(Tổ Quốc) - Có chín quốc gia trên thế giới được biết là có kho vũ khí hạt nhân: Nga, Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Vương quốc Anh, Pakistan, Ấn Độ, Israel và Triều Tiên.
Có chín quốc gia trên thế giới được biết là có kho vũ khí hạt nhân: Nga, Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Vương quốc Anh, Pakistan, Ấn Độ, Israel và Triều Tiên.
Biểu đồ dưới đây, thông qua Statista, cho thấy ước tính số lượng vũ khí hạt nhân của chín nước đang có, sử dụng dữ liệu từ Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ.
Nga dẫn đầu thế giới với 6.800 đầu đạn. Mỹ đứng thứ hai với 6.600 đầu đạn. Ở vị trí thứ ba, với số lượng ít hơn đáng kể, là Pháp ở mức 300. Tiếp theo là Trung Quốc với 270 đầu đạn, sau đó là Vương quốc Anh với 215, Pakistan có 140, Ấn Độ 130, Israel 80 và Triều Tiên ước tính có 20 đầu đạn.
Con đường hạt nhân leo thang
Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, khi Mỹ trở thành nước đầu tiên và duy nhất sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến trận— với hai quả bom hydro rơi xuống Nhật Bản tại Hiroshima và Nagasaki thì Liên Xô đã có được khả năng tương tự thông qua nghiên cứu riêng của mình.
Cuộc Chiến tranh Lạnh tiếp sau đó đã kích hoạt một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân giữa hai cường quốc của thế giới với học thuyết "đảm bảo hủy diệt lẫn nhau" (MAD). Đây là một học thuyết răn đe dựa trên việc mỗi bên có một kho vũ khí hạt nhân với quy mô “tận thế”- điều tạo nên một tình thế bế tắc bởi vì không bên nào có thể giành chiến thắng trong một cuộc chiến hạt nhân. Vũ khí hạt nhân tăng nhanh khi những quốc gia khác tiến hành nghiên cứu riêng của họ trước khi luật pháp quốc tế được xây dựng để ngăn chặn hoặc cản trở tiến trình này.
Năm 1968, sáu năm sau khi cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba gần như gây ra một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Hoa Kỳ và Liên Xô, Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) đã đạt được sự nhất trí.
Hai năm sau, văn bản này đã được phê chuẩn. Nội dung hiệp ước quy định rằng các bên ký kết — trong đó có Hoa Kỳ, Liên Xô, Anh, Pháp, Trung Quốc và các nước khác - không được lan truyền vũ khí hạt nhân bằng cách chia sẻ chúng và cả các công thức khoa học đằng sau sự phát triển của chúng, đồng thời bản thân họ cũng phải giảm thiểu kho vũ khí hạt nhân của mình.
Hiện nay có 190 nước ký kết hiệp ước này. Triều Tiên hiện không phải là thành viên của NPT sau khi rút lui vào năm 2003 để theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân của mình. Bình Nhưỡng trước đó tham gia NPT vào năm 1985. Các bên có mặt trong danh sách 9 cường quốc hạt nhân mà không tham gia NPT là Ấn Độ, Israel và Pakistan. Israel không tuyên bố mình là một cường quốc hạt nhân và họ đang áp dụng chính sách mơ hồ về vấn đề này.
Theo một bài báo có tên là “Bản tóm tắt vũ khí hạt nhân toàn cầu, 1945–2010”, được công bố trên tạp chí Bulletin of the Scientic Scientists, kho dự trữ hạt nhân của Mỹ đạt đỉnh điểm vào năm 1967 tại 31.255 đầu đạn trước khi bắt đầu cắt giảm. Kho dự trữ hạt nhân của Liên Xô đạt mức 45.000 đầu đạn vào năm 1986 trước khi giảm mạnh vào thời điểm Chiến tranh Lạnh kết thúc và Nga theo đuổi tiến trình giải trừ vũ khí.
Yếu tố Mỹ khó đoán trước các thế lực hạt nhân
Iran đã bị cáo buộc có tham vọng phát triển một kho vũ khí hạt nhân, mặc dù họ là một bên ký kết Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân. Tehran được cho là đã tiến hành nghiên cứu về hạt nhân cho đến bước cuối cùng mặc dù họ tuyên bố chỉ muốn tiếp cận sức mạnh hạt nhân dân sự.
Sau đó nước này đã kí kết thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 với nhóm các cường quốc P5+1, bao gồm Mỹ, từ bỏ nghiên cứu vũ khí hạt nhân và cho phép các thanh tra viên xác minh quá trình giải trừ vũ khí của mình, đổi lại, cộng đồng quốc tế sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế với họ.
Thỏa thuận này – có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động toàn diện chung JCPOA- hiện đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ sau khi Tổng thống Trump rút Mỹ ra khỏi hiệp ước này.
Trong khi đẩy JCPOA vào tình cảnh nguy hiểm, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại vừa có một tác động lớn tới câu lạc bộ 9 cường quốc hạt nhân. Nhóm 9 quốc gia hạt nhân có thể sớm trở thành 8 sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tái khẳng định trong một thỏa thuận với Tổng thống Donald Trump về một cam kết lâu dài sẽ "phi hạt nhân hóa hoàn toàn" tại một cuộc hội đàm lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo.
Ông Kim đã cam kết sẽ đóng băng chương trình thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng- điều trước đó đã dẫn đến việc phát triển một tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng phóng một đầu đạn hạt nhân tới lục địa Mỹ. Đổi lại, Washington sẽ ngăn chặn dừng các cuộc tập trận chung với đồng minh Hàn Quốc.
Giới chuyên gia hiện đang theo dõi xem Mỹ sẽ thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa như thế nào và đang chờ đợi là hành động tiếp theo của cả các nhà lãnh đạo Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên để đem lại một kết cục có hậu và không thể đảo ngược cho bán đảo Triều Tiên.