(Tổ Quốc) - Với chủ đề “Dòng chảy”, trong 12 ngày diễn ra, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 đã đánh thức những di sản dọc sông Hồng, kết nối và tôn vinh giá trị chuyển dịch mới từ nền tảng di sản và cộng đồng sáng tạo.
- 27.11.2023 Lễ hội Thiết kế và sáng tạo Hà Nội 2023: Nhiều hoạt động đặc sắc tại khu Ẩm thực
- 18.11.2023 Khai mạc Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023
- 16.11.2023 Ngắm đầu tàu hỏa hơi nước Tự Lực 50 tuổi sẽ xuất hiện trong "Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023"
- 14.11.2023 Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2023 - Nối lại mạch nguồn "dòng chảy" di sản
Diễn ra từ ngày 17 đến 28-11 tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và các địa điểm khác trên địa bàn thành phố, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 với chủ đề “Dòng chảy”, tập trung vào 3 trụ cột chính: Thiết kế, Cộng đồng và Sáng tạo. Sau 3 mùa tổ chức, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 có quy mô lớn nhất với nhiều hoạt động, nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia và không gian trải rộng trên nhiều địa điểm.
Những sáng tạo đầy dấu ấn
Lễ hội có hơn 60 hoạt động văn hóa với 4 công trình giới thiệu kiến trúc; 20 trưng bày và triển lãm; 19 hội thảo và tọa đàm, trong đó có 5 hội thảo quốc tế; 12 hoạt động nghệ thuật, chuỗi sự kiện cộng đồng, hội chợ sáng tạo được tổ chức tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu, Ga Long Biên và Ga Gia Lâm. Lễ hội còn hơn 40 hoạt động, sự kiện văn hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã tại Hà Nội; thu hút sự tham gia của hơn 200 đơn vị, nhà sáng tạo và nghệ sĩ.
Bất ngờ đầu tiên là ý tưởng “biến” tháp nước Hàng Đậu trở thành một không gian văn hóa. Trải qua hơn một trăm năm thăng trầm, lặng lẽ chứng kiến sự phát triển của Thủ đô, tháp nước Hàng Đậu được nhóm thiết kế dự án cải tạo thành một không gian nghệ thuật, đánh thức các di sản, hòa nhịp cùng dòng chảy đô thị mới.
Ăn sâu trong tiềm thức người dân Hà Nội với tên gọi bốt Hàng Đậu, công trình cũ kỹ, vốn không sử dụng từ nhiều năm này đã được cải tạo, sắp đặt để trở thành một không gian nghệ thuật giàu chất sáng tạo. Tháp nước Hàng Đậu được xây dựng vào năm 1894, là một trong những công trình kiến trúc cổ của Hà Nội do người Pháp xây dựng để phục vụ việc cung cấp nước sạch cho binh lính và công dân của họ trong thời gian Pháp đô hộ tại Hà Nội. Có hình trụ tròn, đường kính 19m, cao 3 tầng, mái có hình chóp nón, ở giữa là cột thu lôi, tháp có đài nước khổng lồ bằng thép dung tích 1.250m3, yên vị trên đỉnh 8 bức tường đá. Hệ thống đường ống dẫn lên, xuống với những chiếc van bằng sắt vẫn nguyên vẹn, phủ đầy bụi. Qua năm tháng, tháp nước Hàng Đậu cơ bản vẫn giữ được hiện trạng ban đầu, duy có 17 cửa sổ ở phía dưới tầng 1 đã được bịt kín.
Có lẽ ít ai ngờ rằng, công trình sau nhiều năm lặng lẽ lại trở thành gợi ý cho ý tưởng thiết kế sáng tạo độc đáo này. Lần đầu tiên, công chúng Thủ đô và du khách đã được trải nghiệm bên trong công trình với những thiết kế, bài trí lung linh chưa từng có.
Các kiến trúc sư, chuyên gia cải tạo, tổ chức trưng bày Không gian sắp đặt Nước và Di sản Tháp nước Hàng Đậu. Dự án do KTS Cao Thế Anh, họa sĩ Nguyễn Đức Phương và cộng sự thực hiện, lấy cảm hứng từ lục thủy theo quan niệm Á Đông. Trưng bày mang lại trải nghiệm không gian nghệ thuật mới lạ và sáng tạo với âm thanh, ánh sáng đầy quyến rũ. Trong đó, hệ sắp đặt âm thanh tái hiện lại những âm thanh của nước trong tự nhiên, đưa công chúng tới những chiều không gian tiềm thức, đánh thức mối quan hệ của con người đô thị với môi trường tự nhiên. Hệ sắp đặt ánh sáng mở rộng thị giác về những vỏ bọc đẹp đẽ, các nguyên liệu đều được tái chế bởi rác thải đô thị, nhấn mạnh tác động của đô thị tới môi trường tự nhiên. Các tác giả mong muốn chuyển tải thông điệp về vai trò của nước trong cuộc sống cũng như sự gắn kết giữa con người với tự nhiên. Điều giá trị nhất là trưng bày sẽ giúp công chúng có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp từ bên trong của một công trình kiến trúc đã bị “ngủ quên” nhiều thập kỷ.
Sự lột xác đầy ngoạn mục của bốt Hàng Đậu đã thu hút đông đảo du khách. Trong suốt những ngày diễn ra Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội, từ sáng đến đêm, không lúc nào không gian bốt Hàng Đậu không có người xếp hàng vào tham quan.
Cũng tạo không ít bất ngờ bởi những hình ảnh gây thương nhớ của Hà Nội xưa là ý tưởng trưng bày đầu máy xe lửa hơi nước tại Vườn Nhãn (Long Biên). Từ một nhà máy cũ nằm trong diện di dời ra khỏi nội đô, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và các ga tàu hỏa Hà Nội được cải tạo thành các tổ hợp sáng tạo. Di sản được đánh thức để tạo ra hệ giá trị mới phục vụ phát triển Thủ đô. Đến với trưng bày, người dân và du khách sẽ được nhìn lại một trong những biểu tượng của ngành Đường sắt, nhân chứng đã tham gia vào cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Trong thời gian ngắn, các phân xưởng Nhà máy Xe lửa Gia Lâm trở thành một không gian với 16 triển lãm kết hợp hiệu ứng thị giác mới lạ, các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc như triển lãm “Thuỷ phủ” của họa sĩ Trịnh Minh Tiến, “Tiếng gọi” của họa sĩ Thu Trần, “Chuyển động ngoại biên” của nhóm nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế, “Như ta đã từng” của nhiếp ảnh gia Phan Đan - Nguyễn Minh Hoàng, “Quá áp” của nghệ sĩ Vy Trinh... Đặc biệt, lần đầu công chúng được chiêm ngưỡng đầu tàu máy đầu tiên của ngành Đường sắt Việt Nam và những câu chuyện thú vị xung quanh. Hệ sinh thái tại Nhà máy cũng là nguồn cảm hứng khi được các nghệ sĩ trẻ nâng niu trở thành ý tưởng trình diễn nghệ thuật Graffiti tại các không gian.
Dấu ấn từ thành phố sáng tạo
Ban tổ chức cho biết, sau 12 ngày tổ chức, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 đã mang lại thành công ngoài mong đợi, tạo dấu ấn lớn trong cộng đồng. Bên cạnh các hoạt động, sự kiện nằm trong chương trình tổ chức, lễ hội còn hấp dẫn nhiều tổ chức, cá nhân khác đến tham gia các hoạt động sáng tạo. Điển hình như khóa nghệ thuật trực tiếp dành cho trẻ đặc biệt “Khám phá dòng chảy”; chương trình nghệ thuật cồng chiêng “Ngẫu hứng đại ngàn” do các nghệ nhân Bahnar và Jrai (tỉnh Gia Lai) trình diễn, chương trình Vọng âm...
Từ năm 2019, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực Thiết kế. Sau gần 4 năm thực hiện, thành phố đã có nhiều hoạt động để cụ thể hóa những cam kết xây dựng Thành phố sáng tạo. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Thành phố đã ưu tiên triển khai hiệu quả, thiết thực các chương trình đầu tư để bảo tồn, tu bổ tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn; đầu tư nhiều dự án, công trình văn hóa trọng điểm, công trình văn hóa mới tiêu biểu, có không gian cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.
Một vấn đề đặt ra, đó là tháp nước Hàng Đậu và Nhà máy ga xe lửa Gia Lâm nói riêng và các di sản công nghiệp nói chung sẽ ra sao sau lễ hội. Các không gian sáng tạo ở đây có được tiếp tục hoạt động và trở thành không gian sáng tạo của Hà Nội hay không. Tháp nước Hàng Đậu và Nhà máy ga xe lửa Gia Lâm đều chưa được công nhận là di sản nên sau Lễ hội Thiết kế sáng tạo, liệu hai địa chỉ này sẽ được khai thác ra sao hay lại trở về với sự "ngủ quên" như trước đây?
Hà Nội rất cần các không gian sáng tạo trong khi nhiều địa chỉ mang dấu ấn lịch sử nhưng lại bị lãng quên trong dòng chảy hiện đại. Việc đánh thức các di sản đã được thực hiện qua Lễ hội. Còn để di sản sống lại như thế nào sau lễ hội là vấn đề cần quan tâm.
Cần một cơ chế chính sách phù hợp để những địa chỉ đó thay vì biến thành những tòa nhà cao tầng mà trở thành các không gian sáng tạo độc đáo, giúp các nghệ sĩ thực hành sáng tạo và công chúng Thủ đô được kết nối với thế giới bằng chính các hoạt động sáng tạo đó. Đó cũng là cơ hội để Hà Nội phát triển công nghiệp văn hóa một cách bền vững, lâu dài, chứ không chỉ là câu chuyện thời vụ.
Quyền Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Ramla Khalidi khẳng định, lễ hội là một sự kiện quan trọng đối với người dân Hà Nội cũng như du khách để tôn vinh nguồn lực văn hóa sáng tạo phong phú của Thủ đô. Qua những công trình nghệ thuật và sáng tạo, chúng ta có thể nhìn và cảm nhận cách mà sự phát triển của các nguồn lực văn hóa trong thành phố đã và đang đem lại sức sống mới cho đô thị này. Với hơn một nghìn năm bề dày truyền thống được truyền qua nhiều thế hệ, Hà Nội đang sở hữu tiềm năng để trở thành đơn vị tiên phong trên mọi lĩnh vực phát triển.
Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 Hà Nội đã chứng minh văn hóa có thể được coi là động lực cho phát triển kinh tế xã hội khi huy động nguồn năng lượng trẻ dồi dào để đổi mới và biến Hà Nội thành một nơi chốn tốt đẹp hơn cho mọi công dân.
Lễ hội thu hút 200.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm; 30.000 lượt khách tham quan tháp nước Hàng Đậu; 26.000 vé tàu đã bán ra cho khách trải nghiệm tuyến tàu di sản; thu hút sự hưởng ứng, chủ động sáng tác của 1.000 nhà sáng tạo nội dung; hơn 4 triệu thảo luận trên mạng xã hội. Đồng hành với Lễ hội là 100 đại biểu, chuyên gia quốc tế tham gia hội thảo, tọa đàm; 90 cơ quan báo chí với hơn 1.000 tin, bài viết về lễ hội.