(Tổ Quốc) - Những bước tiến của Nga đã được công nhận sau nhiều năm im lìm và tụt lại phía sau phương Tây.
Những bản sao UAV
Theo trang mạng Strategy Page, trong hơn 1 thập kỷ, Nga đã tìm cách tạo ra những UAV ngang ngửa với các mẫu nổi tiếng nhất của Mỹ, như Predator, Reaper và Avenger. Cả 3 mẫu UAV này có một điểm chung: Chúng đều do một công ty phát triển và sản xuất, đó là General Atomics.
Các mẫu UAV tương tự do Nga chế tạo gồm: Inokhodets (1 tấn), Altair/Altius-M (5 tấn) và Okhotnik (chạy bằng động cơ phản lực, 15 tấn).
Inokhodets đã thực hiện các chuyến bay trong vài năm qua nhưng giai đoạn thử nghiệm bay của nó vẫn chưa kết thúc. Điều đó cho thấy có một số vấn đề ngăn bản sao của Predator hoạt động bình thường.
Trong khi đó, phiên bản Reaper đầu tiên của Nga, mang tên Altair, đã cất cánh vào năm 2016. Thiết kế đó cần rất nhiều thay đổi mới dẫn tới sự ra đời của mẫu UAV Altius-M 2 động cơ, nặng 6 tấn. Nga có vẻ hứng thú với phiên bản Reaper hơn là phiên bản Predator của họ.
Máy bay không người lái Altius-M của Nga. Ảnh: militaryrussia.ru
Từ một thập kỷ trước, Nga đã quyết định rằng họ cần có các phiên bản Reaper và Predator riêng. Ở thời điểm đó, 2 mẫu UAV gốc của Mỹ đã đạt được những thành tích ấn tượng.
Chiếc Predator cuối cùng của Không quân Mỹ được chế tạo vào năm 2010. Năm 2011, Không quân Mỹ quyết định thay thế mẫu MQ-1 Predator bằng mẫu MQ-9 Reaper.
Những chiếc Reaper mới toanh khi ấy có giá khoảng 6.2 triệu USD/chiếc. Sau này, mức giá đã tăng hơn gấp đôi do được bổ sung các cảm biến, thiết bị điều khiển hỏa lực và thông tin liên lạc.
Vào thời đó, không quân Mỹ đã có hơn 60 chiếc Reaper trong biên chế. Họ muốn mua thêm 250 chiếc nữa trước khi bắt đầu thay thế mẫu MQ-9 bằng MQ-X.
Song, tới nay, Không quân Mỹ đang có 337 chiếc Reaper và không có nhu cầu mua thêm do mẫu UAV này bộc lộ nhiều lỗ hổng trong chiến tranh quy ước. Ứng viên thay thế Reaper vẫn chưa được lựa chọn.
Mẫu UAV Avenger được Mỹ đưa vào sử dụng từ năm 2016 và có vẻ trang bị cho CIA, nhưng từ sau đó có khá ít báo cáo về nó ngoại trừ việc vào năm 2018, Nga tuyên bố nước này đang phát triển phiên bản Avenger nội địa.
Hồi sinh
Có thể nói, chiến dịch quân sự tại Syria đã đánh dấu sự hồi sinh mạnh mẽ của chương trình máy bay không người lái Nga.
Sau sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một UAV [được cho là của Moscow] vào tháng 10/2015, hãng tin CNN của Mỹ bình luận: Chương trình UAV của Nga, sau nhiều năm im lìm và tụt lại phía sau phương Tây, đã xuất hiện trở lại một cách đáng chú ý trong thời gian gần đây, thông qua việc chúng được sử dụng rộng rãi ở Syria.
Nga bắt đầu triển khai UAV tại Syria trong tháng 9/2015, trước đó họ được cho là từng sử dụng UAV ở Ukraine.
Chiếc UAV [được cho là của Nga] bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ tháng 10/2015. Ảnh: Business Insider
Vào thời điểm CNN ghi nhận, quân đội và các lực lượng an ninh của Nga có tổng cộng 800 UAV, tất cả đều không được vũ trang và chủ yếu dùng cho các mục đích do thám/trinh sát.
Mặc dù Moscow phủ nhận chiếc UAV bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ là của mình nhưng hai quan chức quốc phòng Mỹ tin rằng đó đích xác là UAV của Nga.
Theo nhà nghiên cứu cấp cao Douglas Barrie tại Viện Các Nghiên cứu Quốc tế, sau nhiều năm không đi đến đâu trong lĩnh vực công nghệ UAV, thời gian gần đây, Moscow đã tăng cường chú trọng tới loại phương tiện tác chiến này.
"Sau khi Liên Xô sụp đổ, chương trình nghiên cứu và phát triển UAV đã bị bỏ bê. Mãi tới khoảng thập kỷ qua, Nga mới tái chú trọng vào lĩnh vực năng lực quân sự này" - ông Douglas nói.
Khoảng 5 năm trước đó, Nga vẫn còn phụ thuộc đáng kể vào các mẫu UAV do Israel chế tạo, trong đó có một số mẫu đã được cấp phép sản xuất tại Nga. Tuy nhiên, Moscow đã cam kết chi gần 10 tỷ USD trong thập kỷ tới để phát triển hơn nữa phi đoàn máy bay không người lái của họ, bao gồm cả những UAV vũ trang tương tự như các mẫu của Mỹ.
Theo tổ chức tư vấn IHS Jane's, ít nhất là vào năm 2005, Nga đã phát triển một mẫu UAV có tên Skat, có khả năng mang tên lửa chống hạm hoặc tên lửa dẫn đường bằng radar, bom thông thường hoặc bom dẫn đường.
Vượt qua sự tụt hậu so với phương Tây
Trong một bài viết đăng tháng 11/2019, hãng tin Sputnik của Nga khẳng định, Nga đã vượt qua sự tụt hậu so với phương Tây trong lĩnh vực chế tạo máy bay không người lái, đồng thời đang phát triển và sản xuất UAV có nhiều kích cỡ khác nhau phục vụ cho các mục đích khác nhau.
UAV SUPERCAM S-350 của Nga. Ảnh: Sputnik
UAV SUPERCAM S-350, sản phẩm của công ty "Các hệ thống không người lái" từ thành phố Izhevsk, đã lập kỷ lục thế giới bay cao nhất trong số các UAV tương tự. Mẫu UAV được phóng bằng hệ thống khí nén này đã bay lên độ cao 8.500 mét.
Năm 2019, Nga trình làng tổ hợp máy bay tấn công - trinh sát không người lái Sukhoi Okhotnik ("Thợ săn", còn gọi Okhotnik-B, Sukhoi S-70). Việc bảo mật thông tin cũng như sự úp mở của giới chức Nga đã gây nên sự tò mò và thu hút nhiều mối quan tâm về chiếc máy bay chiến đấu không người lái (UCAV) tối tân này.
Okhotnik-B là sản phẩm dự án tổ hợp máy bay tấn công - trinh sát không người lái với các tên gọi khác nhau, do Công ty Sukhoi phát triển theo đặt hàng của Bộ Quốc phòng Nga từ năm 2012, với kinh phí 1,6 tỷ rúp.
UAV Okhotnik bay thử nghiệm cùng Su-57. Ảnh: TASS
S-70 sử dụng các công nghệ để giảm tín hiệu phản xạ radar của máy bay thế hệ thứ 5, và được xem là tiền đề để Nga phát triển tiêm kích tàng hình thế hệ 6 trong tương lai nhằm đuổi kịp chương trình PCA của Mỹ.
Đầu năm 2019, nguyên mẫu thứ ba của Su-57 được sử dụng làm phòng thí nghiệm bay để thử nghiệm một số hệ thống liên quan đến S-70, như không lưu, thông tin liên lạc, hoạt động nhóm của phương tiện không người lái…
Tháng 9 cùng năm, Okhotnik thu hút nhiều sự chú ý khi tiến hành chuyến bay thử nghiệm chung đầu tiên với tiêm kích Su-57 trong hơn 20 phút.
Bộ Quốc phòng Nga giải thích ý nghĩa của cuộc thử nghiệm rằng: sự liên kết phối hợp giữa UAV Okhotnik và máy bay tiêm kích các loại (ví dụ Su-57) sẽ mở rộng trường quan sát radar của máy bay chiến đấu, phát hiện các mục tiêu cho tên lửa tần công tầm xa, Su 57 có thể tấn công mà không cần bay vào khu vực phòng không hiệu quả của kẻ thù.
Hơn thế nữa, nếu Okhotnik được trang bị vũ khí, đây sẽ là đòn tấn công từ nhiều hướng vào một mục tiêu nhất định, tăng cường khả năng tiêu diệt mục tiêu, do S-70 cũng có tính năng tàng hình và việc tấn công mục tiêu chỉ do phi công trên máy bay tiêm kích quyết định.
Mặc dù đánh giá thấp khả năng tàng hình của Okhotnik nhưng giới chuyên gia phương Tây lại đề cao khả năng của nó khi cơ động và hiệp đồng với tiêm kích Su-57, thậm chí còn so sánh với mẫu X-47B của Mỹ.
"Cấu hình này hy sinh tính tàng hình để đổi lấy khả năng cơ động. Động cơ phản lực với chế độ đốt tăng lực và cánh vát cho phép Okhotnik đạt tốc độ siêu âm, điều mà dòng X-47B Mỹ không thể làm được. Đây là những yếu tố quan trọng nhằm bảo đảm Okhotnik theo kịp những tiêm kích Su-57 trong chiến đấu", chuyên gia Tyler Rogoway trên trang mạng Drive đánh giá.