• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khi trái cây, giăm bông trở nên xa xỉ: Giá thực phẩm Hungary tăng cao nhất châu Âu

Thế giới 21/04/2023 20:06

(Tổ Quốc) - Theo hãng AP, Hungary hiện đang đối mặt với giá lương thực tăng đột biến mạnh nhất ở Liên minh châu Âu (EU).

Bà Magdolna Gozon một người dân Hungary 83 tuổi nhấm nháp quả ớt xanh cay từ quầy rau quả tại một khu chợ trong nhà rộng lớn ở Budapest, nếm thử trước khi mua để nấu món súp cho gia đình. Bà Gozon hiện đã về hưu và không đủ khả năng chi trả thêm để mua thực phẩm trong khoản lương hưu ít ỏi hàng tháng.

Không trái cây, giăm bông xa xỉ: Giá thực phẩm Hungary tăng cao nhất châu Âu - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

"Tôi không mua hoa quả. Chúng tôi vẫn nhận được hỗ trợ khoai tây từ thành phố nên không phải mua. Tuy nhiên, giá hành tây đang trở nên đắt đỏ hơn bao giờ hết", bà Gozon nói đồng thời cho biết đến hiện tại bà phải ngừng mua sữa và hiếm khi mua thịt khi giá thực phẩm ở Hungary đang trở nên đắt đỏ.

Theo cơ quan thống kê EU Eurostat, giá thực phẩm đã tăng mạnh trên khắp châu Âu trong những tháng gần đây, tăng 19,6% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái và gây ra lạm phát tăng mặc dù chi phí năng lượng giảm. Nhưng ở Hungary, giá lương thực đã tăng hơn 45% trong năm, vượt xa con số cao nhất đã thống kê tháng trước. Việc tăng giá như vậy đang tác động mạnh mẽ đến người tiêu dùng ở quốc gia Trung Âu này, buộc họ phải thay đổi loại thực phẩm muốn mua và số lượng họ có thể mua được đồng thời khiến các doanh nghiệp phải suy nghĩ lại về những gì phải nhập về để bán.

"Thói quen mua sắm chắc chắn đã thay đổi, vì vậy mọi người đang thực sự suy nghĩ về những gì họ muốn mua. Chúng tôi gần như đã đạt đến mức mà xúc xích và giăm bông được coi là những mặt hàng thực phẩm xa xỉ", Szilvia Bukta, Quản lý một gian hàng bán thịt ở Grand Market Hall lịch sử của Budapest cho biết.

Ông Bukta nhận định người dân phải mua ít hơn vì giá đắt hơn và nói rằng không có nhiều khách hàng có khả năng mua được nên chắc chắn quá trình nhập hàng hóa phải cẩn thận hơn. Một số loại thực phẩm ở Hungary đã tăng giá gần gấp đôi trong năm qua. Các mặt hàng chủ lực như trứng, sữa, bơ và bánh mì có giá cao hơn từ 72% đến 80% đang gây khó khăn cho túi tiền khách hàng ở một quốc gia có mức lương ròng trung bình chỉ hơn 900 USD mỗi tháng.

"Thắt lưng buộc bụng"

Ông Peter Virovacz, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng ING Hungary cho biết trong khi hầu hết các nền kinh tế châu Âu đang đối mặt với những khó khăn tương tự do ảnh hưởng từ căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine, gây khủng hoảng chi phí sinh hoạt thì sự thiếu hiệu quả trong ngành nông nghiệp và chế biến thực phẩm của Hungary cũng như sự mất giá lịch sử của đồng forint đã khiến tình trạng lạm phát của nước này trở nên tồi tệ hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

"Hạn hán ở khắp mọi nơi, giá năng lượng tăng ở mọi nơi và chi phí của nhà cung cấp cũng tăng ở mọi nơi. Nhưng nếu sản xuất không hiệu quả thì các nhà sản xuất trong nước sẽ thấy rằng việc trả những chi phí này nặng nề hơn rất nhiều", ông Peter Virovacz nhận định.

Để kiếm sống qua ngày, không chỉ nông dân mà cả các nhà hàng, tiệm bánh và các doanh nghiệp khác đều tăng giá hàng hóa và thay đổi nguồn cung cấp để tránh những nguyên liệu đắt nhất. Tổng giám đốc Andras Kelemen cho biết Cafe Csiga - một nhà hàng và quán bar trên một quảng trường rợp bóng cây ở trung tâm Budapest đã loại bỏ hamburger và khoai tây chiên ra khỏi thực đơn vào cuối năm ngoái do giá các nguyên liệu như thịt và dầu ăn tăng vọt.

"Giá nguyên vật liệu đã tăng mạnh. Có một số mặt hàng tăng khoảng 100%. Các loại rau, đặc biệt là trong thời kỳ mùa đông, một số loại thịt và sản phẩm từ thịt đã tăng giá một cách khó tin", ông Andras Kelemen nói.

Theo ông Andras Kelemen, giá cả thực phẩm tăng đã khiến tỷ lệ lạm phát chung của Hungary lên tới 25,6% - cũng là mức cao nhất ở EU, mức trung bình đã giảm xuống 8,3% vào tháng trước. Chi phí sinh hoạt ngày càng tăng đã dẫn đến việc tăng lương nhanh chóng. Vì vậy, việc tăng thêm chi phí đã khiến các doanh nghiệp đang đẩy một phần áp lực vào khách hàng. Ông Kelemen khẳng định tất cả các chi phí liên tục tăng và chúng tôi bắt buộc phải tăng lương cho nhân viên trong thời gian chờ đợi. Có một số mặt hàng mà chúng tôi không muốn hoặc không dám tăng giá bán — nhưng mức tăng điển hình là 30%.

Trong khi đó, Eszter Roboz, Chủ sở hữu của Babushka Bakery ở Budapest cho biết đã phải tính thêm tiền cho khách hàng khi mua thực phẩm. Bản thân bà cũng bắt đầu sử dụng dầu ô liu trong một số loại bánh vì giá bơ đã tăng 68% trong tháng Ba.

"Tất cả các nguyên liệu đều tăng giá ở một mức độ nào đó, nhưng đối với chúng tôi, có lẽ bơ, dầu ô liu và bột mì là đáng chú ý nhất", Eszter Roboz nói.

Theo một nghiên cứu năm 2022 của Văn phòng An toàn Chuỗi Thực phẩm Quốc gia, trong khi Hungary là nhà sản xuất chính lúa mì, ngô, hạt có dầu và thịt thì khoảng 30% mặt hàng thực phẩm trong chuỗi cửa hàng tạp hóa của nước này đã phải nhập khẩu. Đồng forint của Hungary suy yếu hơn 40% so với đồng đô la Mỹ và hơn 20% so với đồng Euro vào năm ngoái, khiến chi phí nhập khẩu tăng mạnh. Vì vậy, giá bán ra khỏi kệ cao hơn rất nhiều.

"Điều này đơn giản hiểu là chi phí tăng thêm cho các nhà cung cấp, mà cuối cùng họ cố gắng chuyển sang người tiêu dùng", nhà kinh tế học cho biết.

Đến hiện tại, giá thực phẩm của Hungary đã có dấu hiệu chậm lại, giảm tới 3 điểm so với mức cao nhất vào tháng 12 là gần 50% nhưng vẫn không ăn thua. Ông Ian Mitchell, nhà kinh tế và đồng giám đốc chương trình Châu Âu tại Trung tâm Phát triển toàn cầu có trụ sở tại London cho biết Hungary, Ba Lan, Slovakia và Bulgaria gần đây đã cấm nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine trong bối cảnh dư cung đồng thời vô tình gây thiệt hại cho nông dân địa phương, có thể đẩy lạm phát lương thực lên cao hơn nữa. Ông Virovacz cũng cho biết mọi người đang chi tiêu ít hơn khi sức mua và tiền tiết kiệm của họ bị xói mòn, vì vậy người dân sẽ không sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho bánh mì và thực phẩm khác sản xuất tại địa phương.

"Chúng ta đã đạt đến thời điểm: giá cả tăng cao và nguồn dự trữ hộ gia đình cạn kiệt đến mức mọi người thực sự bắt đầu phải thắt lưng buộc bụng và tiêu dùng ít đi", ông Virovacz nhận định./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ