(Tổ Quốc) - Theo đánh giá của Dự án Borgen Project về nỗ lực xóa đói giảm nghèo toàn cầu, đến năm 2004, Việt Nam đã hoàn thành Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) là giảm một nửa tỷ lệ nghèo cùng cực – sớm hơn hẳn 1 thập kỷ thời hạn của Liên hợp quốc.
"Đổi mới" đã giúp xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam
Năm 1993, 58,1% hộ gia đình ở Việt Nam sống dưới chuẩn nghèo quốc tế. Đến năm 2004, con số đó đã giảm xuống còn 19,5%. Những tín hiệu tích cực này được thể hiện qua nhiều chỉ số xã hội như chăm sóc sức khỏe, giáo dục và điều kiện vệ sinh.
Kể từ đó đến nay, tỷ lệ người dân Việt Nam sống trong cảnh nghèo đói liên tục giảm. Năm 2022, năm đầu tiên áp dụng chuẩn nghèo đa chiều mới giai đoạn 2022-2025, toàn quốc có 4,3% hộ nghèo đa chiều. Hệ số GINI (theo thu nhập) của Việt Nam năm 2022 là 0,375, giữ ổn định so với năm 2020 và 2021 và vẫn giữ ở mức bất bình đẳng trung bình. Hai vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao là trung du miền núi phía bắc và Tây Nguyên vẫn là hai vùng có hệ số GINI cao nhất (tương ứng 0,408 và 0,399).
Chuẩn hộ nghèo giai đoạn 2022-2025 với khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Chuẩn hộ nghèo giai đoạn 2022-2025 với khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Theo các chuyên gia của dự án Borgen Project, thành tích này là một điều không dễ dàng đối với một quốc gia đã trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh.
Việt Nam bắt đầu công cuộc xóa đói giảm nghèo thành công với chương trình Đổi Mới từ năm 1986. Đổi Mới đã thực hiện nhiều chiến lược hiệu quả để xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là tập trung vào việc kích thích tăng trưởng kinh tế thông qua mở cửa thương mại.
Ba chiến lược thành công
Chiến lược đầu tiên là cải cách nông nghiệp. Kế hoạch ban đầu là tập trung vào hỗ trợ ngành nông nghiệp – thu hút 70% lao động vào thời điểm đó. Chính sách Đổi mới bãi bỏ hợp tác xã và cung cấp đất cho các hộ nông dân thông qua hợp đồng thuê có thời hạn. Chính phủ cũng loại bỏ việc kiểm soát giá cả, cho phép bán hàng với giá cả có lợi hơn cho các nhà sản xuất và nông dân. Hơn nữa, việc hỗ trợ phát triển hệ thống thủy lợi đã tạo ra nhiều diện tích trồng trọt hơn và thúc đẩy đáng kể cho sản xuất nông nghiệp.
Việc hạ thấp các rào cản thương mại quốc tế và cải cách nông nghiệp cũng đã giúp dòng hàng hóa và vốn phát triển mạnh mẽ. Trong vòng hai thập kỷ, Việt Nam đã trở lại là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, xuất đi từ 3 đến 4 triệu tấn gạo mỗi năm.
Chiến lược thứ hai là phát triển khu vực tư nhân. Để giảm thiểu lạm phát, chính phủ khuyến khích thành lập doanh nghiệp tư nhân, giảm số lượng doanh nghiệp nhà nước và thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ. Từ năm 1989 đến năm 2016, cả nước đã giảm số lượng tổng công ty nhà nước từ trên 12.000 xuống dưới 600 công ty.
Biện pháp quan trọng thứ 3 là chính phủ Việt Nam đã đầu tư vào các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, chương trình đưa giáo dục đến với toàn dân đã tập trung vào việc đặt giáo dục lên hàng đầu, đầu tư phát triển đội ngũ giáo viên, chương trình giảng dạy và chất lượng tổng thể của các trường học. Các chương trình mục tiêu quốc gia khác cũng thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản như điện, trường học và cơ sở chăm sóc sức khỏe đồng thời mở rộng ngành lâm nghiệp và nông nghiệp.
Chính phủ cũng đề ra Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo để hỗ trợ những người khó khăn sống ở khu vực nông thôn. Được thực hiện theo từng giai đoạn, chương trình này được đánh giá hiệu quả sát sao và cải thiện liên tục để thích nghi với tình hình mới. Kể từ năm 2022, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo tập trung vào phụ nữ để tạo ra sự bình đẳng tốt hơn về giới và giảm bớt bạo lực đối với phụ nữ.
Mặc dù vẫn còn những thách thức cần vượt qua trong quá trình giảm nghèo ở Việt Nam, chẳng hạn như khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng, các chính sách Đổi mới đã chứng tỏ sự thành công về nhiều mặt trong việc chống lại tình trạng nghèo cùng cực và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Việt Nam.