• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khát vọng thoát nghèo của người dân tộc Chứt

Kinh tế 07/12/2023 16:08

(Tổ Quốc) - Đối với bà con dân tộc ở xã Trọng Hoá (Minh Hoá – Quảng Bình) những nỗ lực để thoát nghèo ở địa phương đã có những tín hiệu tích cực nhờ sự lựa chọn đúng đắn. Một trong những phương án có hiệu quả đó chính là việc xuất khẩu lao động đối với giới trẻ và những người đang ở trong độ tuổi lao động.

Chuyện ghi ở vùng cao

Xã Trọng Hóa (Minh Hóa – Quảng Bình) là vùng núi rẻo cao nơi cư ngụ phần đa của đồng bào dân tộc Chứt. Chính vì điều kiện kinh tế khó khăn, người dân chỉ sống dựa vào rừng rú và trồng trọt lương thực ngắn ngày nên hiệu quả kinh tế không cao, những đột phá để thoát nghèo hầu như không có hiệu quả. Nhiều mô hình phát triển kinh tế được triển khai nhưng chưa thể giúp ích được cho bà con.

Khát vọng thoát nghèo của người dân tộc Chứt - Ảnh 1.

Một góc bản làng xã Trọng Hóa (Minh Hóa - Quảng Bình)

Trong những năm trở lại đây, với sự nỗ lực trong việc chuyển đổi sinh kế, tạo việc làm cho bà con các dân tộc trên địa bàn, việc xuất khẩu lao động là hướng đi mới trong công tác giảm nghèo nhanh, bền vững và có thể thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chính vì vậy lãnh đạo xã Trọng Hóa đã có những kết nối, vận động cho bà con nhân dân thấy được hiệu quả và có sự lựa chọn đúng đắng để "thoát nghèo" bền vững.

Chỉ tính từ năm 2022 đến nay, đã có 09 lao động xuất cảnh, 06 lao động đang học tiếng để đi xuất khẩu lao động, đây là con số khá ấn tượng, cho thấy những nỗ lực của xã biên giới Trọng Hóa trong công tác thúc đẩy xuất khẩu. Hiện nay, đã có một số người dân đi xuất khẩu lao động có hiệu quả trở thành "điểm sáng" để bà con dân bản học tập và noi theo.

Đơn cử như trường hợp em Hồ Thị Luận ở bản La Trọng xã Trọng Hóa là một trong những lao động đầu tiên của xã sang Đài Loan (Trung Quốc) làm việc theo hợp đồng. Tại xứ người, em làm công việc lắp ráp linh kiện tại một nhà máy với mức thu nhập bình quân trong những tháng đầu là 28 - 30 triệu đồng/tháng. Công việc tại Đài Loan (Trung Quốc) đòi hỏi tính kỷ luật cao, phải tuân thủ nghiêm ngặt về thời gian nhưng lại có nguồn thu nhập tốt và cũng tạo cho em nhiều cơ hội để mở mang kiến thức, kỹ năng.

Câu chuyện em Luận đi xuất khẩu lao động gần như là việc làm không tưởng của gia đình. Dù gia đình quá khó khăn nhưng vẫn mạnh dạn vay Ngân hàng chính sách xã hội 150 triệu đồng để động viên con đi. Hiện con gái anh có công việc ổn định, mỗi tháng gửi về cho gia đình từ 18 – 20 triệu, số tiền này anh dùng trả dần cho ngân hàng và tiết kiệm cho con. Với thời hạn 3 năm làm việc, chắc chắn Luận sẽ có tiết kiệm một khoản vốn để bắt tay vào thực hiện những dự định mà bản thân ấp ủ khi về nước. Hiện nay, gia đình em Luận vẫn "đầu tư" cho đứa con trai thứ 2 với nguyện vọng đi Đài Loan (Trung Quốc) để qua làm cùng chị gái, gia đình sẽ quyết tâm dành dụm tiền để năm 2023 này cho con đi xuất khẩu lao động.

Cũng trong bản La Trọng này, Hồ Kha sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê hương và lập gia đình, chính vì cuộc sống quá khó khăn, thu nhập thấp, không ổn định nên cuộc sống gia đình đi vào bế tắc. Khi hướng đi xuất khẩu lao động được mở, gia đình Hồ Kha đã vay tiền và đi sang Nhật làm việc. Hiện nay mỗi tháng Hồ Kha thu nhập khoảng 25 triệu đồng khi làm ở các công trường xây dựng, một phần Hồ Kha chi tiêu cá nhân, phần còn lại chuyển về gia đình để trả nợ mỗi tháng khoảng 12-15 triệu đồng.

Sự nỗ lực của chính quyền địa phương

Để có được định hướng đúng trong việc hỗ trợ người dân tìm con đường thoát nghèo trên địa bàn xã Trong Hóa đó là cả một quá trình vận động tuyên truyền của chính quyền địa phương. Từ trước đến nay, nhiều mô hình phát triển kinh tế giúp người dân xóa đói giảm nghèo chưa thực sự hiệu quả bởi nhiều lý do nhưng trong đó quan trọng là thực lực của địa phương chưa thể đáp ứng được.

Khát vọng thoát nghèo của người dân tộc Chứt - Ảnh 2.

Bà con ở các xã miền núi tại tỉnh Quảng Bình dần hiểu rõ hiệu quả từ việc đi xuất khẩu lao động do vậy hiện nay họ rất quan tâm và mong muốn được đi xuất khẩu lao động để giúp kinh tế gia đình mình vững hơn

Bà Hồ Thị Thanh, phó chủ tịch Hội LHPN xã Trọng Hóa cho hay, việc người dân của xã đi xuất khẩu lao động đã được định hướng từ năm 2017, tuy nhiên do vấn đề kinh tế và nhận thức chưa thực sự đúng nên bà con cũng rất dè dặt bởi kinh phí quá lớn, với tâm lý của chính người lao động không muốn xa gia đình…

Đã có nhiều buổi hội nghị, phát hàng trăm tờ rơi, chị cùng với nhân viên công ty đến từng nhà để vận động, nhưng đều nhận được cái lắc đầu và nhiều câu hỏi chất vấn. Nhờ sự kiên trì vận động, hiện nay nhiều gia đình đã "cởi trói" được tư tưởng của người dân và họ đã thấy rõ được hiệu quả trong việc xây dựng kinh tế bền vững của gia đình, từ cái khó khăn đến có trang trải, có của dự phòng khi đau ốm và sự chịu khó sẽ giúp họ thoát nghèo bền vững.

Sau dịch bệnh Covid - 19, nhiều người dân đi làm ăn ở phía Nam thất nghiệp trở về địa phương cũng đã tạo nên áp lực không nhỏ trong việc tạo công ăn việc làm cho họ. Do đó các cán bộ xã đã tiên phong vận động con cháu mình đi xuất khẩu lao động, từ việc "thoát nghèo" của các gia đình trở thành tấm gương cho người dân noi theo và dần tiếp cận với các điều kiện cơ bản để có thể xuất khẩu lao động. Đến nay toàn xã có 09 lao động đang làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, có 06 lao động đang đi học tiếng. Con số này chắc chắn sẽ còn tăng lên vào những năm tới.

Với một xã đồng bào dân tộc thiểu số, đất sản xuất rất ít, lao động thiếu trình độ, tay nghề nên tỷ lệ hộ nghèo cao. Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền xã Trọng Hóa xác định xuất khẩu lao động là một hướng đi phù hợp. Với những nỗ lực không ngừng, xã Trọng Hóa đã và đang thực hiện có hiệu quả công tác xuất khẩu lao động. Kết quả đó không chỉ góp phần tích cực trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, mà còn góp phần thay đổi tư duy, nếp nghĩ của nhiều lao động trẻ tuổi tại địa phương.

Vình Quý

NỔI BẬT TRANG CHỦ