(Tổ Quốc) - Tối 3/2, (tức 24 tháng Chạp năm Quý Mão), Trung tâm Hoạt động Văn hoá, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tổ chức khai mạc Hội chữ Xuân Giáp Thìn và triển lãm thư pháp “Hiếu học” tại khu vực Hồ Văn. Đây là hoạt động chào mừng 94 năm Ngày thành lập Đảng (3.2.1930 – 3.2.2024) và mừng Xuân Giáp Thìn 2024.
Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024 có sự tham gia của 40 ông đồ, được bố trí xung quanh Hồ Văn thuộc di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám phục vụ nhu cầu của du khách đến xin chữ nhân dịp đầu xuân năm mới.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, nhằm góp phần bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc và phục vụ nhân dân đón Tết - du Xuân, Sở VHTT Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức Hội chữ Xuân vào dịp Tết Nguyên Đán tại khu vực hồ Văn thuộc di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Hội Chữ Xuân năm nay tại Hồ Văn - Văn Miếu Quốc Tử Giám tổ chức triển lãm Thư pháp với chủ đề Hiếu Học chính để tiếp tục tôn vinh giá trị truyền thống tốt đẹp ngàn năm đó của dân tộc ta.
Theo bà Trần Thị Vân Anh, hơn chục năm qua, việc Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám tổ chức Hội Chữ Xuân đã khôi phục và lan tỏa được một phong tục tốt đẹp của dân tộc ta đó là tục xin chữ đầu Xuân. Không chỉ góp phần tôn vinh, chấn hưng đạo học của người Việt, tục xin chữ đầu Xuân cũng thể hiện ước vọng về những điều tốt đẹp của mỗi người trước thềm năm mới.
Tại Hội Chữ Xuân năm nay, Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám tạo không gian trưng bày là một “Con đường chữ” với 9 hàng cột đôi như là biểu tượng cho Con đường học vấn hay chính là Đạo học với Trụ Cột là những hiền tài của đất nước. Chữ viết trên 18 trụ cột đó đều ghi chép, viết lại các nội dung kinh điển của nho giáo, khoa cử ngày xưa mà bao đời sĩ tử phải dùi mài mong có ngày ứng thí. Hai mặt hướng ra hai bên là nội dung các câu đối đang được treo tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám từ hàng trăm năm nay, chính là biểu tượng cao nhất của con đường học vấn thi cử đỗ đạt, cổ súy học tập giúp nước giúp đời. 18 cột với 9 đôi trụ biểu như 18 con rồng bay lên trên cao, nơi có trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng, đua sắc đua tài với ẩn ý từ 100 chiếc đèn lồng đang tỏa sáng.
Ngoài ra, trong dịp này Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức nhiều hoạt động văn hóa mang tính truyền thống để phục vụ khách du xuân như: Tái hiện không gian giáo dục thi cử truyền thống; giới thiệu làng nghề, sản phẩm thủ công truyền thống Hà Nội cùng chương trình nghệ thuật biểu diễn ca trù, quan họ, hát chèo, hát xẩm, chầu, múa rối nước, múa lân sư rồng…
Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, việc bố trí không gian Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024 ở khu vực Hồ Văn thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám là sự mới mẻ so với những năm trước, giúp lan tỏa mạnh mẽ hơn các giá trị văn hóa tới đông đảo người dân và du khách.
Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám cho biết, trong Hội chữ Xuân Giáp Thìn có hoạt động đặc biệt: triển lãm thư pháp với chủ đề “Hiếu học”, trưng bày 50 tác phẩm thư pháp tại khu vực sân trước và 50 tác phẩm vòng quanh Hồ Văn. Nội dung các tác phẩm thể hiện tinh thần và truyền thống “Hiếu học” của dân tộc Việt Nam. Các tác giả đã khai thác những đoạn trích trên văn bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hay những câu ca dao, câu thơ, câu đối khuyến học, câu nói của các danh nhân…
Triển lãm có sử dụng ánh sáng kết hợp chữ để tạo không gian sắp đặt nghệ thuật thị giác hấp dẫn người xem. Triển lãm được lên ý tưởng, xây dựng, thiết kế, sắp đặt và trưng bày bởi Thư pháp gia Xuân Như Vũ Thanh Tùng - Chủ tịch Hội đồng điều hành, giảng sư thư pháp Nhân Mỹ học đường.
Hội chữ Xuân sẽ kéo dài đến ngày 19/2 (tức mùng Chín tháng Giêng năm Giáp Thìn), mở cửa từ 8 giờ – 22giờ hằng ngày./.