• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khó truy trách nhiệm cá nhân để bộ máy “phình“?

Thời sự 30/10/2017 21:42

(Tổ Quốc) -Tiếp theo mạch thảo luận sôi nổi, thẳng thắn sáng nay,  buổi chiều, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về Báo cáo giám sát cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016. Theo lịch trình, chiều 24/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về báo cáo giám sát này.

Truy trách nhiệm: Khó

Đại biểu Nguyễn Thái Học, Phú Yên cho rằng, báo cáo giám sát chỉ nêu trách nhiệm tập thể chứ không nêu rõ trách nhiệm của các cá nhân trong việc “phình” bộ máy.

Theo đại biểu này, Quốc hội đã yêu cầu khi giám sát phải chỉ rõ trách nhiệm cá nhân. Cá nhân nào không sử dụng đúng số lượng biên chế thì phải kiểm điểm trách nhiệm mới đảm bảo hiệu quả, hiệu lực của giám sát.

Theo tôi, trong nghị quyết của Quốc hội về báo cáo giám sát phải nêu rõ tập thể nào làm tốt thì cần nhân rộng, còn làm chưa tốt thì phải kỷ luật” – Đại biểu Học cho hay.

Đồng tình với đại biểu Học, Đại biểu Quốc hội đoàn TP HCM , Trương Trọng Nghĩa cho biết, báo cáo giám sát phải quy trách nhiệm rõ ràng, không chung chung.

Đại biểu Lê Thanh Vân chiều nay đề xuất thành lập Ban chỉ đạo về vấn đề cải cách tổ chức bộ máy. Ảnh: Nam Nguyễn

Tuy vậy, theo Đại biểu Lê Thanh Vân, đoàn Đại biểu Quốc hội Cà Mau, đồng thời là thành viên của đoàn giám sát thì giải thích trong báo cáo đã nêu trách nhiệm cá nhân, tập thể.

“Tôi chia sẻ với đại biểu Nguyễn Thái Học, đó là chưa chỉ dẫn đích danh ai thôi, mà cái này xác định rất khó", Đại biểu Lê Thanh Vân cho hay.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang - Đắk Nông, thành viên đoàn Giám sát cho biết: "theo kiến nghị của Chính phủ, để đảm bảo sự linh hoạt trong công tác điều hành thì đến Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 tại khoản 2 Điều 39 Quốc hội đã quyết định riêng đối với chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bên trong của các bộ giao cho Chính phủ quy định và trên thực tế Chính phủ đã ban hành các nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ cũng như cơ cấu tổ chức bên trong của các bộ. Vấn đề này đã giao cho Chính phủ quy định rồi thì Chính phủ phải ban hành các nghị định và qua giám sát Luật Tổ chức Chính phủ, Quốc hội hoàn toàn có quyền yêu cầu Chính phủ trong lĩnh vực này cần thành lập một bộ phận như thế này, chứ không phải là khi chúng ta thấy thiếu chúng ta đưa vào. Tôi cho rằng vấn đề đã giao Chính phủ rồi tại sao Quốc hội lại quy định nữa, ở đây có phải là một việc mà hai người làm không".

Theo quan điểm của vị đại biểu này, Báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội chỉ có thể đưa ra được những nguyên nhân căn bản nhất, chủ yếu nhất, làm cơ sở cho việc xác định lại và cấu trúc lại hệ thống hành chính Nhà nước, như vậy là đủ.

“Còn những nguyên nhân, tuy là một thành viên đoàn giám sát, tôi đã đóng góp rất nhiều ý kiến về bố cục nội dung nhưng tôi thấy cũng có nhiều vấn đề cần phải tiếp tục làm rõ”- Đại biểu Lê Thanh Vân nói.

Nồi cơm Thạch Sanh khó nuôi nổi nền hành chính cồng kềnh

Đóng góp cho báo cáo giám sát, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa còn đưa ra vấn đề cần tách quản lý nhà nước ra khỏi quản lý kinh tế. “Các bộ điều động nhân sự trực tiếp, đang từ bộ chuyển về tập đoàn, từ tập đoàn về bộ, chuyển cả về địa phương, Quốc hội… Việc này không đúng tinh thần nghị quyết của Đảng”- ông Nghĩa nói.

Còn Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Văn phòng Quốc hội Nguyễn Minh Sơn thì cho rằng, ngân sách nhà nước như cái bánh, nên dù muốn tăng tỉ trọng cho đầu tư phát triển thì chi cho hành chính sự nghiệp lại thiếu.

“Sau 40 năm thống nhất đất nước, hơn 30 năm đổi mới toàn diện nhưng cái bánh ngân sách dù có trở thành nồi cơm của Thạch Sanh cũng khó bao bọc nổi nền hành chính cồng kềnh như hiện nay”- ông Sơn nói.

Đưa ra giải pháp, Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, do chúng ta chưa xây dựng được thể chế nhân sự làm công thức cho đánh giá, tuyển chọn cán bộ.

“Chúng ta không đo đếm được số lượng và càng không thể đong đếm được chất lượng dẫn tới cán bộ đông và chất lượng thì kém. Đội ngũ cán bộ còn yếu trong việc tuyển chọn nên có nhiều phát ngôn gây sốc như “xây dựng nghĩa trang là để phát triển bền vững…”. Ngày xưa, các cụ chọn quan lại là “tinh thông thiên địa, thấu hiểu nhân tâm” để dẫn dắt cho tập thể, tạo cảm hứng cho tập thể đi theo. Cán bộ là gốc rễ mọi vấn đề, chế độ công vụ, đãi ngộ thì chưa thỏa đáng”- Đại biểu Lê Thanh Vân nói.

Vị đại biểu này cũng đề nghị thành lập Ban chỉ đạo Trung ương để thực hiện các nghị quyết về đổi mới tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, nhà nước.

Trước đề nghị trên, nhiều đại biểu đã bật cười vì cho rằng đang cần giảm đầu mối các cơ quan, tổ chức, nhưng Đại biểu Lê Thanh Vân nói, “tổ chức đó giống như Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng thời gian qua đã làm rất xuất sắc. Cần một ban chỉ đạo đủ tầm để chấn hưng”./.

Thái Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ