹ lo ngại nhất là Triều Tiên tiếp tục phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), có thể bắn tới các vùng lãnh thổ Mỹ ở bờ Tây Thái Bình Dương. Lúc đó, Mỹ sẽ phải cân nhắc giải pháp quân sự. Theo một nhà phân tích chiến lược của Mỹ, phản ứng quân sự khả dĩ nhất là tiến hành “đấm dập mũi” đối phương. Nhưng đồng thời, đồng minh của Mỹ ở Đông Bắc Á cũng bị đối phương “đấm dập mũi”.

Mỹ hoàn toàn có năng lực tiến hành đòn phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân Triều Tiên. Nhưng cuối cùng, Mỹ có thể phải theo đuổi kịch bản thứ hai: kiềm chế và răn đe. Kiềm chế có thể đưa đến các biện pháp cô lập chính phủ Triều Tiên về kinh tế, nhằm hạn chế kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng phát triển. Răn đe có thể thông qua từng bước tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, theo dõi chặt chẽ hoạt động của Triều Tiên, tinh gọn các kênh ra quyết định quân sự giữa Mỹ và đồng minh.

Tuy nhiên, về lâu dài, chiến lược răn đe cũng tạo ra nhiều nguy cơ, như gia tăng mối đe dọa do tính toán sai lầm; Nga, Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự; hạt nhân hóa Hàn Quốc và Nhật Bản. Ngoài ra, việc củng cố cơ sở phòng thủ của Mỹ và đồng minh xung quanh Triều Tiên có thể làm suy yếu hệ thống tên lửa của Nga và Trung Quốc, đẩy lợi ích chung của hai nước này gần nhau hơn, tương tự những gì xảy ra khi THAAD được triển khai ở Hàn Quốc.

Một hệ lụy tất yếu của cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên là các thành tựu vũ khí hạt nhân của Triều Tiên khiến Mỹ theo đuổi chính sách cứng rắn với Iran, gây tổn thương cho Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA). Iran sẽ không rút khỏi thỏa thuận hạt nhân này và tỏ ra khôn ngoan khi dựa vào Trung Quốc, Nga và Cộng đồng châu Âu (EU) để kiềm chế hành động đơn phương của Mỹ. Tại Trung Đông, được Nhà Trắng ủng hộ và muốn đẩy lùi ảnh hưởng của Iran ở khu vực, Arập Xê-út và Israel khôi phục chiến dịch làm suy yếu Iran và các đồng minh, trong đó có nhóm chiến binh người Lebanon Hezbollah.

Thế giới hy vọng cuộc gặp cấp cao Liên Triều diễn ra tại Làng đình chiến Bàn Môn Điếm ngày 9/1/2018 có thể tạo ra một bước ngoặt cho quá trình đàm phán thương lượng liên quan đến vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Chính quyền Trump có thể ra khỏi tình thế tiến thoái lưỡng nan nếu thúc đẩy tiến trình này. Nhưng một giải pháp chính trị lại có thể dẫn tới sự chuyển động của quan hệ ba bên Trung-Nhật-Hàn, nơi Trung Quốc đang ở thế thượng phong. Đây lại là điều Mỹ không muốn thấy diễn ra./.

Hoài Nam

NỔI BẬT TRANG CHỦ