(Tổ Quốc) - Trong báo cáo gần đây về xóa đói giảm nghèo, Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đã đưa ra một số kinh nghiệm tốt Việt Nam có thể học hỏi từ quốc tế.
Theo UNDP, Việt Nam đã đạt được thành công phi thường trong việc gần như xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực. Là một quốc gia có thu nhập trung bình, với khát vọng đạt được vị thế thu nhập cao trong vòng vài thập kỷ, trọng tâm của chiến lược giảm nghèo sẽ dần chuyển từ nghèo cùng cực sang các mối quan tâm khác, bao gồm khả năng rơi vào cảnh nghèo đói, các mối đe dọa mới nổi đối với phúc lợi xã hội hay thay đổi nhân khẩu học.
Để giải quyết những thách thức mới nổi này, UNDP chia sẻ một số bài học quốc tế mà Việt Nam có thể học hỏi, đầu tiên là các kinh nghiệm về hỗ trợ tài chính và nguyên liệu sản xuất.
Hỗ trợ cho một số nhóm mục tiêu và xây dựng các cơ chế quản lý
Trên thế giới có rất nhiều hình thức hỗ trợ tài chính để xóa đói giảm nghèo. Đầu tiên là hỗ trợ tiền mặt cho một số nhóm mục tiêu đang chịu cảnh nghèo cùng cực. Nhiều nước trên thế giới đã thành công với các chương trình trợ cấp xã hội bằng tiền mặt. Các chương trình chuyển tiền mặt có điều kiện như Bolsa Familia của Brazil và Prospera của Mexico đã được hoan nghênh rộng rãi là có hiệu quả để giúp tăng thu nhập cho những thành viên nghèo nhất trong xã hội. Theo các chương trình này, các khoản trợ cấp tiền mặt sẽ được đưa tới những hộ gia đình đáp ứng các yêu cầu cụ thể như sức khỏe phụ nữ và trẻ em phải được kiểm tra định kỳ và trẻ em phải được đi học. Các chương trình này tạo động lực cho các hộ gia đình đầu tư vào y tế và giáo dục, hoặc đối với các trẻ lớn hơn là đào tạo nghề để mở ra con đường thoát nghèo lâu dài.
Tiếp theo là xây dựng các cơ chế hỗ trợ và nhận tài trợ từ cộng đồng để giúp đỡ những nghèo cùng cực. Trong các chương trình như vậy ở Bangladesh và Ghana, các hộ gia đình nhận được trợ cấp, có thể bằng tiền, vật nuôi hoặc các công cụ sản xuất. Họ cũng được dạy cách sử dụng tiền, sử dụng công cụ, quản lý tài chính và kinh doanh. Các hộ này cũng thường xuyên được nhân viên xã hội, nhân viên kỹ thuật hoặc đại diện chính quyền địa phương đến thăm và hỗ trợ để đảm bảo tiền mặt và tài sản được sử dụng hợp lý. Chương trình này sẽ được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định và sau đó các hộ gia đình phát triển tốt sẽ bước vào giai đoạn tự lực vươn lên.
Hướng tới các biện pháp hỗ trợ mang tính phổ quát
Biện pháp tiếp theo là thông qua các chương trình trợ cấp tiền mặt phổ cập hơn, hướng đến làm giảm khả năng bị tổn thương trước các cú sốc kinh tế của toàn dân và xây dựng được tình đoàn kết xã hội.
Đầu tiên, các chương trình trợ cấp phổ cập giảm thiểu được chi phí quản lý so với các chương trình hỗ trợ diện hẹp. Những chương trình diện hẹp thường chịu chi phí hành chính lớn khi chính phủ cần thuê người để thu thập và kiểm tra thông tin định kỳ, lưu giữ, cập nhật và xác minh dữ liệu thường xuyên. Trong đại dịch Covid-19, các chương trình diện hẹp thường không đủ nhanh để tiếp cận những người đột nhiên rơi vào cảnh nghèo tạm thời do mất việc làm đột ngột. Các chính phủ trên khắp thế giới đã phải tìm ra cách hỗ trợ tiền mặt ngay lập tức đến các hộ gia đình và cá nhân trước đó chưa từng xuất hiện trong danh sách hộ nghèo.
Tiếp theo là các chương trình này sẽ thu hút sự ủng hộ chính trị trên diện rộng vì tất cả mọi người đều được tham gia.
Yếu tố thứ ba là chủ nghĩa phổ quát đang là xu hướng toàn cầu của nhiều quốc gia. Trong và sau đại dịch COVID-19, các chương trình bảo trợ xã hội toàn cầu đều hướng tới tính phổ quát, đảm bảo tất cả người dân đều được hưởng lợi ích. Trước đây, cách tiếp cận này thường phổ biến ở các nước có thu nhập trung bình cao khi họ coi đây là một cách để giảm bất bình đẳng và đảm bảo cơ hội kinh tế hợp lý cho tất cả mọi người, đặc biệt là trong các chương trình mà đối tượng hưởng lợi là trẻ em.
Ví dụ, trợ cấp phổ cập cho trẻ em và trợ cấp phổ cập cho bà mẹ tương lai và bà mẹ mới sinh đã được áp dụng ở một số quốc gia, trong đó có Argentina và El Salvador - cả hai quốc gia thu nhập trung bình đều như Việt Nam.
Tuy nhiên, vẫn có một số hạn chế trong quá trình triển khai có thể xảy ra sai sót khi những người lẽ ra được nhận trợ cấp lại không nhận được, hoặc trợ cấp được trao cho những người không đáp ứng các tiêu chí đã thiết lập.
Bằng chứng quốc tế đã chỉ ra là theo phương pháp này, những người nghèo vừa phải sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ của chính phủ hơn so với những người rất nghèo. Họ thường không được hỗ trợ đầy đủ vì sống ở vùng sâu vùng xa. Việt Nam cần lưu ý những hạn chế này để tìm cách khắc phục.