(Tổ Quốc) - Khoảng trống do Mỹ để lại giúp Trung Quốc có cơ hội thể hiện vai trò lãnh đạo đồng thời mở rộng hiện diện thương mại và ảnh hưởng chính trị tại Mỹ Latinh.
Vào ngày 13/4, Argentina đã nhận được một lô hàng từ Trung Quốc, bao gồm khẩu trang và trang thiết bị y tế khác. Ngoại trưởng Felipe Sola đã ca ngợi "tinh thần đoàn kết" của Trung Quốc ngay trên tài khoản Twitter cá nhân.
Chỉ hai tuần trước, hãng thông tấn xã Trung Quốc Tân Hoa Xã đưa tin về một dự án năng lượng do Trung Quốc đầu tư ở Argentina nằm trong chiến lược Con đường tơ lụa y tế, một phần thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường - được thúc đẩy như một cơ hội cho các quốc gia để xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường kết nối và phát triển buôn bán với Trung Quốc.
Giới chuyên gia nhận định, Trung Quốc có khả năng mở rộng sự hiện diện ở Nam bán cầu sau đại dịch Covid-19, với sự tập trung tiềm năng lớn hơn vào hợp tác công nghệ và y tế.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP - Hồng Kông), mặc dù khó có thể dự đoán lợi ích địa chính trị và thương mại của Trung Quốc nhưng một số nhà nghiên cứu cho rằng, Bắc Kinh đang chiến thắng trong cuộc chiến nhận thức ở Mỹ Latinh, nổi lên như một đối tác tích cực và có lợi hơn Mỹ giữa đại dịch. Do đó, cuộc khủng hoảng này có thể là một cơ hội tốt để Trung Quốc thể hiện khả năng lãnh đạo trong một khu vực đang cần thêm sự giúp đỡ.
Hiện nay, đã có hơn 6,6 ca nhiễm và hơn trên toàn thế giới và gần 400.000 ca tử vong do Covid-19 trên toàn thế giới. Cho đến nay, Brazil là quốc gia Mỹ Latinh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Evan Ellis, chuyên gia về quan hệ Trung Quốc-Mỹ Latinh nói rằng nước chiến thắng lớn nhất khi cuộc khủng hoảng đang ngày càng sâu sắc ở Mỹ Latinh có thể là Trung Quốc. "Trung Quốc có thể sẽ mở rộng sự hiện diện thương mại và ảnh hưởng chính trị ở Mỹ Latinh và Caribbean.
Một người dân đeo khẩu trang đi trên đường phố ở Rio de Janeiro, Brazil. Ảnh: Reuters
Mauricio Santoro, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học bang Rio de Janeiro, cũng cho rằng sự hiện diện kinh tế của Trung Quốc sẽ tăng lên ở Mỹ Latinh. "Các đối tác kinh tế lớn khác của Mỹ Latinh như Mỹ và Liên minh châu Âu đang đối mặt với một cuộc suy thoái lớn, bản thân Mỹ Latinh đang bước vào một cuộc khủng hoảng kinh tế rất nghiêm trọng. Trung Quốc có thể là nhà cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thương mại, đầu tư và y tế rất cần thiết", ông nói.
Thương mại giữa Trung Quốc và khu vực này đạt mức kỷ lục vào năm ngoái với 307,4 tỷ USD, theo Fitch Solutions. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Mỹ Latinh, sau Mỹ - và nước này đang bắt kịp rất nhanh.
Nhà kinh tế Po Chun Lee nhận định, Trung Quốc đang có cơ hội thế kỷ ở Mỹ Latinh và Caribbean. Ông này dự đoán, Trung Quốc có thể mở rộng ảnh hưởng ra nước ngoài, là một trong số ít quốc gia có thể cung cấp các gói đầy đủ: tài chính, xây dựng và duy trì các dự án cơ sở hạ tầng. Nhưng những phát triển như vậy thường bắt buộc phải sử dụng công nghệ, vốn và lực lượng lao động của Trung Quốc.
"Suy thoái trong khu vực chỉ giúp Trung Quốc tận dụng chúng", ông nói.
Một báo cáo của Fitch Solutions được công bố vào tháng 1/2020 đã dự đoán, Mỹ Latinh sẽ là một "tia sáng" cho đầu tư của Trung Quốc trong năm nay.
Nhưng một báo cáo tháng 4/2002 dự đoán rằng khả năng của Trung Quốc trong việc tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài sẽ bị giảm do các quỹ được chuyển hướng để vực dậy nền kinh tế trong nước, trong khi các khoản đầu tư Vành đai và Con đường có thể sẽ giảm hơn nữa trong những tháng tới.
Điều này xảy ra khi một số dự án do Trung Quốc rót vốn ở khắp châu Mỹ Latinh bị trì hoãn do ảnh hưởng của đại dịch.
Tuy nhiên, ông Thôi Thủ Quân, Phó Giáo sư Học viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho rằng không có dấu hiệu nào về việc Trung Quốc giảm cam kết ở Nam bán cầu. Thay vào đó, ông nói, Bắc Kinh đã sẵn sàng để nâng cao tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực.
"Trung Quốc sẽ tăng cường sự hiện diện bằng cách mở rộng quan hệ thương mại song phương và giúp các nước Mỹ Latinh và Caribbean tăng tốc phục hồi kinh tế", ông này khẳng định.
Margaret Myers, Giám đốc chương trình châu Á và châu Mỹ Latinh thuộc tổ chức Đối thoại liên Mỹ, nói rằng khu vực này sẽ cần sự giúp đỡ về kinh tế trong những tháng tới.
"Người Mỹ Latinh sẽ quan tâm đến những cam kết hợp tác hiệu quả với Trung Quốc, cho dù thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường hay dưới các hình thức khác", cô nói.
"Cơ hội thế kỷ"
Trong hai năm qua, đầu tư tài chính Trung Quốc ở Mỹ Latinh đã giảm đáng kể so với thập kỷ trước. Nhưng Paulina Garzon, người đứng đầu Sáng kiến đầu tư bền vững Trung Quốc-Mỹ Latinh tại Đại học American ở Washington, nói rằng, điều đó không làm giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc đối với khu vực này.
Bà nhận định cốt lõi của quan hệ Trung Quốc-Mỹ Latinh vẫn tập trung vào cơ sở hạ tầng và các dự án khai thác sau đại dịch. Hầu hết các chính phủ trong khu vực tuyên bố một phần kế hoạch trong chiến lược phục hồi Covid-19 chính là xây dựng cơ sở hạ tầng, như Brazil, và tăng cường khai thác tài nguyên thiên nhiên, như Ecuador và Peru.
"Ngoài ra, các quốc gia vay nợ nhất đang tuyệt vọng tìm cách đàm phán lại các khoản vay của họ... và tiếp cận các khoản vay mới theo các điều khoản có lợi hơn", ông Garzon nói. "Về những phương diện này, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục giữ vai trò trung tâm".
Theo SCMP, các khoản vay của Trung Quốc đã trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho các chính phủ Mỹ Latinh trong thập kỷ qua nhưng nhiều nước như Venezuela và Ecuador đang phải vật lộn để chi trả các khoản nợ này.
Một nhân viên cộng đồng sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc khử trùng ở Talcahuano, Chile. Ảnh: Reuters
Ông Thôi Thủ Quân nhận định, Bắc Kinh có thể sẵn sàng đàm phán lại các điều kiện và cung cấp trợ giúp thêm và gia hạn các khoản nợ.
Trong khi ông Po Chun Lee cho rằng, kế hoạch của Trung Quốc tại Mỹ Latinh sẽ tập trung vào việc mở rộng mạng lưới đường sắt và cải thiện hệ thống thương mại trong khu vực.
"Mặc dù ngay cả trước đại dịch Covid-19, Trung Quốc đang là nước nhập khẩu lớn hoặc lớn nhất của Mỹ Latinh, thì khu vực này vẫn sẽ tiếp tục mua hàng hóa giá cả phải chăng từ Trung Quốc như điện tử và máy móc", ông nói.
Nhưng khi hầu hết các quốc gia ở Mỹ Latinh rơi vào suy thoái và chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, hậu quả của cuộc khủng hoảng có thể mang lại sự phụ thuộc lớn hơn nữa vào người khổng lồ châu Á.
"Bất kỳ dự án nước ngoài nào [cũng sẽ] là một phước lành", ông Lee nói. "[Tổng thống Mỹ] Donald Trump đã chỉ ra rằng các chính sách của ông là chủ nghĩa bảo hộ và không hướng ngoại, vì vậy Trung Quốc có thể tận dụng khoảng trống này".
Ariel Armony, một học giả người Argentina, là Phó Giám đốc phụ trách các vấn đề toàn cầu tại Đại học Pittsburgh, cũng nói rằng, Trung Quốc có cơ hội lấp đầy khoảng trống quan trọng về công nghệ ở khắp châu Mỹ Latinh..
Học giả này nhận định, nhiều quốc gia Mỹ Latinh bắt đầu bị hấp dẫn cả về kinh tế và chính trị, từ Trung Quốc trước đại dịch. Nhưng thật khó để tưởng tượng, trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, một quốc gia Mỹ Latinh có thể giảm sự lệ thuộc vào Mỹ mà không gặp phải trở ngại lớn về kinh tế của mình, mà Venezuela là một ví dụ.
Venezuela, được cho là quốc gia phụ thuộc nhất vào Trung Quốc, đã rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị và nhân đạo khi chịu các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ. Trong khi Trung Quốc đang là một trong số những chủ nợ lớn nhất thế giới và Trung Quốc nắm giữ khoảng 1.100 tỷ USD nợ công của Chính phủ Mỹ.
"Sẽ rất thú vị khi thấy Trung Quốc hoạt động như thế nào để giảm bớt ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước gia tăng", ông Armony nói.
Cho đến nay, 19 quốc gia Mỹ Latinh đã tham gia vào sáng kiến Vành đai và Con đường, nhưng các nền kinh tế lớn như Brazil, Mexico và Argentina thì chưa.
"Đây là một vấn đề rất quan trọng đối với Trung Quốc trong việc phá vỡ ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực", theo ông Aaron Raggio, một nhà nghiên cứu tại Uruguay.
Giáo sư Santoro thì dự đoán, các quốc gia như Argentina và Chile có khả năng xích lại gần hơn với Bắc Kinh sau đại dịch. Nhưng ông cho rằng điều này sẽ không xảy ra với Brazil, bởi theo ông nhiều quan chức trong chính phủ của Tổng thống Jair Bolsonaro luôn thể thái độ cứng rắn với Trung Quốc.
Mặc dù vậy, Tổng thống Bolsonaro được cho có quan điểm ôn hòa hơn với Trung Quốc. Ông từng điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình để thảo luận phát triển quan hệ thương mại hai nước. Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Brazil và là nước nhập khẩu thịt bò, đậu nành và các mặt hàng thô khác lớn nhất của Brazil.
Enriquealeighel Peters, điều phối viên của Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc-Mexico, cho biết quan hệ của Trung Quốc với Mỹ Latinh sẽ tiếp tục biến đổi lớn.
Theo ông điều này phụ thuộc rất nhiều vào từng chính phủ và đáng chú ý nhất là Mexico khi nước này bắt tay với cả Washington và Bắc Kinh.
Jorge Malena, chuyên gia về Trung Quốc nói rằng rất ít quốc gia sẽ quay lưng lại với Bắc Kinh. "Trung Quốc đang cung cấp một cơ hội mà không chính phủ nào sẵn sàng bỏ qua", ông nói.
Mở rộng lĩnh vực
Ngoài việc nắm bắt cơ hội trong các lĩnh vực truyền thống, các nhà nghiên cứu dự đoán ảnh hưởng lớn hơn của Trung Quốc đối với các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe và hợp tác khoa học, cùng với đầu tư công nghệ và viễn thông ở Mỹ Latinh. Một số ý kiến cho rằng, Trung Quốc có thể đóng vai trò hàng đầu trong việc thúc đẩy các hoạt động và công nghiệp xanh trên toàn khu vực.
Nhân viên khử trùng trung tâm mua sắm nhằm phòng chống virus corona ở Caxias do Sul, Brazil. Ảnh: AFP
Các chuyên gia Jude Blanchette và Jonathan Hillman, từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, cho biết đại dịch đã mang đến cơ hội mới cho sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc công nghệ và nhà cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số toàn cầu.
"Trong những tháng và năm tới, Con đường tơ lụa kỹ thuật số của Trung Quốc sẽ chỉ tăng tốc và mở rộng".
Đại gia viễn thông Trung Quốc Huawei - đang kẹt giữa cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung - đã làm việc với các quốc gia ở Mỹ Latinh, như Ecuador và Honduras, để thực hiện các phương pháp chẩn đoán virus corona mới bằng công nghệ và trí tuệ nhân tạo.
Bà Myers thì cho rằng, các công ty Trung Quốc đã nhận được sự quan tâm đáng kể của người dùng ở các thị trường này trước cuộc khủng hoảng. Và bây giờ khi Bắc Kinh đang thúc đẩy số hóa quốc gia, các công ty Trung Quốc sẽ ngày càng có vị thế tốt để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các dịch vụ quan trọng ở nước ngoài.
Dịch vụ viễn thông cũng được Trung Quốc tập trung đầu tư ở Uruguay. Nước đã thắt chặt quan hệ với Trung Quốc thông qua các thỏa thuận khác nhau trong thập kỷ qua, với hy vọng trở thành một trung tâm công nghệ khu vực.
Theo ông Gillermo Holzmann, một nhà phân tích chính trị ở Chile, công nghệ và viễn thông cũng là một lĩnh vực có thể nổi bật trong quan hệ Trung Quốc-Chile, cùng với các lĩnh vực truyền thống, như khai thác tài nguyên thiên nhiên và kinh doanh nông nghiệp.
Các chuyên gia như Giáo sư Thôi Thủ Quân nhận định sự hiện diện của Trung Quốc tại Mỹ Latinh sẽ được tăng cường về mặt hợp tác khoa học và chăm sóc sức khỏe.
Bắc Kinh gần đây đã hồi sinh ý tưởng khởi động Con đường tơ lụa y tế. Khái niệm, thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường, lần đầu tiên được sử dụng vào năm 2017, khi Trung Quốc ký một biên bản ghi nhớ với WHO. Sau đó, Bắc Kinh đề xuất cải thiện cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe cũng như tăng cường dòng chảy của hàng hóa và dịch vụ liên quan đến y tế giữa các quốc gia được kết nối bởi sáng kiến này.
"Khi đại dịch Covid-19 phơi bày những thiếu sót của nhiều hệ thống chăm sóc sức khỏe trên khắp các quốc gia tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường, tình hình tồi tệ hiện nay sẽ biến thành cơ hội để Trung Quốc quảng bá Con đường tơ lụa y tế", báo cáo của Fitch Solutions viết.
Bà Myers cho rằng một số công ty của Trung Quốc có thể mở rộng sự hiện diện trong các ngành công nghiệp y tế của khu vực thông qua các mối quan hệ đối tác mới được thành lập nhờ đại dịch Covid-19.
Theo ông Armony, đại dịch có thể là cơ hội giúp Trung Quốc giải quyết các thách thức lớn về sức khỏe cộng đồng ở Mỹ Latinh và tăng cường hợp tác trong nghiên cứu y học với các quốc gia như Argentina và Brazil.
Nhiều nước Mỹ Latinh hiện cũng đang phụ thuộc vào Trung Quốc về chuỗi cung ứng y tế.
"Nhận thức rõ về nhu cầu như vậy, Trung Quốc hiện đang định hình chính sách đối ngoại của mình đối với Mỹ Latinh xung quanh đại dịch", chuyên gia Raggio nói.
Học giả này cho rằng viện trợ chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn ở Mỹ Latinh, khi khu vực này đã vượt qua cả Châu Âu và Mỹ về số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày.
Vấn đề chất lượng
Enriquealeighel Peters, điều phối viên của Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc-Mexico cho biết, ở Mexico, phản ứng kịp thời từ Trung Quốc trong việc hỗ trợ đất nước này đã được đón nhận.
"Tổng thống Mexico kêu gọi [từ vài] tuần trước những hỗ trợ từ [các nước] châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. Cho đến nay, quốc gia duy nhất hưởng ứng mạnh mẽ là Trung Quốc với nhưng máy bay chở đầy vật liệu y tế". ông nói. "Những hình ảnh này trên các phương tiện truyền thông có ảnh hưởng rất tích cực đến công chúng".
Các nghệ sĩ ở Brasípa cầm những quả bóng bay màu đỏ trong một cuộc biểu tình để vinh danh những nạn nhân Covid-19. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, chuyên gia Armony nói rằng, không rõ liệu ngoại giao khẩu trang có phải là mối quan tâm thực sự của Trung Quốc hay đây chỉ là một phần trong những nỗ lực thay đổi của Bắc Kinh để định hình lại câu chuyện toàn cầu xung quanh trách nhiệm của họ đối với sự lây lan của virus. Nhưng ông nói thêm rằng, nhiều quốc gia như Argentina đã cáo buộc sản phẩm quyên tặng kém chất lượng từ Trung Quốc.
"Thiết bị kém chất lượng sẽ làm tổn hại hình ảnh của Trung Quốc..", chuyên gia Armony cảnh báo. "Nhiều người Mỹ Latinh liên kết các sản phẩm của Trung Quốc với [khái niệm] chất lượng kém".
Mặc dù Trung Quốc đã chi hàng triệu USD cho các nguồn cung cấp chăm sóc y tế và gửi các chuyên gia đến nhiều quốc gia để tư vấn về cách xử lý đại dịch nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng, Bắc Kinh sẽ cần phải làm nhiều hơn nữa để chấm dứt sự bất mãn ở những cộng đồng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các khoản đầu tư do Trung Quốc hậu thuẫn ở Mỹ Latinh.
Ông Lee cho rằng, nhiều thứ có thể thay đổi tùy thuộc vào cách Bắc Kinh xử lý khủng hoảng hiện nay.