• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khó cưỡng thị trường vũ khí Ấn Độ, Nga- Mỹ đua tranh khốc liệt

Thế giới 01/07/2017 20:39

(Tổ Quốc) - Cuộc chiến giành thị trường Ấn Độ giữa các ông lớn về xuất khẩu vũ khí đang leo thang, và Nga không có ý định từ bỏ vị thế.

Trong những tuần gần đây, Ấn Độ đã nhận được một loạt các đề xuất từ Nga và Mỹ về việc các hệ thống vũ khí mới. Cây viết của RIA Novosti Ilya Plekhanov nói rằng cuộc chiến giành thị trường Ấn Độ giữa các ông lớn về xuất khẩu vũ khí đang leo thang, và Nga không có ý định từ bỏ vị thế của mình trong thị trường khổng lồ và lãi lớn này.

Theo báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Ấn Độ đã trở thành nước nhập khẩu vũ khí số một thế giới, chiếm 13% tổng lượng vũ khí bán ra từ năm 2012 đến năm 2016. Khoảng 68% lượng hàng nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ đến từ Nga , theo sau là Mỹ với 14% - hiện đang tìm cách mở rộng.

Nga lâu nay vẫn là ông lớn hàng đầu trong việc cung cấp vũ khí cho thị trường Ấn Độ. (Nguồn: Sputnik)

Và nhằm đa dạng hóa các nhà cung cấp trong những năm gần đây, Delhi cũng mở rộng quan hệ quân sự với Israel, Pháp, Tây Ban Nha và Hàn Quốc.

Đầu năm nay, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã cam kết dành 250 tỷ USD cho chương trình hiện đại hóa quân sự tham vọng cho tới năm 2025. Nói cách khác, nhà phân tích nói rằng Nga chắc chắn có một thị trường đáng bảo vệ ở Ấn Độ.

Ông lớn truyền thống Nga

Tuần trước, trước thềm chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Mỹ, Bộ trưởng Tài chính và Quốc phòng Ấn Độ Arun Jaitley đã bay tới Moscow để tiến hành các cuộc đàm phán hoàn thiện các hợp đồng vũ khí trị giá hơn 10,5 tỷ USD và bổ sung thêm danh mục các mặt hàng trị giá 4 tỷ USD công ty Rosoboronexport của Nga đã có với nước này.

Trong tuần này, các phương tiện truyền thông Ấn Độ cũng cho biết rằng Nga đã chuẩn bị cung cấp cho Ấn Độ các máy bay chiến đấu đa chức năng thế hệ 4 MiG-35. Động thái này có vai trò quan trọng, theo các nhà quan sát, do thỏa thuận liên kết giữa Delhi và Washington về sản xuất máy bay tiêm kích F-16 ở Ấn Độ không được đề cập trong tuyên bố chung được công bố sau cuộc gặp giữa ông Modi và Tổng thống Trump – điều cho thấy có thể có trở ngại trong vấn đề này.

Theo các phương tiện truyền thông Ấn Độ, Nga đã đưa ra đề xuất cung cấp cho Ấn Độ máy bay MiG-35 ngay sau khi đàm phán với Bangladesh về loại vũ khí này từ hồi tháng Tư. Dhaka đang cân nhắc mua tám chiếc MiG-35 với giá khoảng 46 triệu USD.

Tuần trước, Tổng giám đốc Tập đoàn MiG Ilya Tarasenko nói với các phóng viên rằng công ty của ông coi MiG-35 là một giải pháp thay thế tuyệt vời đối với các sản phẩm cải tiến thế hệ thứ tư và thứ năm của các đối thủ nước ngoài. Theo ông, điều này phần lớn là do MiG luôn chủ động trong việc phát triển cơ sở hạ tầng dịch vụ cần thiết cũng như sự sẵn sàng của họ trong việc nội địa hóa sản phẩm (tại các nước đối tác) trong trường hợp các hợp đồng lớn được ký kết.

Các công ty quốc phòng Nga cũng có nhiều kế hoạch lớn cho thị trường Ấn Độ. Ngoài MiG-35, Nga đang tìm cách cung cấp cho Ấn Độ hệ thống phòng không S-400, lên đến 200 máy bay trực thăng Ka-226T, các máy bay trực thăng đa chức năng 48 Mi-17, hai máy bay AWEWS Beriev A-50 và bốn tàu khu trục cỡ nhỏ lớp Đô đốc Grigorovich. Moscow được cho là cũng đang đàm phán về việc hiện đại hóa đội máy bay  của Ấn Độ - gồm các máy bay Su-30MKI và MiG-29K bằng cách vũ trang các tên lửa không đối không mới và có tầm bắn xa hơn.

Các dự án khác có thể bao gồm một chương trình liên kết chung để phát triển phiên bản máy bay chiến đấu đa năng T-50 thế hệ thứ 5 của Ấn Độ, và cho Delhi thuê một chiếc tàu ngầm lớp Akula.

Cạnh tranh khốc liệt

Trong khi đó, phía Mỹ cũng đang nỗ lực để tiến sâu hơn vào thị trường Ấn Độ với sự ủng hộ của Nhà Trắng. Ngày 29/6, Nhà Trắng đã xúc tiến việc bán hơn 2 tỷ USD máy bay quân sự cho Delhi (một thỏa thuận vẫn cần được Quốc hội thông qua để đi vào thực hiện). Các cuộc đàm phán cũng đang được tiến hành về việc bán các trực thăng vận tải C-17 và trực thăng tấn công Ah-64 Apache cho Ấn Độ.

"Cuộc cạnh tranh đang diễn ra rất khốc liệt," Ilya Plekhanov nhấn mạnh. "Đã có một số lĩnh vực Nga buộc phải nhường bước cho các đối thủ cạnh tranh, không chỉ từ Mỹ, ví dụ, Ấn Độ đã chọn Pháp để cung cấp tàu ngầm và máy bay. Hợp đồng trị giá 8,8 tỷ USD đã được ký kết về 36 máy bay chiến đấu Dassault Rafale và một chiếc tàu ngầm lớp Scorpene. "

Đối với Hoa Kỳ, họ đã bước vào thị trường vũ khí của Ấn Độ một cách mạnh mẽ chỉ từ năm 2013, Plekhanov nhắc lại, với một thỏa thuận được thảo luận rất nhiều trị giá 2 tỷ USD. "Trong năm năm trước đó, tổng doanh thu vũ khí của Mỹ từ Ấn Độ chỉ ước tính trong hàng trăm triệu USD", nhà quan sát này ghi nhận.

Trong thập kỷ qua, Ấn Độ đã mua tổng cộng khoảng 15 tỷ USD vũ khí Mỹ, bao gồm máy bay trực thăng vận tải Chinook, máy bay tuần tra P-8 Poseidon, máy bay vận tải C-130 Hercules  và Globemaster C-130 Hercules và C-17 Globemaster cùng với máy bay trinh sát Gulfstream-3.

Đầu tháng này, ông chủ Lầu Năm Góc Jim Mattis chia sẻ rằng Ấn Độ là một đối tác quan trọng của Hoa Kỳ trong lĩnh vực quốc phòng; đồng thời, trong cuộc gặp với ông Modi, ông Trump đã đánh giá cao Ấn Độ về việc mua vũ khí của Mỹ và nhấn mạnh rằng mối quan hệ Ấn Độ - Mỹ "chưa từng mạnh mẽ và tốt đẹp hơn".

Bình luận về những diễn biến này, Ilya Plekhanov cho biết, địa chính trị đang đóng vai trò quan trọng trong các tính toán của Hoa Kỳ khi nước này coi việc bán nhiều vũ khí cho Ấn Độ để giúp ngăn chặn một Trung Quốc đang gia tăng hiện diện, gây áp lực lên Iran và tìm kiếm một sự thay thế đối với Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan.

Và dù vậy, vẫn có một số yếu tố mang lại lợi thế cho Nga trong cuộc chiến tại thị trường vũ khí Ấn Độ hiện nay. Những điều này bao gồm cả truyền thống hợp tác quân sự lâu dài và tốt đẹp giữa Moscow và Delhi cũng như việc một căn cứ sửa chữa và bảo trì vũ khí đã được thiết lập tại Ấn Độ với chất lượng tốt và chi phí tương đối thấp đối với vũ khí Nga.

Về lập trường của ngành công nghiệp quốc phòng Nga đối với cuộc cạnh tranh mạnh mẽ từ Mỹ, người đứng đầu Tập đoàn MiG Ilya Tarasenko tuần trước cũng nói với Reuters rằng , Nga không e sợ cạnh tranh từ Mỹ vào thị trường vũ khí Ấn Độ. MiG, ông nhớ lại, có lịch sử hợp tác với Ấn Độ kéo dài hơn 50 năm. Và Nga, ông lưu ý, nhìn nhận những nỗ lực của các bên khác trong việc tiến vào thị trường Ấn Độ là một cách để hiểu rõ và đáp ứng tốt hơn nhu cầu quốc phòng của Delhi.

(Theo Sputnik)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ