(Tổ Quốc) - Gói kích thích cứu trợ kinh tế của châu Âu vẫn chưa đi vào hoạt động do những bất đồng ngay trong nội khối.
CNN nhận định, đứng trước cú sốc kinh tế tồi tệ nhất kể từ Đại Suy thoái, năng lực hồi phục của châu Âu đang đối mặt với nhiều thách thức do phải tái mở ra những "vết thương" cũ về cả chính trị và pháp lý, có khả năng đe dọa tới hàng nghìn tỷ euro tiền kích thích cứu trợ.
Hôm thứ ba (5/5), Ủy ban châu Âu cảnh báo, nền kinh tế Liên minh châu Âu sẽ sụt giảm mức kỷ lục là 7,5% trong năm 2020. Đà lao dốc thậm chí sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa tại 19 quốc gia đang sử dụng đồng tiền chung euro.
Mức giảm trên lớn hơn nhiều so với những gì mà khu vực từng phải trải qua sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, đồng thời bi quan hơn dự đoán được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra vào 3 tuần trước.
Giá cả tiêu dùng được cho là sẽ giảm đáng kể, trong khi các khoản chi tiêu cho loạt biện pháp đối phó với virus corona mới sẽ đẩy thâm hụt ngân sách của các chính phủ châu Âu từ chỉ 0,6% GDP năm 2019 lên tới khoảng 8,5% trong năm nay. Ủy ban châu Âu tính toán, tỷ lệ thất nghiệp tại châu Âu sẽ tăng từ 6,7% (năm 2019) lên 9% trong năm 2020.
"Châu Âu đang trải qua một cú sốc kinh tế chưa có tiền lệ kể từ Đại Suy thoái. Cả mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng và khả năng phục hồi sẽ không cân bằng, phụ thuộc vào tốc độ các lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, tầm quan trọng của các dịch vụ như du lịch tại mỗi nền kinh tế và vào nguồn lực tài chính của mỗi nước", Ủy viên kinh tế châu Âu Paolo Gentiloni phát biểu.
Theo một số quan chức EU, thiệt hại nhiều khả năng còn tồi tệ hơn dự đoán. Họ cũng cảnh báo về một "đại dịch nghiêm trọng và kéo dài hơn có thể tạo ra sự tuột dốc GDP lớn hơn rất nhiều so với những gì đã tính toán". Do đó, điều cần thiết là phải có "một chiến lược phục hồi chung đúng thời điểm và đủ mạnh" ở mức độ toàn EU, nhằm tránh "sự thiếu rõ ràng gay gắt" trong nội bộ khối thị trường chung.
Tuy nhiên, nói dễ hơn làm. CNN cho rằng, mặc dù các nước thành viên EU đã đạt được một đồng thuận chung về tính cần thiết phải cứu trợ khẩn cấp; nhưng những chia rẽ đang tồn tại gần như chắc chắn sẽ làm trì hoãn việc thực thi các nỗ lực hồi phục chính. Bên cạnh đó, một quyết định pháp lý mang tính cột mốc tại Đức vào đầu tuần này, có thể tạo ra những ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng sử dụng các công cụ kích thích chủ chốt của Ngân hàng Trung ương châu Âu.
Chi tiêu! Nhưng bằng cách nào và khi nào?
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã ký kết một loạt các biện pháp giải cứu ngay lập tức trị giá ít nhất 500 tỷ euro. Gói cứu viện bao gồm trợ cấp lương với mục đích ngăn cản tình trạng cho nghỉ việc hàng loạt, cũng như các khoản vay cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, chia rẽ sâu sắc giữa các nước thành viên đã khiến các quan chức EU không đạt được tiến triển nhanh chóng cho một ngân sách hồi phục có giá trị lớn hơn. Ủy ban châu Âu hy vọng sẽ kêu gọi được ít nhất 1 nghìn tỷ euro nhằm tái thiết các nền kinh tế khu vực đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel từng bày tỏ mong muốn gói cứu trợ trên đi vào hoạt động vào ngày 1/6. Tuy nhiên, trong tuần này, Ủy ban đã không thể hoàn tất các đề xuất về loạt biện pháp được bao gồm trong quỹ. Nó đồng nghĩa với việc sẽ có thêm ít nhất 1 tuần trì hoãn nữa. Hiện cho đến sau ngày 18/6, giới lãnh đạo EU chưa có bất kỳ lịch nhóm họp nào khác.
Các bất đồng tồn tại xung quanh việc quỹ cứu trợ nên vận hành như thế nào, đặc biệt là liệu nó nên cung cấp các khoản vay hay viện trợ cho các nước bị thiệt hại nhiều nhất trong dịch bệnh như Tây Ban Nha và Italy. Các khoản viện trợ, hay chính là chuyển tiền trực tiếp, có nghĩa là các nước sẽ phải gánh nợ chung ở một mức độ nhất định. Một số thành viên như Hà Lan, Áo và Đức kiên quyết phản đối điều này.
Thách thức từ Đức
Ngày 5/5, tòa án tối cao của Đức đã ra một quyết định có thể ngăn cản Ngân hàng Trung ương Đức mua trái phiếu theo như chương trình kích thích của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). ECB giờ đây cần tới 3 tháng để thay đổi chương trình.
Mặc dù phán quyết của tòa án Đức không ảnh hưởng trực tiếp tới kế hoạch của ECB thu mua 750 triệu trái phiếu chính phủ và các tài sản khác để đối phó với đại dịch, nhưng nó vẫn ảnh hưởng tới khả năng mở rộng các biện pháp tương tự giúp kết nối các nền kinh tế cùng sử dụng đồng euro. Các chuyên gia kinh tế tỏ ra không lạc quan về một tác động trong dài hạn.
"Nếu ECB phải giảm các tài sản thu mua do vấp phải các giới hạn mà tòa án Đức đã nhấn mạnh, hoặc nếu việc Ngân hàng Trung ương Đức bị buộc phải rút khỏi các hoạt động mua bán trong 3 tháng và tạo ra một sự hỗn loạn tài chính, kết quả có thể là một cuộc khủng hoảng sâu rộng hơn tại Đức và cả khu vực đồng tiền chung euro", trưởng kinh tế của ngân hàng Berenberg, ông Holger Schmieding nhận định.
Cũng trong ngày 5/5, ECB đã đưa ra một thông cáo phản ứng trước quyết định của tòa án Đức, trong đó nhấn mạnh, Tòa án Công lý châu Âu từng xác nhận, các nỗ lực kích thích kinh tế của ECB là đúng pháp lý.
"Việc hai tòa án hàng đầu châu Âu đang tranh cãi về tính pháp lý của việc mua trái phiếu giữ một đại dịch, đã đem tới sự bất an không cần thiết cho thị trường và không hề giúp thúc đẩy tự tin", ông Kit Juckes, chiến lược gia của công ty đầu tư đa quốc gia Societe Generale đánh giá.
Phán quyết cũng sẽ tạo ra thêm nhiều thách thức pháp lý tới các chương trình của ngân hàng trung ương, bao gồm mua trái phiếu liên quan tới đại dịch. Điều đó cũng sẽ đặt thêm nhiều áp lực cho các nước thành viên EU để có thể đi tới đồng thuận cho một gói các biện pháp tài khóa thỏa mãn tất cả các bên.
"ECB không thể mãi mãi là yếu tố duy nhất trong cuộc chơi, các chính phủ cần phải tăng tốc", các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư BofA Global Research nhận xét.