(Tổ Quốc) - Các nhà lãnh đạo từ hơn 40 quốc gia châu Phi đã tới thành phố Sochi phía nam nước Nga trong tuần này, bắt tay, chụp ảnh và kí kết hàng tỷ đô la trong các giao dịch kinh doanh. Tổng thống Vladimir Putin đã gặp sáu tổng thống chỉ trong ngày thứ năm.
Chương trình hướng tới sự gắn kết, được gọi là hội nghị thượng đỉnh Nga-Phi đầu tiên, đã gửi một thông điệp rõ ràng đến thế giới. Ông Putin nói với các vị khách: Sự kiện này đã mở ra một trang mới trong lịch sử quan hệ Nga với các nước châu Phi.
Đột phá mới của Nga
Trang mới này xuất hiện khi Nga đã là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Châu Phi và đang hướng tới khôi phục mối liên hệ đã tan vỡ sau khi Liên Xô sụp đổ, thông qua các dự án cơ sở hạ tầng và tăng cường an ninh.
Các nhà phân tích cho biết, Moscow - cung cấp các nhà máy điện, máy bay trực thăng tấn công và lính đánh thuê - đang vươn lên là một thế lực chính trên lục địa đen vào thời điểm Mỹ và Trung Quốc cũng đang tranh giành ảnh hưởng.
Điện Kremlin đã tiết lộ kế hoạch tăng gấp đôi thương mại với các nước châu Phi lên 40 tỷ USD và đưa ra tuyên bố mang tính biểu tượng bằng máy bay ném bom hạt nhân: Hai chiếc Tupolev Tu-160 đã hạ cánh ở Nam Phi để tham gia một nhiệm vụ huấn luyện lần đầu tiên trong khi cuộc họp trên Biển Đen bắt đầu từ hôm thứ Tư.
Chính quyền Trump đã cam kết thúc đẩy nhiều mối quan hệ kinh doanh hơn với các đối tác châu Phi để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga trên lục địa, điều Washington gọi là các mối đe dọa quan trọng đối với lợi ích an ninh quốc gia. Nhưng các nhà phân tích nói rằng các siêu cường khác đang đầu tư nhiều hơn - các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga rõ ràng dành nhiều thời gian hơn cho các đối tác châu Phi.
Paul Stronski, chuyên gia cao cấp về chương trình Nga và Âu Á tại Viện hòa bình quốc tế Carnegie Endowment cho biết: "Trong khi Mỹ không chú ý, Nga đang đổ tới để lấp khoảng trống".
Hoa Kỳ là nhà tài trợ viện trợ nước ngoài hàng đầu trên toàn cầu - khoảng một phần ba số tiền đó đến Châu Phi - và vận hành hàng chục căn cứ quân sự cung cấp nhân lực, đào tạo và tình báo trên lục địa này. Thương mại của Hoa Kỳ với Châu Phi, ở mức 39 tỷ USD, đang vượt trội Nga.
Stronski cho biết, Moscow, nơi có một túi tiền nhỏ hơn, đang tìm cách chiếm thế thượng phong bằng quyền lực mềm.
Mỹ lơ là lục địa đen
Ông Putin đã thực hiện chuyến bay kéo dài 14 giờ tới Nam Phi vào năm ngoái. Tổng thống Trump vẫn chưa đến thăm lục địa này. (Vợ ông, đệ nhất phu nhân Melania Trump và con gái Ivanka Trump đã có các chuyến đi vào năm ngoái.)
Nga đã chào đón 43 nguyên thủ quốc gia và chính phủ, cùng với hàng chục nhà lãnh đạo doanh nghiệp và cộng đồng, trong tuần này tại Sochi. Còn ông Trump đã đón một nhóm các nhà lãnh đạo châu Phi nhỏ hơn nhiều, bao gồm các chuyến thăm chính thức từ Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari và Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta.
Trong một bài phát biểu hôm thứ Năm tại Sochi, ông Putin đã khẳng định rằng đất nước của ông đã hỗ trợ cuộc đấu tranh của các dân tộc châu Phi chống lại chủ nghĩa thực dân, phân biệt chủng tộc và phân biệt màu da.
Còn trong sự kiện lớn nhất trên lục địa châu Phi của chính quyền Trump thì khiến một số nhà quan sát châu Phi quan ngại. Họ chỉ trích Hoa Kỳ đã không gửi người đứng đầu Nội các tới một sự kiện có sự tham dự của 11 tổng thống châu Phi.
Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross đã sắp xếp thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy Thịnh vượng Châu Phi, một chương trình nhằm tăng cường quan hệ đối tác kinh doanh, tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh tháng 6 Hoa Kỳ-châu Phi tại quốc gia phía nam Mozambique nhưng đã hủy vì có lịch trình khác.
Chương trình này, được coil à chiến lược châu Phi của Nhà Trắng, được thiết kế để cung cấp trợ giúp kỹ thuật cho các công ty đang cố gắng thâm nhập hoặc mở rộng ở châu Phi, nơi đang đô thị hóa nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác.
Hội nghị thượng đỉnh ở Sochi đã mở ra 12,5 tỷ USD trong các giao dịch kinh doanh, chủ yếu là vũ khí và ngũ cốc, Điện Kremlin nói.
Bakary Sambe, một chuyên gia hàng đâu từ Trung tâm nghiên cứu hòa bình châu Phi của Viện Timbuktu tại Dakar cho biết, Nga đang nhấn mạnh sự hợp tác về viện trợ và thông điệp đó rất hấp dẫn đối với một số nhà lãnh đạo.
Châu Phi không còn muốn có tất cả trứng trong một giỏ nữa, Sambe nói. Chúng tôi muốn trao đổi bình đẳng, trái ngược với quan hệ quyền lực thuộc địa.
Đầu tháng này, Nga đã công bố kế hoạch gửi thêm vũ khí và người hướng dẫn đến Cộng hòa Trung Phi để hỗ trợ chính phủ nước này chống lại các nhóm phiến quân - một động thái thúc đẩy dấu chân quân sự lớn nhất của họ trên lục địa.
Ông Putin muốn củng cố các liên minh chiến lược với những người cầm quyền có cùng chí hướng, Joshua Meservey, một nhà phân tích châu Phi tại Quỹ Di sản cho biết.
Các quốc gia Châu Phi là khối bỏ phiếu lớn nhất ở Liên hợp quốc, ông nói, và họ thường bỏ phiếu cùng nhau.