• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khó đi con đường vũ khí Mỹ, Đài Loan tìm cách tự lực

Thế giới 14/05/2018 20:25

(Tổ Quốc) - Đài Loan đang tìm cách đẩy mạnh ngành công nghiệp quốc phòng trong bối cảnh đối mặt với sự hiện diện gia tăng của Trung Quốc và sự miễn cưỡng của các nhà cung cấp vũ khí nước ngoài.

Đứng tại khuôn viên công ty của mình ở miền trung Đài Loan, Lin Nan-juh nói rằng ông có thể chế tạo bất kỳ máy bay nào mà chính quyền hòn đảo kêu gọi.

Đài Loan tự lực về vũ khí

Lin là chủ tịch của Aerospace Industrial Development Corp- AIDC, một công ty hàng đầu trong ngành công nghiệp quốc phòng Đài Loan. Trung Quốc lâu nay luôn tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của mình và cảnh báo có thể sử dụng vũ lực để sáp nhập khi cần thiết.

Câu trả lời của ông Lin là một tuyên bố táo bạo có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của Đài Loan khi họ tìm cách đẩy mạnh ngành công nghiệp quốc phòng của hòn đảo, trong bối cảnh đối mặt với sự hiện diện gia tăng của Trung Quốc và sự miễn cưỡng của các nhà cung cấp vũ khí nước ngoài về máy bay, tàu chiến, tàu ngầm và các phương tiện vũ khí khác.

Trong khi Mỹ - có ràng buộc về mặt pháp lí phải bảo vệ Đài Loan – hiện tiếp tục là nhà cung cấp vũ khí chính cho hòn đảo này, nhưng chính quyền Đài Loan vẫn đang tìm kiếm những thỏa thuận nhanh chóng và tránh nhạy cảm chính trị với các đơn vị sản xuất trong nước đáng tin cậy và có công nghệ tiên tiến.

Các hệ thống vũ khí được nội địa hóa của Đài Loan là "một niềm tự hào và một sản phẩm cần thiết", David An, một nhà nghiên cứu cấp cao của Viện nghiên cứu Đài Loan toàn cầu – có trụ sở tại Washington cho biết. "Như điều vẫn thường nói, tính cần thiết là khởi nguồn của các sáng chế."

Chính sách tự lực về quốc phòng này đã được nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn thúc đẩy. Quốc phòng được đưa vào chương trình phát triển kinh tế của bà Thái  - nhắm vào tám ngành công nghiệp cần đổi mới và tạo ra việc làm. Chính phủ sẽ đưa ra các yêu cầu quốc phòng phù hợp với năng lực của các công ty Đài Loan.

Sức mạnh Trung Quốc gia tăng

Trong khi đó, nhiều động thái gần đây của Trung Quốc đã khiến Đài Loan ngày càng lo ngại.

Máy bay Trung Quốc và Đài Loan áp sát nhau trên bầu trời eo biển Luzon. (Nguồn: AP)

Bắc Kinh đã gây áp lực lên hòn đảo này bằng cách cắt giảm các mối quan hệ ngoại giao hiện có của Đài Loan, triển khai các máy bay quân sự và một tàu sân bay nhiều lần tiến sát hòn đảo này. Trung Quốc hiện có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ và đang gia tăng đáng kể khả năng phong tỏa, tấn công và có thể tiếp cận Đài Loan.

Ông Mei Fu-shing, giám đốc Trung tâm phân tích an ninh Đài Loan, một tổ chức nghiên cứu và tham vấn có trụ sở tại New York, cho biết việc thích ứng và phát triển công nghệ nước ngoài đã mang lại cho các công ty như AIDC hầu hết những gì họ cần để phát triển và giúp hòn đảo giữ được quan hệ hòa bình với Trung Quốc đại lục.

"Các vũ khí được sản xuất và phát triển nội địa đã đóng góp về mặt cơ sở đối với việc ngăn chặn (xung đột) tại eo biển Đài Loan trong ba - bốn thập kỷ qua," Mei nói.

Năng lực của Đài Loan đã cải thiện về chất lượng và kỹ thuật hiện đại, theo chuyên gia Mei, chỉ ra việc sản xuất tên lửa không đối không như một ví dụ. "Ngành công nghiệp quốc phòng của Đài Loan rõ ràng đã phát triển," làm cho họ ít phụ thuộc hơn vào nguồn nước ngoài.

Cùng với các các hành động phản đối từ Bắc Kinh, ví dụ như khi Lầu Năm Góc đề xuất bán gói vũ khí trị giá 6.4 triệu USD cho Đài Loan vào tháng 1/ 2010 thì Trung Quốc ngưng trao đổi quân sự cấp cao với Mỹ trong khoảng một năm, doanh số bán vũ khí của Washington tới hòn đảo này cũng đang bị hạn chế bởi lo ngại về sự rò rỉ các công nghệ tiên tiến nhạy cảm từ Đài Loan sang Trung Quốc.

Tiếp cận công nghệ vũ khí cao từ Mỹ

Mặc dù vậy, các thương vụ liên quan tới vũ khí vẫn được tiếp tục, khi chính quyền Trump năm ngoái thông báo cho Quốc hội về ý định phê duyệt 7 đề xuất hỗ trợ kỹ thuật, tên lửa chống phóng xạ, ngư lôi và các công nghệ khác cho Đài Loan trị giá khoảng 1,42 tỷ USD.

Và tháng trước, chính quyền Mỹ cũng đã đồng ý cho phép các công ty Hoa Kỳ bán công nghệ chế tạo tàu ngầm cho Đài Loan. Hải quân hòn đảo này hiện chỉ hoạt động hai tàu cũ mua từ Hà Lan vào những năm 1980.

Các nhà phân tích cho rằng việc bán những công nghệ trên sẽ ít có khả năng thúc đẩy một phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc hơn là việc bán các hệ thống hoàn chỉnh như máy bay hoặc tàu ngầm.

Cùng với tiêm kích và các loại máy bay khác, các nhà thầu Đài Loan đang chế tạo các tên lửa chống tàu, đất đối không và không đối không, cũng như các tàu có tên lửa và các xe bọc thép Clouded Leopard. Đài Loan từ lâu đã nổi tiếng toàn thế giới về ngành công nghiệp công nghệ cao dân sự và hiện có khoảng 200 công ty vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng.

Dù đạt được những tiến bộ ra sao, Đài Loan sẽ không bao giờ từ bỏ việc mua vũ khí tiên tiến từ các nước khác, theo phát ngôn viên cơ quan quốc phòng Đài Loan Chen Chung-chi. Hệ thống và động cơ đẩy cho tàu và máy bay là một yêu cầu đặc biệt cần thiết, và Đài Loan đôi khi thấy rằng chi phí nhập khẩu thấp hơn so với sản xuất nội địa.

Tuy nhiên, các thương vụ như vậy có nguy cơ bị sử dụng như những con bài mặc cả để (Mỹ) có được sự nhượng bộ từ Bắc Kinh, đặc biệt là về thương mại. Các quan chức ở Washington chỉ có thể giúp quân đội Đài Loan một lần nữa khi họ thấy hòn đảo này suy giảm sức mạnh, Alexander Huang, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Tamkang ở Đài Loan cho biết.

"Đài Loan lo ngại rằng có thể có một thời gian mà chúng tôi không thể mua hệ thống vũ khí mà chúng tôi muốn, vì vậy cách tốt hơn là xây dựng sức mạnh công nghiệp quốc phòng nội địa của mình", Huang nói.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ