(Tổ Quốc) - Nhóm bạn trẻ đi điều tra về thực trạng chặt phá rừng nghiến trái phép tại Hà Giang và săn bắt, buôn bán, giết thịt chim hoang dã di cư tại Vườn Quốc gia Cát Bà – Hải Phòng đã giúp các cơ quan ban ngành thành lập tổ công tác, đưa biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng trên.
Đó là một trong những hoạt động nằm trong dự án "Thanh niên vì môi trường" của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt, bắt đầu từ 2020, nhắm mục tiêu nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự tham gia của thanh niên trong bảo vệ môi trường.
Dự án "Thanh niên vì môi trường" không chỉ là kêu gọi sự tham gia tích cực của thanh niên, mà còn nhằm thúc đẩy giới trẻ theo một lối sống văn minh, nhấn mạnh việc bảo vệ môi trường như một trách nhiệm cá nhân và cộng đồng.
Tính đến tháng 7/2023, dự án đã đạt được nhiều thành tựu như: kênh truyền thông "Mắt Xanh" với 10.000 người theo dõi; 6 khóa tập huấn với 300 người tham gia; tổ chức 6 hội thảo và tọa đàm; tiến hành 3 cuộc thi với 550 bài dự thi; 2 triển lãm ảnh tại Hà Nội thu hút 5000 người tham gia; sản xuất 5 phim truyền thông với hàng trăm nghìn lượt xem; hỗ trợ 18 sáng kiến môi trường, mang lợi ích cho 100.000 người; thực hiện 6 chuyến đi thực địa, đăng tải 20 bài báo điều tra, thu hút sự chú ý từ chính phủ; 3 chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội, tiếp cận 500.000 người; và lan tỏa thông điệp qua 300 bài báo và phóng sự. Các hoạt động như điều tra về săn bắt chim hoang dã và chặt phá rừng đã góp phần thúc đẩy chính sách bảo vệ môi trường. |
Sức mạnh công nghệ kết nối người trẻ từ thành thị đến nông thôn
Quỹ Vì Tầm Vóc Việt đóng vai trò cố vấn kỹ thuật cho Liên minh doanh nghiệp vì môi trường Việt Nam (VB4E) - một liên minh ra đời năm 2019 với sự hợp tác của IUCN, ISPONRE và Tập đoàn TH. Mục tiêu chính của VB4E là khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học. Quỹ cũng tham gia Mạng lưới Đối tác Hành động về Nhựa và Sức khỏe (PHA) - một tổ chức kết nối các tổ chức môi trường, chia sẻ thông tin và vận động chính sách về sức khỏe môi trường.
Với nền tảng mạng lưới rộng lớn bao gồm thanh niên, doanh nghiệp và báo chí mà Quỹ đã kết nối, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt tin rằng chương trình "Thanh niên vì môi trường" có thể tạo ra một làn sóng thay đổi, kết nối và huy động nguồn lực mạnh mẽ, thúc đẩy hoạt động vì môi trường ở Việt Nam lên một tầm cao mới.
Thế hệ thanh niên được xem là lực lượng quan trọng trong việc tiên phong hành động bảo vệ môi trường và góp phần thúc đẩy những thay đổi tích cực. Nhiều bạn trẻ đã nhận thức và thực hiện trách nhiệm của mình đối với thiên nhiên và xã hội. Mặc dù vậy, còn một số khác chưa thể thực sự chuyển hóa ý thức thành hành động cụ thể, hoặc gặp khó khăn trong việc thuyết phục cộng đồng, các bên liên quan đồng hành cùng họ.
Trong thời đại số hóa mạnh mẽ hiện nay, dự án đã ứng dụng công nghệ, tận dụng tiềm năng của nền tảng trực tuyến để mở rộng và thực hiện nhiều hoạt động trọng tâm. Nhờ sức mạnh của công nghệ và sự đổi mới, dự án đã tạo cơ hội cho những người trẻ ở mọi nơi, từ thành thị đến vùng nông thôn, cũng như những nơi ít có cơ hội tiếp xúc với công nghệ đều có cơ hội tham gia. Sự kết hợp giữa công nghệ và sáng tạo giúp người trẻ đều có thể đóng góp vào việc bảo vệ môi trường, một trách nhiệm quan trọng mà thế hệ này cần phải đối mặt.
Bên cạnh cung cấp tài chính và kỹ thuật cho các hoạt động môi trường, dự án còn mong muốn tạo ra một nền tảng, một diễn đàn cho thanh niên trao đổi, hợp tác và thảo luận với các bên liên quan.
Kết quả ấn tượng trong hai chuyến thực địa
Dự án được thực hiện tại Hà Nội và toàn quốc. Các hoạt động chính của dự án gồm: truyền thông xã hội, tập huấn thanh niên, tổ chức hội thảo và tọa đàm, các cuộc thi và triển lãm, phim ngắn... Đặc biệt, thanh niên được tham gia các chuyến đi thực địa cùng các nhà báo nhằm giúp cho thanh niên có cơ hội tìm hiểu về môi trường và có góc nhìn khách quan về các vấn đề môi trường.
Lần đầu tiên, tiếng nói của thanh niên được ghi nhận và tạo ảnh hưởng trong việc ban hành và thực thi chính sách về môi trường, thông qua hai chuyển đi thực địa của nhóm thanh niên nòng cốt.
Đó là chuyến đi điều tra về thực trạng săn bắt, buôn bán, giết thịt chim hoang dã di cư tại Vườn Quốc gia Cát Bà – Hải Phòng: Chuyến đi đã cung cấp nhiều hình ảnh và thông tin quý giá cho nhóm điều tra. Kết quả, Thủ tướng Chính phủ đã ra văn bản số 10318/VPCP-NN chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và UBND Thành phố Hải Phòng kiểm tra thông tin báo nêu; có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng săn bắt, vi phạm trong bảo vệ động vật hoang dã. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã thành lập tổ công tác để làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như các cơ quan liên quan của thành phố Hải Phòng để giải quyết vụ việc.
Thanh niên được tham gia các chuyến đi thực địa cùng các nhà báo nhằm giúp cho thanh niên có cơ hội tìm hiểu về môi trường và có góc nhìn khách quan về các vấn đề môi trường.
Chuyến đi thứ hai là tìm hiểu về tình trạng chặt phá rừng nghiến trái phép tại huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang và huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, thu hút được sự quan tâm của dư luận và cơ quan nhà nước. Sau loạt bài phản ảnh của nhóm điều tra, các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang đã vào cuộc điều tra, bắt giữ xử lý nhiều đối tượng liên quan.
Chú trọng vào việc nghiên cứu và phát triển kênh truyền thông xã hội. Dự án đã cung cấp cho thanh niên những công cụ và phương tiện sáng tạo để họ có thể chia sẻ, lan tỏa thông điệp về môi trường một cách chính xác và thú vị. Kênh truyền thông “Mắt Xanh – Thanh niên vì Môi trường” trở thành kênh thông tin kịp thời và chính xác về các vấn đề môi trường.
Dự án khích lệ hành động bảo vệ môi trường thông qua việc tìm hình ảnh và sản phẩm truyền thông sáng tạo, dự án đã tổ chức Cuộc thi “PlasPics Hunter – Thợ săn ảnh nhựa”. Kết quả đã thu thập 1000 bức ảnh phản ánh thực trạng chất thải nhựa trên toàn quốc để đóng góp cho nền tảng kỹ thuật số đầu tiên của Việt Nam về Nhựa và Sức khỏe
Bên cạnh đó, 18 sáng kiến của thanh niên về các lĩnh vực rác thải nhựa, năng lượng tái tạo, ô nhiễm không khí, chuyển dịch năng lượng, giáo dục - truyền thông về môi trường.v.v. đã được tài trợ kinh phí và hỗ trợ kỹ thuật để triển khai, với gần 100.000 người hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp gồm trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật.v.v.
Các hoạt động của dự án mong muốn khơi dậy niềm đam mê, tinh thần trách nhiệm và định hướng hành động tích cực về môi trường trong lòng thanh niên Việt Nam. Mỗi bước đi của chúng ta đều quan trọng, và chỉ có sự đồng lòng mới giúp chúng ta tạo nên sự khác biệt thực sự cho tương lai xanh của Việt Nam.
"Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize" do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp và nhà tài trợ Kim cương Bắc Á Bank. Giải thưởng nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.
Không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize còn ra đời với mục tiêu đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng trong hành trình của họ.
Trong khuôn khổ vòng chung kết của Giải thưởng, Triển lãm Hành động vì cộng đồng 2023 sẽ được diễn ra từ ngày 24/11 - 3/12 Tại Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội, và Gala trao giải sẽ được diễn ra vào 12/12 tại Nhà hát Hồ Gươm - Hà Nội.
Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!
Website chính thức: https://humanactprize.org