• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khép lại bảy thập kỷ trị vì của Nữ hoàng Anh: Nơi công chúng đặt niềm tin

Thế giới 09/09/2022 10:00

(Tổ Quốc) - Hoàng gia Anh đã góp phần trấn an người dân giữa một quốc gia liên tục biến động, theo trang Nikkei Asia.

Nữ hoàng Elizabeth II của Vương quốc Anh đã qua đời tại ngôi nhà của bà ở Balmoral, Scotland, thọ 96 tuổi. Cho tới nay, bà luôn là một biểu tượng lớn giúp trấn an người dân trong thời đại thế giới phân cực và bất ổn kinh tế gia tăng.

Bà trị vì hơn 70 năm - khoảng thời gian cầm quyền lâu nhất trong lịch sử nước Anh và vượt qua cả bà cố là Nữ hoàng Victoria. Thái tử Charles sẽ là người kế vị.

Sự hiện diện lớn lao

Đối với hàng triệu người Anh chưa từng biết đến người khác trong hoàng gia, Nữ hoàng là một sự hiện diện đáng yên tâm. Bà cũng là một trong những sợi dây cuối cùng gắn kết hiện tại với lịch sử của thời kỳ Thế chiến 2. Cũng giống như ông Winston Churchill, bà đã để lại một dấu ấn không thể xóa nhòa trong lịch sử của nước Anh.

Đầu tuần này, dù ốm mệt, Nữ hoàng vẫn hoàn thành trách nhiệm của mình khi bổ nhiệm bà Liz Truss trở thành tân Thủ tướng. Buổi lễ lập hiến này - theo truyền thống được thực hiện tại Cung điện Buckingham - đã được chuyển sang Balmoral để Nữ hoàng có thể kịp thời được hỗ trợ y tế - một dấu hiệu cho thấy những điều đáng ngại có thể sắp xảy ra.

Bà Truss là người mới nhất trong danh sách 15 thủ tướng kể từ khi Nữ hoàng lên ngôi ở tuổi 25 vào tháng 2 năm 1952. Churchill, Macmillan, Thatcher, Blair, Cameron, Johnson, … họ đến và đi nhưng sự hiện diện liên tục duy nhất là Nữ hoàng.

Khép lại bảy thập kỳ trị vì của Nữ hoàng Anh: Nơi công chúng đặt niềm tin - Ảnh 1.

Nữ hoàng Anh là một sự hiện diện lớn trong đời sống của người dân nước này. Ảnh: Reuters.

Ngoại trừ việc bà tỏ ý phản đối sự độc lập của Scotland, Nữ hoàng vẫn giữ quan điểm chính trị cho riêng mình. Theo lời của nhà văn hoàng gia Clive Irving, Nữ hoàng có lập trường riêng và điều đó góp phần tạo nên quyền lực của bà.

Theo Nikkei Asia, cho tới nay, chế độ quân chủ là một trong hai trụ cột trong quyền lực mềm của nước Anh. Trong hơn bảy thập kỷ, Nữ hoàng là gương mặt đại diện cho nước Anh và là người đứng đầu Khối thịnh vượng chung, hiệp hội tự nguyện của 56 quốc gia, nhiều quốc gia đã từng nằm trong Đế chế Anh. Mặc dù sức ảnh hưởng của hoàng gia đã phai nhạt, nhưng nó vẫn mang sức nặng ở những nơi không thể ngờ tới.

Vào các dịp lễ, ngoài vẻ hào hoa và lễ nghi, Nữ hoàng vẫn đóng một vai trò không thể thiếu trong chính trị. Ví dụ đáng chú ý nhất là chuyến đi tới Lâu đài Dublin vào năm 2011, chuyến thăm đầu tiên của một người trị vì nước Anh tới Ireland trong một thế kỷ.

Thủ tướng David Cameron đã đề nghị Nữ hoàng đi củng cố bản thỏa thuận xoa dịu cuộc xung đột căng thẳng kéo dài hàng thập kỷ ở Bắc Ireland.

Nữ hoàng cũng là một cố vấn khôn ngoan cho các thủ tướng và nguyên thủ quốc gia. Kinh nghiệm chính trị của bà hiếm khi để bà thất vọng, dù cái chết bất ngờ của Công nương Diana, vào năm 1997, là một ngoại lệ. Phải mất một thời gian dài, chế độ quân chủ mới có thể phản ứng lại làn sóng đau buồn của công chúng Anh. 

Hoàng gia Anh hứa hẹn nhiều thay đổi

Chắc chắn sẽ có những câu hỏi về tương lai của chế độ quân chủ Anh. Trên thực tế, việc bàn giao quyền lực cho Thái tử Charles đã được tiến hành một thời gian. Ông đã hứa hẹn về một chế độ quân chủ giảm đi gánh nặng cho người dân. Theo đó sẽ có ít thành viên hoàng gia hơn được hưởng cuộc sống thượng lưu với chi phí đóng thuế của người Anh.

Người được đề cập đầu tiên trong danh sách này có thể là Hoàng tử Andrew, được cho là người con trai yêu thích của Nữ hoàng. Andrew đã bị Nữ hoàng tước bỏ quân hàm và quyền bảo trợ hoàng gia vào năm ngoái sau khi được cho là có liên quan tới bê bối của tỷ phú Jeffrey Epstein.

Gần đây hơn, cháu trai của bà là Hoàng tử Harry và vợ Meghan Markle cũng đã bị tước đi tước vị của họ - điều dẫn đến một sự rạn nứt nghiêm trọng với anh trai của Harry là Hoàng tử William, người kế vị ngai vàng sau Charles.

Chắc chắn là căng thẳng trong gia đình hoàng gia đã ảnh hưởng đến Nữ hoàng. Các căng thẳng chính trị cũng là một gánh nặng không kém khi chỉ trong vòng sáu năm, bà đã chứng kiến bốn thủ tướng khác nhau và xung đột chính trị gay gắt sau cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý năm 2016 để rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Và trách nhiệm cuối cùng bà đã hoàn thành ở Balmoral, đánh dấu sự khởi đầu của một chính phủ mới tại Vương quốc Anh, cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm một cách quên mình của Nữ hoàng và khiến bà được tôn trọng rộng rãi trên nhiều khu vực của nước Anh. Và việc bà qua đời cũng đang để lại một khoảng trống khổng lồ.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ