• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Không hề tình cờ, bà Thái Anh Văn (Đài Loan) dừng chân trên lãnh thổ Mỹ

Thế giới 31/10/2017 06:41

(Tổ Quốc) - Động thái diễn ra ngay sau Đại hội 19 ĐCSTQ và trước chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Mỹ.  

Ngày 28/10, người đứng đầu chính phủ Đài Loan Thái Anh Văn đã dừng chân tại Hawaii (Mỹ), trên đường ghé thăm các nước bạn có quan hệ ngoại giao với Đài Loan tại ba quốc gia hải đảo ở Thái Bình Dương – Tuvalu, các đảo Solomon và các đảo Marshall. Đây là lần thứ hai trong năm nay, bà Thái dừng chân tại Mỹ.  Lần trước diễn ra hồi tháng 1, dừng chân tại Houston và San Francisco, trên đường tới thăm và trở về từ các nước có quan hệ ngoại giao với Đài Loan tại Mỹ Latinh.

Đài Loan ngày càng chật vật chống đỡ sự thâm nhập của Bắc Kinh

Trận tuyến ngoại giao của Đài Loan đang bị đả kích nặng nề. Các quốc gia hải đảo ở Thái Bình Dương cũng khó cưỡng lại sự cám dỗ của các đề xuất về các khoản đầu tư và hỗ trợ tài chính rất lớn mà Bắc Kinh đưa ra. Liệu chuyến thăm của bà Thái có thể kéo dài mối quan hệ ngoại giao của Đài Loan với các quốc gia ở Thái Bình Dương này được bao lâu, vẫn là một câu hỏi khó đoán định. Danh sách 21 quốc gia công nhận Đài Loan đang ngày càng thu hẹp lại, khi hồi tháng 6 vừa qua, Panama cắt quan hệ với Đài Loan và lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

 Bà Thái Anh Văn thăm Trân Châu Cảng (Hawaii) trên đường thăm 3 nước ở Thái Bình Dương, trong nỗ lực chống đỡ cuộc công kích ngoại giao của Bắc Kinh.

Trung Quốc đã lên tiếng phản đối việc Mỹ để bà Thái Anh Văn ghé qua lãnh thổ Mỹ.  Bộ Ngoại giao Mỹ trả lời rằng, việc bà Thái quá giang ở Mỹ là với “tư cách cá nhân và không chính thức”, dựa trên cơ sở tập quán có từ lâu của Mỹ về “quan hệ không chính thức của Mỹ với Đài Loan”. Sự kiện này không đi ngược lại chính sách “một nước Trung Quốc”.

Bà Thái nói rằng Đài Loan muốn duy trì hòa bình với Trung Quốc trên cơ sở bảo vệ nền dân chủ và an ninh của Đài Loan.

Dường như vượt ra khỏi khuôn khổ “cá nhân và không chính thức”, bà Thái đã đến thăm và đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm Tàu USS Arizona, di tích còn sót lại của chiến hạm Hải quân Mỹ bị Nhật Bản đánh đắm tại Trân Châu Cảng tháng 12/1941, mở đầu cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương.

Chuyến thăm của bà Thái diễn ra không đầy nửa tháng trước chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ tới Trung Quốc, từ ngày 8-10/11/2017. Tháng 12/2016, Tổng thống đắc cử Donald Trum đã điện đàm với bà Thái Anh Văn. Giữa sự chỉ trích tại Mỹ về việc ông ta vi phạm nguyên tắc “một nước Trung Quốc”, ông Trump tuyên bố có thể “đàm phán lại nguyên tắc này” để buộc Trung Quốc nhượng bộ về thương mại. Sau đó, ông Trump đã tái khẳng định sự ủng hộ đối với nguyên tắc “một nước Trung Quốc”, nhưng cuộc điện đàm và những tiến triển lặng lẽ trong quan hệ Mỹ-Đài Loan đã làm giới phân tích cho rằng, chính quyền Trump đang chơi con bài Đài Loan để giành lợi thế trong quan hệ với Bắc Kinh.

Những động thái của quan hệ tay ba Mỹ-Đài Loan-Trung Quốc diễn ra vào một thời điểm quan hệ đôi bờ đang căng thẳng, với xu hướng độc lập tại Đài Loan tăng mạnh sau khi bà Thái lên cầm quyền tại hòn đảo này tháng 5/2016.

Lập trường của Bắc Kinh đối với chủ trương “Đài độc” sau Đại hội 19 ĐCS Trung Quốc sẽ ngày càng cứng rắn. Mặc dù tiếp tục chủ trương “Một nước hai chế độ” và thống nhất đất nước bằng con đường hòa bình, nhưng Bắc Kinh sẽ tích cực gây sức ép với Đài Loan và thâm nhập bằng mọi cách để ngăn chặn “gien độc lập” trong thế hệ trẻ Đài Loan ngày càng phát triển.

 Một cuộc xô xát kịch liệt với 3 người bị thương khi các nhóm ủng hộ Đài Loan độc lập tấn công một buổi trình diễn “Tiếng hát Trung Quốc” tại Đại học Quốc gia Đài Loan, ngày 24/9/ 2017.

Mỹ tạo áp lực lên Bắc kinh về thương mại

Bộ Thương mại Mỹ ngày 27/10 cho biết Mỹ sẽ áp thuế nhập khẩu lá nhôm Trung Quốc từ 96,81% - 162,24% bởi mặt hàng này đang được bán với giá thấp tại Mỹ.

Tổng thống Donald Trump cho biết thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc lên tới 350 tỉ USD. Ông chủ Nhà Trắng nói rằng sân chơi này “không bình đẳng” và tuyên bố sẽ “xử lý các hoạt động thương mại không lành mạnh”.

Tuy nhiên, cho đến nay, Washington chưa công bố bất kỳ biện pháp cứng rắn nào do còn phải hợp tác với Bắc Kinh trong việc giải quyết tình hình ở Triều Tiên.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã mở cuộc điều tra về sự cạnh tranh không lành mạnh của sản phẩm thép không rỉ đến từ Trung Quốc trong khi đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cũng đang điều tra các hoạt động sở hữu trí tuệ của Trung Quốc.

Thông báo mới đây của Bộ Thượng mại Mỹ trước thời điểm chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Donald Trump có thể làm gia tăng căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Cách đây 2 tháng, Mỹ đã áp thuế nhập khẩu lá nhôm Trung Quốc từ 16,56% - 80,97% nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước.

Mỹ dường như gây áp lực với Bắc Kinh để đạt được sự nhượng bộ trong chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Mỹ, sau khi những nỗ lực làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ ít thu được kết quả. Trung Quốc đã dùng nhiều chiến thuật  để tránh mũi nhọn công kích thương mại mà họ xem là mang tính bảo hộ mậu dịch.

Đài Loan tận dụng mọi cơ hội để lôi kéo Mỹ về phía mình, dường như đang lo ngại ông chủ Nhà Trắng sẽ có những thỏa hiệp bất lợi cho hòn đảo này trong chuyến thăm Bắc Kinh sắp tới. Cho nên, không phải tình cờ, người đứng đầu chính phủ Đài Loan dừng chân trên lãnh thổ Mỹ ngay sau Đại hội 19 và trước chuyến thăm Bắc kinh của ông Trump./.

Hoài Nam

NỔI BẬT TRANG CHỦ