(Tổ Quốc) - Thầy giáo của ông Tập Cận Bình: Trung Quốc “không có cách nào đánh thắng cuộc chiến thương mại” với Mỹ.
Ngày 1/4, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo nước này sẽ áp thuế nhập khẩu đối với 128 sản phẩm của Mỹ, bắt đầu từ ngày 2/4, nhằm đáp trả việc Washington gần đây áp đặt các rào cản thương mại.
Hồi tháng 3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh áp đặt thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% đối với nhôm. Tiếp sau đó là một bản ghi nhớ áp đặt các khoản thuế bổ sung trị giá 60 tỷ USD đối với Trung Quốc với cáo buộc Bắc Kinh đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ.
Trong khi Trung Quốc tỏ thái độ cứng rắn trả đũa Mỹ để phục vụ tuyên truyền đối nội, các quan chức Bắc Kinh đã bí mật đàm phán với phía Mỹ và hai bên đã đi đến một số thỏa thuận nhượng bộ lẫn nhau.
Donald Trump tìm cách cắt giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc trong một cuộc chiến trường kỳ, bao gồm cả kiềm chế Trung Quốc. |
Vì sao Trung Quốc không thể trả đũa Mỹ hiệu quả?
Trên trang mạng cá nhân “Tôn Lập Bình quan sát xã hội”, cuối tháng 3 vừa rồi, vị Giáo sư nổi tiếng của Trung Quốc đã đưa ra một số ý kiến đánh giá về triển vọng của cuộc chiến thương mại bắt đầu mở màn hiện nay:
Trong bối cảnh quan hệ thương mại Trung-Mỹ ngày càng căng thẳng, Giáo sư Tôn Lập Bình, Khoa Xã hội học, Đại học Thanh Hoa, từng là Giáo sư hướng dẫn luận văn tiến sĩ của ông Tập Cận Bình, gần đây đã có bài viết trên trang mạng cá nhân “Tôn Lập Bình quan sát xã hội”, cho rằng “Trung Quốc không thể phát động và không có cách nào đánh thắng” cuộc chiến thương mại với Mỹ. Bài viết sau đó đã bị gỡ xuống.
Bài viết của Tôn Lập Bình đưa ra ba quan điểm: (i) Chiến tranh thương mại là sản phẩm của sự thay đổi tư duy chiến lược của Mỹ, những lời lẽ và hành vi không khôn ngoan trong nước Trung Quốc đã có tác dụng kích hoạt nó; (ii) Trung Quốc không thể đánh và không có cách nào đánh cuộc chiến thương mại; (iii) Trung Quốc sẽ có những nhượng bộ lớn.
Nhà nông Mỹ tạm thời bị tất thiệt khi thịt lơn là một mặt hàng chủ yếu Trung Quốc hạn chế nhập khẩu đẻ trả đũa Mỹ. |
Về vấn đề tại sao “Trung Quốc không thể đánh và không có cách nào đánh” (chiến tranh thương mại), bài viết cho rằng, “Chúng ta (Trung Quốc) thường nói, chiến tranh thương mại nổ ra thì cả hai đều thất bại, đều tổn thương, cả Trung Quốc và Mỹ đều không thể thua. Nhưng thực tế chúng ta (Trung Quốc) càng không thể thua. Cần nhận thức rõ điều này”.
Bài viết phân tích, “những hơn kém cụ thể chi tiết không quan trọng, những nhân tố dưới đây mới là then chốt: (i) Về phương diện tài nguyên, sự phong phú của tài nguyên của Mỹ có thể giúp họ phát triển trong một thời gian tương đối dài trong điều kiện bế quan tỏa cảng, còn Trung Quốc thì phải phụ thuộc nghiêm trọng vào tài nguyên bên ngoài; (ii) Các kỹ thuật mũi nhọn nhất đa số đều nằm trong tay Mỹ, Trung Quốc phụ thuộc nghiêm trọng vào kỹ thuật của Mỹ; (iii) Ngoại tệ của Trung Quốc phần lớn đến từ Mỹ, không có nguồn ngoại tệ đó, Trung Quốc không thể nhập khẩu những thứ Trung Quốc cần như lương thực, dầu thô...; (iv) Mỹ có bạn bè đồng minh nhiều, có chuyện gì với Trung Quốc, có thể là một đòn mạnh giáng vào kinh tế Mỹ nhưng họ vẫn còn có những thị trường lớn, còn Trung Quốc thì không có những điều kiện đó”.
Bài viết cho rằng, “nếu chiến tranh đến cực điểm, đối với kinh tế Mỹ nhiều nhất cũng chỉ là vấn đề tổ chức lại, còn với Trung Quốc thì đây là vấn đề sinh tồn” và “điều tồi tệ duy nhất với Mỹ chỉ là áp lực của phong trào chống chiến tranh thương mại ở trong nước Mỹ”.
Về ảnh hưởng của chiến tranh thương mại đối với các xí nghiệp và chiều hướng của cuộc chiến, bài viết cho rằng “cuộc chiến tranh thương mại này sẽ được giải quyết bằng phương thức thỏa hiệp nhượng bộ. Đương nhiên Trung Quốc sẽ nhượng bộ lớn hơn hoặc chủ yếu là do Trung Quốc nhượng bộ. Nhượng bộ lớn nhất là thực hiện đại bộ phận các cam kết khi Trung Quốc gia nhập WTO, mở cửa với bên ngoài càng lớn hơn”. Bài viết cho rằng, “ảnh hưởng này còn lớn hơn ảnh hưởng của bản thân cuộc chiến thương mại. Đối với các xí nghiệp, có lẽ đây là một cơ hội”.
Bài trên vừa xuất hiện lập tức đã gây sự chú ý, sau đó đã bị bóc gỡ. Mạng Hoàn cầu, mạng quan phương cánh tả cực đoan do cánh quân sự chi phối, đã có bài chỉ trích tác giả Tôn Lập Bình “chưa đánh, có người đã quỳ gối cầu hòa”.
Theo các nguồn tin bên ngoài, Tôn Lập Bình là giáo sư phụ đạo luận văn Tiến sĩ của Tập tại Đại học Thanh Hoa, ngôn luận của ông luôn thể hiện tinh thần độc lập, tự do tư tưởng. Sau khi Tập Cận Bình lên ngôi tại đại hội 18, Tôn Lập Bình được gọi là “Quốc sư”. Nhiều năm trước, tại một số hội nghị hàng năm về kinh tế tài chính, Tôn Lập Bình đã nói, các cấp chính phủ Trung Quốc đã không từ các thủ đoạn để đạt đến mục đích của mình, lạm quyền làm bậy, khiến cho Trung Quốc trở thành một quốc gia “không thể ăn nhập với pháp trị”. Ông quả quyết rằng, “một cuộc cách mạng lặng lẽ đã bắt đầu”, nếu Trung Quốc bỏ qua cơ hội cắt đứt với lịch sử, ít là 5 năm, nhiều là 10 năm, quốc gia này sẽ lâm sự”./.
Bình luận