(Tổ Quốc) - Một số tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga từ nhà máy LNG Yamal đã đến Hoa Kỳ, theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova.
"Thật kỳ lạ, với tất cả các luồng dư luận công khai cho thấy những tuyên bố tiêu cực từ Washington, khí thiên nhiên hóa lỏng của Nga vẫn được thành công chuyển giao cho Mỹ", bà Zakharova cho biết trong cuộc họp báo thường kì hàng tuần.
"Gần đây, có ít nhất ba tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng LNG của Nga từ mỏ Yamal đã đến bờ biển Hoa Kỳ," bà nói thêm.
Nga đánh giá rằng Dự án Yamal LNG là một trong những dự án sản xuất LNG lớn nhất trên thế giới. (Nguồn: Sputnik)
Đây không phải là đợt chuyển giao LNG đầu tiên xuất phát từ Yamal. Vào tháng 1, một tháng sau khi cơ sở này bắt đầu hoạt động, tàu chở dầu của Pháp Gaselys đã giao chuyến hàng LNG đầu tiên cho thành phố Boston của Hoa Kỳ. Vào tháng 3, Boston đã nhận một chuyến hàng LNG khác từ tàu Provalys thuộc sở hữu của tập đoàn đa quốc gia Pháp Engie. Con tàu này được cho là đã lấy hàng từ nhà máy Yamal.
Nhà máy LNG Yamal được xây tại Bắc cực tập trung vào sản xuất khí thiên nhiên, hóa lỏng và vận chuyển hydrocacbon. Dự án chung này là sự bắt tay giữa Novatek của Nga (đơn vị sở hữu 50.1%), Total của Pháp, Công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, và Quỹ con đường tơ lụa.
Tuyên bố của bà Zakharova được đưa ra ngay sau khi Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Mark Menezes nói rằng Washington sẵn sàng ủng hộ các dự án nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng cho các nước Liên minh châu Âu ngay cả khi các công ty Nga tham gia vào những dự án này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần kêu gọi EU tìm kiếm các giải pháp thay thế cho nguồn khí đốt rẻ hơn của Nga, chủ yếu được giao cho châu Âu qua các đường ống.
Trong khi đẩy mạnh tiêu thụ LNG của Mỹ, Trump đã nhiều lần chỉ trích châu Âu về sự phụ thuộc về năng lượng của họ đối với Nga – nơi ông cho là một đối tác không đáng tin cậy. Trước đó, Đức đã đồng ý tài trợ cho việc xây dựng một nhà ga để tiếp nhận LNG của Mỹ. Trong khi đó, Đức cũng đang tham gia dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 với Nga.
Tháng trước, PGNiG, công ty khí đốt của Ba Lan, cũng đã ký một hợp đồng 20 năm mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ.