(Tổ Quốc) - Đến nay, quy định về nhân sự cho Đại hội Đảng đã tương đối hoàn chỉnh, cụ thể. Kể cả những vấn đề những nhiệm kỳ trước chưa rõ, không thể đong, đo, đếm được cũng đã được khắc phục...
- 23.04.2020 Clip: Phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ đạo Công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng lần thứ XIII
- 23.04.2020 Chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu tránh giản đơn, tùy tiện, đừng thấy đỏ tưởng chín
- 03.02.2020 Nhân sự Đại hội khóa 13: Không còn thời của những người "đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên"
PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký kiêm ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận TƯ nói như vây khi trao đổi với VietNamNet về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội 13.
Thế hệ trẻ đủ sức gánh vác trọng trách cha ông giao phó
Khi nói về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội 13, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có đề cập đến “thời điểm chuyển giao thế hệ”. Là người theo dõi nhiều kỳ Đại hội Đảng, ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Đúng là thời điểm này có sự chuyển tiếp giữa thế hệ cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong những năm tháng kháng chiến, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa trước đây sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hoà bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau.
Nhưng cũng không lo lắm, bởi vì đội ngũ cán bộ hiện nay đã qua rèn luyện, thử thách và chỉ những người đủ phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ mới được giới thiệu vào các cấp ủy.
Tôi nghĩ, với sự chuẩn bị bài bản, thế hệ kế cận hiện nay đủ sức đảm đương, gánh vác được những trọng trách mà thế hệ cha ông giao cho. Tôi cho rằng đấy chỉ là một điểm đáng lưu ý chứ không có gì đáng lo.
Rõ ràng thế hệ trẻ có lợi thế là được học hành bài bản nhưng còn về mặt phẩm chất, bản lĩnh chính trị, tư tưởng theo ông có điều gì đáng lưu ý?
Một trong những tiêu chuẩn với đảng viên nói chung và nhân sự được quy hoạch vào BCH TƯ nói riêng là phải kiên định chủ nghĩa Marx–Lenin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định Cương lĩnh, đường lối của Đảng.
Đây là 3 vấn đề cốt lõi nhất mà Đảng ta, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội Đảng đã khẳng định và được ghi vào trong Hiến pháp là “Đảng lấy chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng".
Trong thực tế, đúng là cũng có những ý kiến dao động. Có những người lập trường, quan điểm không vững vàng, thiếu kiên định do chưa được rèn luyện trong thực tế, kể cả những người được đào tạo bài bản.
Để khắc phục tình trạng này, Đảng đã có nhiều giải pháp. Một trong những giải pháp là đào tạo để lựa chọn những đồng chí vào BCH TƯ như vừa rồi chúng ta làm quy trình giới thiệu cán bộ nguồn, cán bộ cấp chiến lược.
Những nhân sự này đã được bồi dưỡng qua 4 lớp, chia thành 2 đợt. Và hiện nay đang đào tạo thêm một lớp nữa. Nhưng học là một chuyện, vấn đề là xem thực tiễn hàng ngày những nhân sự này có kiên định không mới có ý nghĩa quyết định.
Nếu những người không kiên định về chủ nghĩa Marx–Lenin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; không kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; không kiên định với Cương lĩnh, đường lối của Đảng được giới thiệu vào Trung ương thì đấy là điều rất nguy hiểm cho Đảng.
Đây cũng là một trong bảy điều mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý không để lọt vào BCH TƯ khoá 13. Đó là kiên quyết “không để lọt vào TƯ những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng…”.
Điều đó cho thấy, tiêu chuẩn được coi trọng đầu tiên là nói đến phẩm chất chính trị, chứ không phải nói đến năng lực. Nghị quyết TƯ cũng nhấn mạnh phẩm chất chính trị đầu tiên, rồi mới đến năng lực.
Bác Hồ ngày xưa cũng nói đến đức trước, đức là gốc rồi mới đến tài. Người không có đạo đức khó sửa lắm; còn người không có tài, chưa đủ tài thì có thể đào tạo, bồi dưỡng để trở thành người có tài.
Cần “có con mắt tinh đời“
Khi nói đến nhân sự Đại hội Đảng, vấn đề dư luận quan tâm là làm sao không để lọt vào khóa mới những nhân sự bị kỷ luật như vừa qua, thưa ông?
Một trong những điểm nổi bật của khiệm kỳ 12 này là BCH TƯ, Bộ Chính trị rất chú ý đến công tác cán bộ và đã ra một số nghị quyết, cũng như nhiều quy định về công tác cán bộ.
Cụ thể, TƯ ban hành một nghị quyết chuyên đề về "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ". Đồng thời, ban hành nhiều quy định như Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, nhất là các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên BCH TƯ…
Tại hội nghị TƯ 12 vừa rồi, TƯ cũng thảo luận, đánh giá công tác nhân sự khẳng định những ưu điểm đã đạt được, nhưng đồng thời cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm trong công tác nhân sự khóa 12.
Một trong những hạn chế, khuyết điểm là thẩm tra, đánh giá cán bộ chưa tốt dẫn đến tình trạng để lọt vào BCH TƯ, thậm chí lọt vào cả Bộ Chính trị những người không đủ phẩm chất năng lực, uy tín.
Khóa này, chúng ta đã xem xét kỷ luật 2 ủy viên Bộ Chính trị là ông Đinh La Thăng đang chịu án tù, ông Hoàng Trung Hải bị cảnh cáo. Sai phạm của cả 2 đồng chí này không phải xảy ra khi bầu vào ủy viên Bộ Chính trị mà trước đó khá lâu. Điều đó cho thấy công tác thẩm tra, đánh giá cán bộ có vấn đề.
Một khuyết điểm nữa, hội nghị TƯ 12 chỉ rõ là tình trạng vận động, lôi kéo, bằng động tác này, động tác khác kể cả quà cáp mà ta vẫn gọi là tình trạng chạy chọt để vào BCH TƯ, thậm chí Bộ Chính trị, đây cũng là khuyết điểm. Tổng bí thư còn dùng hình ảnh để cho những “con lươn, con chạch” lươn lẹo nó trèo lên cao mà trèo lên tận Bộ Chính trị.
Rút kinh nghiệm, lần này TƯ ban hành một số quy định cho chặt chẽ hơn như Quy định 205 về chống chạy chức chạy quyền, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.
Hay như Quy định 214 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện BCH TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Quy định này quy định rõ tiêu chuẩn ủy viên TƯ, ủy viên Bộ Chính trị và có cả tiêu chuẩn của cả Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội... rất cụ thể từng chức vụ một.
Để khắc phục khuyết điểm về nhận sự trong khóa 12 và các khóa trước, hội nghị TƯ 12 vừa rồi thống nhất kiên quyết không để lọt vào BCH TƯ những người có một trong 7 khuyết điểm như: người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cho cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh...
Tức là theo ông, khóa mới sẽ không còn những nhân sự như ông Đinh La Thăng, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Xuân Anh,..?
Về mặt lý thuyết, quy trình, quy định đến giờ phút này tương đối hoàn chỉnh, cụ thể, kể cả những vấn đề những nhiệm kỳ trước chưa rõ, không thể đong, đo, đếm được.
Chẳng hạn như thế nào là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyện hóa thì Nghị quyết TƯ 4 khóa 12 cũng đã chỉ rõ 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; 9 biểu hiện tự chuyển biến tự chuyển hóa. Hay quy định 205 quy định rất rõ 6 hành vi của chạy chức chạy quyền và 8 hành vi bao che cho chạy chức chạy quyền, quy trình 5 bước…
Những điều đó để nói rằng tinh thần của TƯ và cũng là mong mỏi của toàn dân là phải lựa chọn được những người vào BCH TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa 13 những người thật sự tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức lối sống; thật sự tiêu biểu về năng lực, uy tín. Nói gọn lại theo Bác Hồ là đủ đức, đủ tài.
Nhưng vấn đề khó nhất là có làm được không, quan trọng nhất là người thực hiện quy trình, quy định đó phải có ý thức rất cao thì mới hy vọng chọn được những người đủ đức, đủ tài vào BCH TƯ.
Nhưng chúng ta cũng đừng tuyệt đối hóa vấn đề, đừng có lý tưởng hóa cho rằng tới đây lựa chọn những người sáng ngời tất cả, khó lắm. Bởi vì đánh giá con người, đánh giá cán bộ rất khó, không đơn giản.
Như Tổng Bí thư nói “đừng thấy đỏ mà tưởng chín” nên nói như kinh nghiệm của cha ông ta cần “có con mắt tinh đời“ thì mới phát hiện ra những người phẩm chất, tài năng. Hồ Chí Minh là mẫu mực về con mắt tinh đời, phát hiện cán bộ, giao việc cán bộ quá tinh đời.
Ví dụ điển hình là một thầy giáo về xã hội nhân văn như đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bác Hồ đã tinh đời nhìn thấy được tiềm năng, khả năng của ông Võ Nguyên Giáp để giao cho chức Bộ trưởng Quốc phòng và những chức vụ khác.
Tôi hy vọng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Đại hội 13 sẽ cố gắng khắc phục, hạn chế những trường hợp như Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Anh... để lựa chọn vào BCH TƯ, Bộ Chính trị khóa mới những người thật xứng đáng.