(Tổ Quốc) - Ngày 6/7, tại Hà Nội, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã mở cửa đón khách tham quan thử nghiệm nhân dịp tưởng nhớ 56 năm ngày mất của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (06/07/1967 - 06/07/2023).
Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được UBND thành phố Hà Nội cấp quyết định thành lập số 5764/QĐ-UBND ngày 30/12/2020 theo nguyện vọng của các thành viên gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Bảo tàng được thành lập nhằm tôn vinh, tri ân công lao của lãnh tụ Hồ Chí Minh, các nhà cách mạng tiền bối và cá nhân Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, góp phần tuyên truyền giáo dục lịch sử truyền thống cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên, các lực lượng vũ trang và du khách khi đến Thủ đô Hà Nội.
Chia sẻ về quá trình thành lập bảo tàng, Giám đốc Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tá Phạm Văn Phi cho biết, ngay sau khi có quyết định thành lập, gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã triển khai thủ tục xin cấp phép xây dựng tòa nhà bảo tàng. Thiết kế kiến trúc tòa nhà bảo tàng được lấy theo nguyên mẫu ngôi nhà số 34 Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội từ những ký ức của các thành viên gia đình Đại tướng với nhiều kỷ niệm sâu sắc mà Đại tướng và gia đình đã ở từ năm 1958 đến năm 1986.
Tại ngôi nhà này, gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã vinh dự nhiều lần được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và đặc biệt, tại đây đã diễn ra cuộc họp Bộ Chính trị trong tháng 08/1964 để bàn về sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Kết cấu nội dung trưng bày của bảo tàng ngoài không gian khánh tiết, hai không gian tái tạo còn có 08 chủ đề chính: Quê hương - Cách mạng miền Trung; Việt Bắc; Xây dựng Quân đội; Xây dựng hòa bình ở miền Bắc; Cách mạng miền Nam; Ngày 06/07; Tấm lòng những người ở lại; Gia đình - Hành trình tiếp nối.
Ngoài ra, còn có 02 không gian tái tạo bao gồm: Lán làm việc của Đại tướng ở Trung ương Cục miền Nam, phòng làm việc của Đại tướng trước đây ở căn nhà 34 Lý Nam Đế. Ngoài ra còn có các tiểu đề như: Bình Trị Thiên khói lửa, nông nghiệp, đối ngoại, ông tướng du kích, văn hóa văn nghệ, thể thao, vì hòa bình mà đánh...
Bên cạnh đó, Cục phó Cục Chính trị, Tổng Cục Chính trị Đại tá Nguyễn Văn Oanh chia sẻ: "Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, việc thành lập, xây dựng Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là việc làm rất có ý nghĩa, đúng với chủ trương đẩy mạnh các nguồn lực, xã hội hóa hoạt động bảo tàng của Đảng, Nhà nước ta; là hoạt động thiết thực nhằm tri ân những công lao, cống hiến của Đại tướng đối với cách mạng Việt Nam và Quân đội.
Đồng thời khi bảo tàng đi vào hoạt động, đây sẽ là một địa chỉ đỏ để trực tiếp tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ toàn và nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế (bằng hình thức trực quan thông qua hình ảnh, hiện vật.., rất dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp thu). Qua đó để cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nêu cao nhận thức, trách nhiệm, tiếp tục học tập, công tác, lao động, cống hiến, làm theo tấm gương dù gặp khó khăn đến mấy cũng nỗ lực vượt qua, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó của Đại tướng quân".
Tại bảo tàng đã trưng bày giới thiệu 300 ảnh, 220 hiện vật, hơn 150 tài liệu hiện vật giấy, 23 pho tượng đồng gắn với những dấu mốc quan trọng trong quá trình hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Thư viện bảo tàng với trên 100 đầu sách do Đại tướng viết và các tác giả viết về Đại tướng, 6 phim tài liệu về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng.
Đến tham quan bảo tàng, bạn Nguyễn Thị Mỹ Ngọc – sinh viên trường Đại học Xã hội và Nhân văn bày tỏ: "Đây là lần đầu tiên đến tham quan Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nên tôi cảm thấy rất tự hào và biết ơn về những công lao to lớn của ông cha ta cũng như Đại tướng đã hy sinh để mang lại cuộc sống hòa bình cho đất nước. Tôi nghĩ bảo tàng được thành lập sẽ giúp cho các bạn sinh viên, các nhà nghiên cứu có thêm kiến thức, các thông tin liên quan về di tích lịch sử, cuộc kháng chiến của nước ta qua các hiện vật, tư liệu được trưng bày. Đồng thời, thông qua bảo tàng, còn góp phần giáo dục và bồi dưỡng cho công chúng, đặc biệt thế hệ trẻ về lòng yêu nước và niềm tin vào tương lai của thế hệ mai sau".
Bảo tàng sẽ mở cửa đón khách tham quan thử nghiệm từ nay đến tháng 12/2023. Bảo tàng sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các cơ quan, các nhà khoa học, các cựu chiến binh và du khách để hoàn thiện hệ thống trưng bày tốt nhất trước khi tổ chức lễ khánh thành vào dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (01/01/1914 - 01/01/2024). Thời gian mở cửa đón khách tham quan từ 8h30 đến 16h30 vào thứ ba đến chủ nhật hàng tuần .
Ngoài ra, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, quê hương của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bảo tàng Đại tướng có địa chỉ tại số 144, Đặng Thái Thân, Thành phố Huế, đã chính thức mở cửa đón khách tham quan từ ngày 06/07/2022./.