• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khi thảm hoạ hạt nhân không thể ngăn chặn

Thế giới 24/05/2011 16:53

(Toquoc)-Đến nay vẫn chưa thể lường hết những hậu hoạ đối với môi trường và sức khoẻ của con người

(Toquoc)-Nhật Bản đã thừa nhận thất bại trong việc kiểm soát cuộc khủng hoảng hạt nhân. Và đến giờ, người ta vẫn không thể lường hết được những hậu hoạ đối với môi trường và sức khoẻ của con người trong tương lai khi tình trạng ô nhiễm sau động đất, sóng thần và đặc biệt những chất phóng xạ sẽ còn ngấm trong đất, nước và phát tác hệ quả sau này.

Hơn 20 ngày kể từ sau trận động đất, sóng thần kinh hoàng ở Nhật Bản, những thiệt hại vẫn chưa thể tính hết vì mức tàn phá quá lớn. Số người thiệt mạng và mất tích ước tính lên tới hơn 25.000 người, nửa triệu người phải đi sơ tán, nhiều ngôi làng kể như là biến mất hoàn toàn, nhiều thành phố chỉ còn là đống gạch vụn.

Tuy nhiên, nghiêm trọng nhất là việc cung cấp năng lượng cho cả nước, khi mà hàng loạt trung tâm điện hạt nhân đã bị hư hại nặng và phóng xạ đang đe doạ cuộc sống, tương lai của người Nhật, và lan ra cả thế giới. Tác động của thảm hoạ là vô cùng to lớn, không chỉ đối với Nhật Bản, nơi hoạt động kinh tế đã và đang tạm thời bị tê liệt nhiều ngày qua, mà còn ảnh hưởng dây chuyền đến cả thế giới.

Thảm hoạ hạt nhân là không thể ngăn chặn được

Nhật Bản đã thừa nhận thất bại trong việc kiểm soát cuộc khủng hoảng hạt nhân. Và đến giờ, người ta vẫn không thể lường hết được những hậu hoạ đối với môi trường và sức khoẻ của con người trong tương lai khi tình trạng ô nhiễm sau động đất, sóng thần và đặc biệt những chất phóng xạ sẽ còn ngấm trong đất, nước và phát tác hệ quả sau này.

Nhật Bản thừa nhận thất bại trong việc kiểm soát cuộc khủng hoảng hạt nhân

Hãng tin Kyodo ngày 31/3 dẫn lời một quan chức Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) cho biết mức độ phóng xạ trong nước ngầm ở khu vực nhà máy Fukushima 1 có chứa iốt phóng xạ cao gấp 10.000 lần ngưỡng cho phép và mức độ tập trung chất phóng xạ i ốt 131 trong nước biển gần khu vực này đã tăng lên mức cao nhất gấp 4.385 lần mức cho phép. Sau sữa, rau, hải sản, Nhật cũng phát hiện chất phóng xạ trong thịt bò.

Trong khi đó, phóng xạ từ nhà máy Fukushima 1 đã phát tán khắp châu Á và Mỹ. Singapore thông báo đã phát hiện bắp cải nhập từ Nhật có nồng độ phóng xạ cao gấp chín lần mức cho phép. Mỹ ghi nhận nồng độ thấp nhiễm xạ trong sữa nhập từ Nhật. Hiện danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ đã tạm ngưng nhập hải sản, sữa, rau quả, thịt từ Nhật đã thêm dài: Mỹ, Australia, Singapore, Indonesia, Hong Kong... Một số nước chưa ra lệnh cấm nhập khẩu như Thái Lan thì tuyên bố kiểm tra gắt gao hàng nhập từ Nhật.

Trước tình hình này, cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã yêu cầu Nhật phải có biện pháp kiểm soát rò rỉ phóng xạ hiệu quả hơn, mở rộng bán kính vùng phải di tản từ 20km lên gấp đôi.

Cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản đã không thể ngăn chặn được. Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan khẳng định phải phế bỏ nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1. Ông Kan cho biết, chính phủ cũng sẽ xem xét lại kế hoạch xây dựng của ít nhất 14 lò phản ứng hạt nhân dự kiến hoàn thành trước năm 2030. Trước đó, Chính phủ Nhật cũng đã yêu cầu phải tăng cường tiêu chuẩn an toàn đối với tất cả 55 lò phản ứng hạt nhân trên toàn quốc ngay lập tức. Cuộc khủng hoảng hạt nhân lần này không chỉ khiến Tokyo phải xem xét lại chính sách điện hạt nhân của mình, mà như một lời cảnh báo về mức độ an toàn của ngành điện hạt nhân thế giới.

Biện pháp được đưa ra nhằm ngăn chặn phóng xạ từ các lò phản ứng có sự cố có thể là bao phủ các lò phản ứng bằng một loại hợp chất đặc biệt, sau đó trùm thêm một lớp vải dầu công nghệ cao. Đây là những bước mà các kỹ sư Liên Xô từng thực hiện để xử lý thảm họa Chernobyl. Cuối cùng họ đã chôn vùi Nhà máy Chernobyl trong một “quan tài” bằng bê tông khổng lồ.

Các chuyên gia cho biết thời gian xử lý thảm họa nhà máy Fukushima 1 sẽ lâu hơn nhiều so với quãng thời gian 12 năm Mỹ trải qua để xử lý sự cố rò rỉ phóng xạ ở Nhà máy điện hạt nhân Three Mile. Theo NHK, một số chuyên gia ước tính Nhật phải mất 30 năm với 12 tỉ USD để chôn vùi Nhà máy Fukushima 1 và làm sạch khu vực này.

Cuộc khủng hoảng hạt nhân cũng khiến Nhật phải cầu viện trợ từ Pháp và Mỹ. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đến Tokyo kể từ sau thảm hoạ ngày 11/3 để bàn việc khắc phục sự cố hạt nhân này. Đây cũng sẽ là một trong những chương trình nghị sự quan trọng của Hội nghị G8 được tổ chức ở Pháp vào tháng 5 tới.

Trong khi đó, người đứng đầu Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF), Tướng Ryoichi Oriki cho biết, một nhóm kiểm soát phóng xạ của Mỹ gồm 140 thành viên sẽ sớm tới Nhật Bản hỗ trợ giải quyết sự cố hạt nhân.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cử một chuyên gia môi trường biển tới Nhật Bản để phân tích nước biển xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Các robot và những cỗ máy không người lái từ Mỹ cũng sẽ được đưa đến Nhật giúp khắc phục sự cố nhằm giảm bớt những nguy cơ đối với con người.

Ngoài nỗ lực khắc phục cuộc khủng hoảng hạt nhân, từ ngày1/4, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản với sự hỗ trợ của quân đội Mỹ đã bắt đầu chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn các nạn nhân bị mất tích sau trận động đất và sóng thần.

Chiến dịch tìm kiếm những người còn mất tích nhưng khó có cơ hội còn sống sót

Chiến dịch tìm kiếm sẽ diễn ra trong 3 ngày với sự tham gia của 18.000 binh lính Nhật Bản và 7.000 Mỹ, bao gồm cả lực lượng thuỷ quân lục chiến Mỹ. Quá trình tìm kiếm cũng được sử dụng 100 trực thăng quân sự và dân sự và 50 tàu của Nhật. Về phía Mỹ cũng hỗ trợ 20 máy bay và 15 tàu. Lực lượng tham gia bao gồm các lính cứu hỏa, cảnh sát, lực lượng bảo vệ bờ biển và các lực lượng khác của Nhật Bản.

Theo giới hữu trách Nhật bản, khoảng 1.000 thi thể nằm trong bán kính 20 km của nhà máy Fukushima chưa thể thu gom được vì lo ngại các xác chết đó đã nhiễm xạ nặng. Giới chuyên gia cảnh báo, nếu thân nhân các nạn nhân hoả táng các thi thể này theo truyền thống ở Nhật thì điều đó sẽ đưa nhiều hơn các chất liệu phóng xạ vào môi trường. Nếu chôn những thi thể này thì lo ngại chất phóng xạ sẽ ngấm xuống đất và mạch nước ngầm.

Tinh thần Nhật Bản

Thảm hoạ hạt nhân 11/3 không chỉ gửi đi thông điệp mạnh mẽ với môi trường, lời cảnh báo với ngành điện hạt nhân thế giới, nó cũng là hình ảnh anh hùng mà bi tráng của tinh thần Nhật Bản – tinh thần võ sỹ đạo samurai. Khi tổ quốc lâm nguy, mỗi người dân Nhật Bản đã quên lợi ích cá nhân vì lợi ích dân tộc, đất nước. Một người bạn Nhật Bản khi nhận được lời đề nghị giúp đỡ gửi đồ dùng thiết yếu, lương thực thực phẩm từ người bạn Việt Nam cho cuộc sống hàng ngày của gia đình anh khi thiên tai vừa ập đến, anh khẳng khái mà nói rằng: Những thứ đó với người Nhật trong lúc nguy cấp này là cần thiết, nhưng cái người Nhật cần hơn đó là khôi phục lại cuộc sống, khôi phục lại nền sản xuất đã bị đình trệ do đợt thiên tai vừa qua. Vì vậy, nếu yêu người Nhật, những người bạn quốc tế hãy thay đổi thói quen tiêu dùng của mình: hãy dùng hàng Nhật, cho con bạn dùng sữa Nhật, hãy mua đồ điện tử điện lạnh của Nhật, hãy đi xe Nhật… để giúp Nhật khôi phục nền sản xuất, tái tạo đất nước.

Những người anh hùng được biết đến với cái tên Fukushima 50

Và hình ảnh mang đậm tinh thần Nhật Bản nổi bật lên từ thảm hoạ lần này chính là hình ảnh những “cảm tử quân”, nhóm anh hùng được cả thế giới biết đến với cái tên “Fukushima 50” gồm khoảng 300 kĩ thuật viên, binh sĩ và lính cứu hỏa chia thành các nhóm với 50 thành viên làm việc liên tục trong môi trường có độ phóng xạ cực lớn để ngăn chặn một thảm họa hạt nhân. Họ sẵn sàng xả thân, hy sinh tính mạng vì đất nước, vì dân tộc, thậm chí vì cả thế giới.

Mẹ của một trong những thành viên của đội cảm tử quân này 1/4 phát biểu với Fox News cho biết, tất cả những người anh hùng này nghĩ rằng họ sẽ chết vì nhiễm phóng xạ “trong vài tuần nữa”. “Con trai tôi và các đồng nghiệp của nó cuối cùng đã nói đến cái chết và họ đã tự hứa với bản thân sẽ sẵn sàng hy sinh mạng sống của bản thân nếu cần thiết để bảo vệ đất nước”, lời người mẹ đầy chua sót nhưng cũng không giấu sự tự hào. “Con trai tôi đã nói với tôi rằng tất cả họ đều chấp nhận họ có thể sẽ chết vì phóng xạ trong một thời gian ngắn nữa hoặc xa hơn là bị ung thư. Họ cũng khẳng định với nhau rằng, sẽ không thể tránh khỏi trường hợp một vài người sẽ chết trong vòng vài tuần nữa hoặc vài tháng nữa. Họ biết rõ là không thể có chuyện họ không bị phơi nhiễm phóng xạ ở một mức độ gây chết người”.

Người mẹ đau khổ này đã đề nghị được giấu tên, bởi những người anh hùng trong nhà máy Fukushima đã được ban quản lý yêu cầu không được liên lạc với báo giới cũng như không được chia sẻ thông tin với các thành viên trong gia đình. Mục đích là nhằm giảm tối thiểu việc gây ra tình trạng hoảng loạn trong dân chúng.

Lãnh đạo công ty điện lực Tokyo đã phải cúi rạp đầu để xin lỗi người dân Nhật Bản vì đã không ngăn chặn được tình trạng phát tán và rò rỉ phóng xạ. Đây cũng là văn hoá lãnh đạo ở xứ sở Mặt trời, mà nhiều nước phải học tập: làm lãnh đạo cũng phải biết xin lỗi khi làm việc sai, có lỗi với dân!

Khánh An

NỔI BẬT TRANG CHỦ