• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khi “Rồng” thức giấc...

Du lịch 25/03/2022 13:02

(Tổ Quốc) - Ngay sau khi Việt Nam mở cửa du lịch hoàn toàn từ ngày 15/3, Đà Nẵng đã tưng bừng đón khách trở lại bằng hàng loạt hoạt động, chương trình kích cầu, mang đến niềm vui và hy vọng phục hồi du lịch nói riêng, kinh tế nói chung cho thành phố biển này.

Một người công tác tại một đơn vị lữ hành trên địa bàn TP Đà Nẵng nói rằng, những người làm du lịch chờ đợi mốc 15/3 với bao cảm xúc hồi hộp, thiêng liêng như thời khắc đón giao thừa. Doanh nghiệp của anh đã phải xoay xở, tính toán đủ đường để không đóng cửa. Đứng trước nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền của mấy chục lao động và gia đình, lãnh đạo đơn vị không thể bỏ cuộc, đành chuyển đổi cách thức hoạt động và cầm cự suốt hai năm đại dịch để chờ ngày "bình thường mới".

Và các doanh nghiệp du lịch thở phào khi Bộ Y tế có hướng dẫn mới nhất: Khách đến Việt Nam chỉ cần xét nghiệm COVID-19 âm tính trước khi xuất cảnh; khi nhập cảnh chỉ khai báo y tế, không cần xét nghiệm lại, không cần cách ly. Nghĩa là cửa đã mở, những rào cản về chủ trương, chính sách đã được gỡ bỏ…

Khu du lịch lớn nhất miền Trung - Sun World Ba Na Hills (Đà Nẵng) bắt đầu rộn ràng đón khách. Ngày 20/3, hàng ngàn vận động viên trong nước và quốc tế đã khuấy động không khí thành phố biển trong Giải marathon quốc tế Đà Nẵng 2022, một tín hiệu cho thấy cuộc sống đang bình thường trở lại.

Ngày 27/3, hai chuyến bay từ Singapore và Bangkok (Thái Lan) sẽ hạ cánh xuống Đà Nẵng, chính thức nối lại các đường bay quốc tế đến thành phố sông Hàn sau hai năm gián đoạn. Đà Nẵng cũng chào mừng việc mở lại đường bay quốc tế bằng việc tổ chức ngày hội khinh khí cầu quy mô lớn.

Đường phố đông đúc, nhộn nhịp, không còn vắng vẻ, đìu hiu như những ngày "ai ở đâu thì ở đó". Cầu Rồng đã phun lửa, phun nước trở lại vào tối 12/2. Rồng thép khổng lồ phun từng ngọn lửa lớn sáng rực bầu trời. Hàng ngàn du khách đã háo hức chờ đợi màn trình diễn của "Rồng" chẳng khác gì lễ hội đếm ngược trong đêm giao thừa. Người dân Đà Nẵng và du khách vui mừng khi biểu tượng của thành phố đã vươn mình trở lại.

Các cơ sở lưu trú, nhà hàng... sau thời gian đóng cửa giờ đây tiến hành sơn sửa, làm mới để phục vụ du khách, đặc biệt là chuẩn bị cho mùa du lịch biển 2022. Những người thợ sơn vôi, các nhân viên lễ tân, buồng phòng, tạp vụ… tất bật trở lại công việc.

Ở góc kia của khu phố du lịch, chị bán bún bò vui mừng vì hàng quán đông khách. Hàng bún này nuôi sống cả nhà chị nhờ bán cho khách quen và khách du lịch, nhưng hai năm qua lúc đóng, lúc mở theo diễn biến dịch bệnh, thành ra sự đủ đầy trong bữa cơm gia đình cũng trồi sụt theo. App của anh taxi công nghệ bắt đầu "nhảy" thường xuyên hơn. Anh xe ôm công nghệ cũng không còn phải chờ mãi mới có cuốc… Niềm vui, sự rạng rỡ trên gương mặt của những người lao động dẫu ẩn giấu sau chiếc khẩu trang nhưng vẫn hiện lên trong ánh mắt.

Trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, sáng sáng ngư dân đánh bắt cá lên thì khách đến mua tại chỗ. Rồi chiều chiều, các nhà hàng, quán hải sản... tấp nập thực khách. Sau hai năm yên ắng, hình ảnh đó đang dần tái hiện. Bức tranh muôn màu muôn vẻ của cuộc sống được điểm tô bằng những gam màu tươi sáng. Đà Nẵng đã sẵn sàng đón khách du lịch trong tình hình mới với 5 nhiệm vụ trọng tâm: chuẩn bị nguồn nhân lực và đảm bảo chất lượng dịch vụ; chuẩn bị sản phẩm mới; đảm bảo an ninh - an toàn phục vụ khách; truyền thông và xúc tiến thị trường.

Khi “Rồng” phun lửa trở lại - Ảnh 1.

Hàng ngàn du khách xem cầu rồng phun lửa, phun nước vào tối 12/2 vừa qua.

Du lịch sẽ phục hồi, chắc chắn vậy, không chỉ ở Đà Nẵng mà còn ở nhiều địa phương khác trên cả nước cũng như của ngành du lịch Việt Nam, khi cách ứng phó với dịch bệnh thay đổi, có thể coi COVID-19 là bệnh đặc hữu để trở lại cuộc sống bình thường. Tất nhiên vẫn cần thời gian khá dài để các đơn vị đẩy mạnh thị trường, xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm, chào bán tour… Vẫn còn bộn bề công việc phải làm khi đại dịch đã khiến 95% doanh nghiệp lữ hành và gần 50% doanh nghiệp khách sạn đóng cửa, theo thống kê của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB).

Giờ đây, với "lá chắn" vaccine, cùng chủ trương, chính sách của Chính phủ, quy định của các bộ, ngành thông thoáng, chúng ta hy vọng nền kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ.

Một thuận lợi rất lớn cho ngành du lịch Việt Nam là Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) đã vinh danh dải đất hình chữ S là "Điểm đến di sản hàng đầu thế giới" trong hai năm liên tiếp 2019 và 2020. Mới đây, trang web du lịch Travel Off Path (Mỹ) nhận định rằng Việt Nam đang trở thành điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế với chính sách nhập cảnh thông thoáng. Trang tin tức The National (thenationalnews.com) còn nêu 5 lý do để du khách tìm đến Việt Nam. "Chiếc phao cứu sinh du lịch" không chỉ giúp các doanh nghiệp trong ngành ăn nên làm ra, mà đời sống của những người lao động bình thường cũng sẽ được cải thiện.

Cửa đã mở. Việc còn lại là các địa phương, doanh nghiệp "bắt tay nhau" xuất phát để sớm về đích với mục tiêu đón 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022, tổng thu từ khách du lịch đạt 400 ngàn tỉ đồng. Con số 5 triệu khách quốc tế vẫn ít ỏi so với thời điểm trước dịch, nhưng đó sẽ là nền tảng cho sự bứt phá… 

Ánh Dương

NỔI BẬT TRANG CHỦ