(Tổ Quốc) - Xã Hồng Vân, huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) đang đề ra nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, động viên các hộ thoát nghèo bền vững, quyết tâm giảm tỷ lệ hộ nghèo theo lộ trình đã xây dựng.
Hồng Vân là một xã biên giới thuộc huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế). Toàn xã có 5 thôn, 9 cụm dân cư; với 949 hộ/3.305 khẩu, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 97% dân số trong xã.
Vừa qua, tại buổi làm việc với đoàn công tác Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, ông Hồ Xuân Vinh, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân cho biết, qua điều tra, rà soát năm 2022, hộ nghèo của xã Hồng Vân có 517 hộ/3.286 khẩu, chiếm tỷ lệ 54,47%; hộ cận nghèo 133 hộ, chiếm tỷ lệ 14%. Công tác giảm nghèo tại địa phương này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao.
Thời gian qua, sau khi tiếp thu Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 3/11/2021 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế; Nghị quyết số 11-NQ/HU, ngày 24/3/2022 của Huyện ủy A Lưới, Đảng ủy xã Hồng Vân đã xây dựng và ban hành Nghị quyết số 21-NQ/ĐU, ngày 25/4/2022 về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025.
Cùng với đó, Đảng ủy đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) giảm nghèo bền vững, đề ra những giải pháp, hỗ trợ, động viên các hộ thoát nghèo bền vững, quyết tâm giảm tỷ lệ hộ nghèo theo lộ trình đã xây dựng; phân công các thành viên trong BCĐ phụ trách từng thôn để trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, giúp đỡ các hộ thoát nghèo theo lộ trình; thành lập các tổ trực tiếp kiểm tra, rà soát việc thực hiện công tác giảm nghèo tại các thôn…
Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị - xã hội xã đã nhận hợp đồng ủy thác từ Ngân hàng chính sách xã hội phối hợp, rà soát và giải ngân cho vay đảm bảo đúng đối tượng trên toàn địa bàn xã, nhằm giải quyết việc làm và phục vụ sản xuất.
Địa phương cũng xác định phương thức giảm nghèo theo địa chỉ từng hộ thuộc diện hộ nghèo với quan điểm: "xác định rõ nguyên nhân nghèo và có phương án thoát nghèo theo địa chỉ cụ thể cho từng hộ gia đình". Thường xuyên rà soát, đánh giá lại thực trạng hộ nghèo, xác định nguyên nhân nghèo để có giải pháp hỗ trợ theo hướng rõ địa chỉ, tiêu chí thiếu hụt của từng hộ nghèo. Trong đó rà soát, thẩm định, đánh giá đúng thực trạng của từng hộ.
Phân bổ chỉ tiêu giảm nghèo theo giai đoạn và hằng năm đến các thôn, gắn với việc phân công các ban ngành, cá nhân phụ trách, theo dõi hỗ trợ triển khai các giải pháp giảm nghèo đối với từng hộ cụ thể.
Bên cạnh đó, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm; lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới thông qua các mô hình sản xuất, sinh kế phù hợp; nguồn hỗ trợ qua kênh của UBMT và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, cá nhân; các nguồn vốn vay ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; địa chỉ nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ xã...
Qua đó, xã Hồng Vân phấn đấu đến cuối năm 2023 số hộ nghèo tại xã còn 440 hộ, tỉ lệ 46,36% (giảm 77 hộ so với năm 2022); cuối năm 2025 còn lại 213 hộ nghèo, tỷ lệ 22,44%.
Trao đổi ý kiến tại buổi làm việc, các Bí thư chi bộ, trưởng thôn tại xã Hồng Vân đã nêu lên những khó khăn cũng như các kiến nghị, đề xuất trong thực tiễn công tác liên quan đến công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới...
Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đánh giá cao những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền xã Hồng Vân trong thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh, thời gian tới cần có quyết tâm, vươn tới phát triển kinh tế, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu và thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 11 của Tỉnh ủy và Huyện ủy về giảm nghèo bền vững gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Hồng Vân khóa XIII.
Đảng ủy xã Hồng Vân cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, ý thức trách nhiệm về công tác giảm nghèo bền vững. Khơi dậy ý chí của người dân chủ động vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Huy động các nguồn lực đang có, tận dụng hiệu quả các nguồn lực của các chương trình mục tiêu quốc gia.
Nhiệm vụ quan trọng của xã Hồng Vân phải tập trung giảm tỷ lệ hộ nghèo, giữ vững an ninh chính trị của xã vùng biên, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, phát triển kinh tế xã hội, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện A Lưới, đưa A Lưới thoát khỏi 74 huyện nghèo của cả nước.