(Tổ Quốc)- Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám cho biết, Hội chữ Xuân năm 2024 sẽ có sự tham gia của 40 "ông đồ".
- 18.01.2024 Kể chuyện "Nghê Văn Miếu" bằng ứng dụng công nghệ vật lý số
- 04.01.2024 Áo dài kết hợp với ánh sáng 3D mapping tại Văn Miếu kể chuyện văn hóa Việt
- 26.11.2023 Giới trẻ Hà Nội mang vỏ chai, hộp sữa đến Văn Miếu để đổi lấy những chậu cây xinh xắn
- 15.11.2023 Nét đan thanh- Không gian trải nghiệm thư pháp và ánh sáng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
- 14.11.2023 Tour Đêm Văn Miếu-Quốc Tử Giám là nỗ lực lớn trong việc làm phong phú các sản phảm du lịch của Hà Nội
Tại buổi gặp mặt báo chí thông tin về kết quả công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm cho biết, một trong những hoạt động trọng tâm đầu năm 2024 của Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám là Hội chữ Xuân diễn ra từ ngày 3- 19/2/2024 (tức ngày 24 tháng Chạp năm Quý Mão đến ngày 10 tháng Giêng năm Giáp Thìn), mở cửa hằng ngày từ 8 giờ đến 22 giờ. Hoạt động chính của Hội chữ Xuân năm nay là hoạt động cho chữ, xin chữ tại Hồ Văn.
Các gian lều viết chữ của 40 “ông đồ” sẽ được bố trí xung quanh Hồ Văn phục vụ nhu cầu của du khách đến xin chữ nhân dịp đầu xuân năm mới.
Ngoài hoạt động cho - xin chữ, Hội chữ Xuân năm nay còn có nhiều hoạt động được tổ chức để phục vụ khách du xuân như: tái hiện không gian giáo dục thi cử truyền thống (Không gian sĩ tử đi thi, Làng sĩ tử với bối cảnh không gian làng trong phố…); không gian văn hóa đọc; giới thiệu làng nghề, sản phẩm thủ công truyền thống Hà Nội, sản phẩm lưu niệm, nét văn hóa ẩm thực ngày xuân; tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật, ca múa nhạc dân tộc: quan họ, ca trù, chèo, múa rối nước, múa lân sư rồng…
Bên cạnh đó, triển lãm thư pháp với chủ đề “Hiếu học” sẽ trưng bày 50 tác phẩm thư pháp tại khu vực sân trước và 50 tác phẩm vòng quanh hồ Văn. Nội dung các tác phẩm thể hiện tinh thần và truyền thống “Hiếu học” của dân tộc Việt Nam. Các tác giả đã khai thác những đoạn trích trên văn bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hay những câu ca dao, câu thơ, câu đối khuyến học, câu nói của các danh nhân…
Ông Lê Xuân Kiêu cho biết thêm, để bảo đảm cho du khách tới di tích đón xuân trong không khí vui tươi, lành mạnh, an toàn, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xây dựng phương án về an ninh trật tự, giải quyết ùn tắc giao thông, công tác phòng chống cháy nổ… tại Hồ Văn và toàn bộ khu vực Di tích trong thời gian diễn ra Hội chữ.
Trong năm 2023, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tiếp tục hoàn thành tốt 3 nhiệm vụ quan trọng, gồm: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đón các đoàn khách ngoại giao và khách tham quan; giáo dục, truyền thông về di sản văn hóa.
Năm 2023, Văn Miếu-Quốc Tử Giám đón khoảng 2 triệu lượt khách tham quan, trong đó gần 500.000 học sinh. Trung tâm tiếp tục bám nắm 3 từ khóa là “sáng tạo”, “công nghiệp văn hóa” và “chuyển đổi số” để hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đạt được một số thành tựu về bảo tồn, trưng bày triển lãm, hoạt động nghệ thuật, đón khách tham quan… Hoạt động trải nghiệm Văn Miếu-Quốc Tử Giám về đêm đã đạt được một số kết quả tích cực.
Bên cạnh đó, một trong những dấu ấn nổi bật là Khu Tiền đường đã trở thành không gian sáng tạo để các nghệ sĩ, họa sĩ đưa tới công chúng những sản phẩm văn hóa đặc sắc. Lịch trưng bày các hoạt động tại đây đã được sắp xếp kín đến tháng 12-2024. Khu vực Hồ Văn cần tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng, cảnh quan để biến nơi đây trở thành không gian văn hóa gắn với thành phố sáng tạo, công nghiệp văn hóa và giới trẻ.
Theo Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám trong năm 2024 là tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, trong đó sớm hoàn thành quy hoạch tổng thể Văn Miếu-Quốc Tử Giám để triển khai các hoạt động tu bổ, phát huy các giá trị di sản văn hóa./.