• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khởi động COP28 thúc đẩy những nỗ lực đạt được mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu

Thế giới 04/12/2023 10:56

(Tổ Quốc) - Theo hãng CNN, vai trò tương lai của nhiên liệu hóa thạch là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất mà các quốc gia đang phải tìm hướng giải quyết tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28.

Trong khi một số chuyên gia cho rằng thế giới cần phải thúc đẩy "loại bỏ" nhiên liệu hóa thạch thì một số ý kiến khác lại lưu ý nên "giảm dần" loại nhiên liệu này.

Khởi động COP 28 thúc đẩy những nỗ lực đạt được mục tiêu ứng phó với hiện tượng nóng lên toàn cầu - Ảnh 1.

Ông Sultan Al Jaber, Chủ tịch Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) phát biểu tại bài thuyết trình ở Dubai vào ngày 2/12/ 2023. Ảnh: CNN

Các báo cáo khoa học đã chỉ ra rằng nhiên liệu hóa thạch phải được cắt giảm nhanh chóng để đảm bảo hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất không quá 2 độ C, cố gắng đưa con số này về mức 1,5 độ theo thỏa thuận khí hậu Paris.

Mới đây, tại hội thảo She Changes Climate vào ngày 21/11, Chủ tịch Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) Sultan Al Jaber đã cho rằng "chưa có căn cứ khoa học hoặc kịch bản nào cho rằng việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch sẽ hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở mức 1,5 độ C nhưng chắc chắn việc giảm dần hay loại bỏ nhiên liệu hóa thạch là "không thể tránh khỏi và chúng ta cần phải thực tế, nghiêm túc và thực dụng về điều này".

Trước đó, các nhà khoa học khí hậu đã đưa ra mục tiêu này như một lời cảnh báo đối với mối lo ngại về biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng rộng rãi trên toàn cầu.

Năm nay, COP28 thu hút các nhà lãnh đạo và hơn 70.000 đại biểu tới từ gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây được xem là kỳ COP thu hút đại biểu tham dự đông đảo nhất từ trước tới nay. Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP 28) đã khai mạc hôm 30/11 tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất). Hội nghị sẽ kéo dài đến ngày 12/12.

Chủ tịch COP 28 ông Sultan Ahmed Al-Jaber nói rõ rằng việc giảm dần và loại bỏ nhiên liệu hóa thạch là không thể tránh khỏi và chúng ta phải giữ mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất duy trì không vượt quá 1,5 độ C.

"Chúng tôi rất vui mừng với những tiến bộ đã đạt được cho đến nay và việc đưa ra mục tiêu đầy tham vọng cùng với những nỗ lực không ngừng sẽ tăng thêm quyết tâm cho chúng tôi", ông Sultan Ahmed Al-Jaber nhấn mạnh.

Những kỳ vọng ở COP28

Nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng khí hậu và khi thế giới tiếp tục đốt dầu, than và khí đốt sẽ khiến nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng mạnh đến mức chưa từng thấy. Năm nay, thế giới đã chứng kiến nhiệt độ toàn cầu tăng kỷ lục, gây ra các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.

Báo cáo gần đây của một số tổ chức khoa học, bao gồm cả Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, cho thấy sản lượng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030 dự kiến sẽ cao hơn gấp đôi mức cần thiết, đặt ra những khó khăn để hạn chế mức nhiệt Trái đất ở mức dưới 1,5 độ. Báo cáo đó dựa trên kịch bản do Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) và Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) đưa ra để kết luận.

Bà Ploy Achakulwisut, nhà nghiên cứu khí hậu tại Viện Môi trường Stockholm và là một trong những tác giả của báo cáo đã đưa ra nhận định những báo cáo của IPCC và IEA đã được xem là khoa học để nhấn mạnh đến việc loại bỏ dần các nhiên liệu hóa thạch.

Cả IPCC và IEA đều đã kết luận rằng tất cả các nhiên liệu hóa thạch phải được loại bỏ dần, đặc biệt nếu các biện pháp loại bỏ carbon dioxide cũng như thu hồi và lưu trữ carbon không được mở rộng quy mô.

Thu hồi carbon đề cập đến một loạt các kỹ thuật nhằm loại bỏ ô nhiễm carbon khỏi không khí và thu giữ những gì được sản xuất từ các nhà máy điện và các cơ sở gây ô nhiễm khác.

Trong khi một số người cho rằng việc thu hồi carbon sẽ là một công cụ quan trọng để giảm ô nhiễm do sưởi ấm hành tinh thì những người khác lại cho rằng những công nghệ này đắt tiền, chưa được chứng minh ở quy mô và làm xao lãng các chính sách cắt giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Joeri Rogelj, Giáo sư khí hậu tại Đại học Hoàng gia Luân Đôn, cho biết báo cáo mới nhất từ Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) chính là báo cáo khoa học về vấn đề này.

"Báo cáo đó, với sự thông qua của 195 quốc gia bao gồm UAE đều nhất trí rằng để hạn chế sự ấm lên toàn cầu không vượt mức 1,5°C thì một thực tế chắc chắn rằng giai đoạn loại bỏ nhiên liệu hóa thạch phải đạt được trong nửa đầu thế kỷ." ông Joeri Rogelj nhắc lại báo cáo.

Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP 28) đã khai mạc hôm 30/11. COP28 đã bắt đầu với những bài phát biểu từ các quốc gia để đánh giá về tiến trình hành động vì khí hậu và tìm ra cách đưa thế giới đi đúng hướng nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu thảm khốc trong thời gian tới. Những kỳ vọng mới có thể đạt được tại COP28 năm nay sẽ giúp thế giới định hướng tốt hơn về các biện pháp giải quyết liên quan đến biến đổi khí hậu toàn cầu./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ