• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khánh Hòa: Liên thông thư viện trong nhà trường góp phần đẩy mạnh văn hóa đọc

Văn hoá 15/11/2023 10:46

(Tổ Quốc) - Từ năm học 2023 - 2024, các trường THPT trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thực hiện liên thông thư viện bằng hình thức luân chuyển nguồn tài nguyên thông tin theo nhóm trường nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tư liệu sẵn có, góp phần đẩy mạnh văn hóa đọc trong nhà trường.

Toàn tỉnh hiện có 34 trường THPT, với hơn 37.000 học sinh, trong đó có 5 trường ngoài công lập. Năm học 2022 - 2023, số lượng sách giáo khoa ở khối THPT có hơn 28.400 bộ, sách nghiệp vụ giáo viên có hơn 35.400 bản, sách tham khảo hơn 97.500 bản, tài liệu điện tử hơn 7.000 bản, phần mềm quản lý thư viện 14 bản. Ở một số trường, vốn tài liệu thư viện còn ít, chưa đa dạng, chưa được bổ sung thường xuyên. Do đó, việc liên thông thư viện sẽ góp phần bổ sung nguồn tài liệu phong phú cho các trường.

Khánh Hòa: Liên thông thư viện trong nhà trường, đẩy mạnh văn hóa đọc - Ảnh 1.

Việc liên thông thư viện sẽ góp phần bổ sung nguồn tài liệu phong phú cho các trường.

Ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa cho biết: Để thực hiện liên thông, các thư viện cần có hạ tầng công nghệ thông tin bảo đảm và tương thích; có đủ nhân lực để đáp ứng, vận hành, khai thác, tự nguyện kết nối, chia sẻ, đóng góp tài nguyên. Các trường trong toàn tỉnh được chia thành 7 nhóm, trong đó 6 nhóm phân chia theo địa bàn cấp huyện và 1 nhóm gồm các trường ngoài công lập. Ở mỗi nhóm có thư viện chủ trì, đầu mối liên kết các thư viện trong nhóm để điều tiết, phối hợp bổ sung, cập nhật và chia sẻ tài nguyên thông tin.

Việc liên thông thư viện thực hiện theo 2 hình thức là dưới dạng in ấn (sách giáo khoa, sách nghiệp vụ của giáo viên, sách tham khảo, báo, tạp chí, truyện, tranh ảnh giáo dục…) hoặc chia sẻ nguồn tài nguyên số theo nhóm trường, định kỳ 1 lần/năm học. Hàng năm sẽ có thay đổi cụm trường, nhóm trường liên thông thư viện theo tình hình thực tế các trường.

Các trường cần có kế hoạch phân phối thống nhất số đầu sách, số lượng sách, quản lý, bảo quản tài nguyên thông tin nhằm đảm bảo thực hiện liên thông thư viện theo đúng quy định tại Thông tư 16/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc liên thông thư viện trong cơ sở giáo dục mầm non và trường phổ thông. Mỗi trường căn cứ vào số lượng tài liệu hiện có, phối hợp với các trường khác trong nhóm để luân chuyển tài liệu định kỳ, có biên bản thỏa thuận, giao nhận tài liệu, có báo cáo, sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm sau mỗi đợt luân chuyển tài liệu. Khi có nguồn tài liệu dồi dào hơn, các trường cần làm tốt hơn nữa việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh về văn hóa đọc, xây dựng thói quen đọc sách, hướng dẫn kỹ năng tìm kiếm, khai thác thông tin và đẩy mạnh phong trào đọc sách trong nhà trường dưới nhiều hình thức đa dạng.

Đẩy mạnh liên thông giữa các thư viện đã được đề cập trong Luật Thư viện năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2020). Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" với mục tiêu đến năm 2025, 100% thư viện công lập có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư cùng với Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện công cộng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện theo chức năng, nhiệm vụ, văn bản hợp tác…Cả nước có khoảng 31.000 thư viện, trong đó có hàng loạt hệ thống thư viện công cộng được đầu tư. Theo các chuyên gia, nhà quản lý đã xác định rõ bốn nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện đồng thời, đó là: Số hóa tài liệu quốc gia; xây dựng dự án mục lục liên hợp quốc gia; xây dựng dự án cơ sở dữ liệu về thư viện Việt Nam và triển khai chương trình nâng cao trình độ nguồn nhân lực thư viện.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ