• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khắp nước Anh bỏ phiếu: Kịch bản 'nguy hiểm' cho Thủ tướng Johnson

Thế giới 06/05/2022 07:56

(Tổ Quốc) - Các địa điểm bỏ phiếu trên khắp Vương quốc Anh đã được mở trong ngày thứ Năm để cử tri đi bỏ phiếu cho các vị trí trong chính quyền địa phương và khu vực.

Đáng chú ý, cuộc tranh đua cho các vị trí trong cơ quan lập pháp của Bắc Ireland lần này có thể dẫn tới thắng lợi của một chính đảng dân tộc chủ nghĩa thân Ireland. Sự kiện này sẽ là chiến thắng lần đầu tiên trong lịch sử của một chính đảng dân tộc chủ nghĩa tại đây.

Kết quả cuộc bỏ phiếu, dự kiến sẽ được công bố trong thứ Sáu, có thể có ý nghĩa hiến pháp rất lớn đối với tương lai của bốn địa phương thuộc Liên hiệp Anh. Tại Bắc Ireland, chính đảng chiến thắng được dự đoán là Sinn Fein – bên đã cam kết sẽ mở một cuộc bầu chọn về việc đưa nơi này quay về với Ireland.

Khó khăn cho đảng cầm quyền và Thủ tướng Johnson

Các địa điểm bỏ phiếu đã mở lúc 06:00 GMT để chọn ra các vị trí trong cơ quan lập pháp ở Scotland, xứ Wales và phần lớn các địa phương của nước Anh. Và nếu kết quả lần này không tốt cho đảng bảo thủ cầm quyền, sự bất mãn âm ỉ trong đảng này sẽ bùng lên về khả năng lãnh đạo của Thủ tướng Boris Johnson sau một loạt các vụ bê bối gần đây.

Ông Johnson, 57 tuổi, đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2019 với tuyên bố đưa Anh ra khỏi Liên minh châu Âu và đảo ngược tình trạng bất bình đẳng giữa các khu vực.

Khắp nước Anh bỏ phiếu: Kịch bản 'nguy hiểm' cho Thủ tướng Johnson - Ảnh 1.

Cuộc bỏ phiếu có thể dấy lên một cuộc cạnh tranh nội bộ trong đảng Bảo thủ nhằm thay thế ông Johnson sau loạt bê bối gần đây. Ảnh: AFP.

Mặc dù thực hiện tốt cam kết Brexit, đại dịch Covid-19 đã khiến các kế hoạch trong nước của ông Johnson bị trì hoãn. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang leo thang, những thông tin về việc nhà lãnh đạo này tiệc tùng giữa các đợt phong tỏa đang khiến dư luận tức giận. Và nếu kết quả bỏ phiếu lần này đi theo chiều hướng xấu, các nghị sĩ trong đảng cầm quyền có thể dấy lên cuộc cạnh tranh nội bộ nhằm lật đổ ông Johnson khỏi vị trí lãnh đạo đảng và thủ tướng.

"Mọi người trên khắp đất nước sẽ tập trung vào chính phủ nào, đảng phái nào, sẽ làm việc cho họ", ông Johnson nói trong tuần này.

Kết quả bỏ phiếu lần này cũng là một phép thử cho thấy ảnh hưởng hiện tại của đảng Lao động đối lập chính khi đã nỗ lực vận động tranh cử khắp nước Anh. Theo hãng tin AFP, đảng Bảo thủ được dự đoán sẽ mất hàng trăm ghế ủy viên hội đồng và thậm chí quyền kiểm soát các 'thành trì' lâu đời ở London vào tay đảng Lao động.

Tại Scotland, đảng Lao động đang tìm cách vượt qua đảng Bảo thủ để nắm giữ vị trí thứ hai, đứng sau đảng Dân tộc Scotland (SNP) ủng hộ độc lập và tại Wales, đảng Lao động cũng muốn duy trì vị thế dẫn đầu.

Tại Scotland, lãnh đạo SNP Nicola Sturgeon đang hy vọng sẽ đạt được kết quả tốt trong cuộc bỏ phiếu bầu 32 cơ quan lãnh đạo địa phương – điều có thể mở ra một cuộc trưng cầu dân ý khác về độc lập của khu vực này.

Ông Johnson đã nhiều lần từ chối thúc đẩy một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai tại Scotland sau khi cuộc bỏ phiếu đầu tiên vào năm 2014 đã cho ra tỷ lệ 55% người Scotland muốn ở lại khối Liên hiệp Anh.

Xoay chuyển tình hình tại Bắc Ireland?

Trong khi đó, cuộc bỏ phiếu tại Bắc Ireland đang thu hút nhiều sự chú ý sau khi các cuộc thăm dò trước bỏ phiếu cho thấy đảng Sinn Fein đang dẫn trước.

Một cuộc thăm dò của Đại học Liverpool hôm thứ Ba cho thấy đảng này có thể giành chiến thắng thoải mái với hơn một phần tư số phiếu bầu.

Khắp nước Anh bỏ phiếu: Kịch bản 'nguy hiểm' cho Thủ tướng Johnson - Ảnh 2.

Kết quả thăm dò tại Bắc Ireland đang cho thấy Sinn Fein đang giữ vị trí cách biệt đáng kể. Ảnh: AFP.

Còn đảng Liên minh Dân chủ ủng hộ Vương quốc Anh (DUP) và Đảng SLDP cũng theo lập trường dân tộc chủ nghĩa đang được xếp ở vị trí thứ hai.

Deirdre Heenan, giáo sư về chính sách xã hội tại Đại học Ulster, Bắc Ireland, cho biết người dân đang cảm thấy cuộc bầu cử "thực sự rất quan trọng".

Bà Deirdre Heenan nói với hãng tin AFP: "Sẽ là một sự thay đổi lớn nếu một người theo chủ nghĩa dân tộc trở thành bộ trưởng (Bắc Ireland-pv) đầu tiên".

Sinn Fein đã hạ thấp lời kêu gọi đoàn tụ với Ireland trong quá trình vận động tranh cử, nói rằng họ chưa ấn định thời điểm tổ chức một cuộc bầu chọn về vấn đề này, thay vào đó tập trung vào chi phí sinh hoạt tăng cao và các vấn đề cục bộ khác.

Phó chủ tịch đảng Michelle O'Neill khẳng định các cử tri đang "hướng tới tương lai" với chủ nghĩa thực tế hơn là chủ nghĩa giáo điều từ lâu đã trở thành dấu ấn của nền chính trị Bắc Ireland.

"Họ hướng tới những người có thể làm việc cùng nhau thay vì những người không muốn làm việc cùng nhau," bà Michelle O'Neill nói.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ