(Tổ Quốc) - Hiện lực lượng không quân này chỉ có máy bay chiến đấu kiêm ném bom, trong khi 3 lực lượng không quân lớn nhất thế giới đều sở hữu máy bay ném bom chiến lược.
Theo tờ EurAsian Times, dù sở hữu lực lượng không quân lớn thứ 4 thế giới (và lớn thứ 2 ở châu Á, theo xếp hạng của Flight International 2022) nhưng Không quân Ấn Độ vẫn chưa có máy bay ném bom chiến lược. Trong thời gian tới, điều đó có thể sẽ sớm thay đổi do Ấn Độ dường như đang muốn trang bị máy bay ném bom chiến lược từ Nga - đối tác lâu năm của họ.
Cựu Tham mưu trưởng Không quân Ấn Độ - Thượng tướng Arup Raha từng đề cập tới kế hoạch mua máy bay ném bom chiến lược khi phát biểu tại một sự kiện ở New Delhi. Theo đó, Ấn Độ đang xem xét một số phương án, trong đó có cân nhắc tới mẫu máy bay ném bom Tupolev Tu-160 của Nga.
Các cường quốc lớn trên thế giới, như Mỹ và Nga (trước đó là Liên Xô), đã sở hữu máy bay ném bom chiến lược từ Thế chiến 2. Ngày nay, loại máy bay này đang có mặt trong biên chế của 3 lực lượng không quân lớn mạnh nhất thế giới, gồm Mỹ, Nga và Trung Quốc. Trong khi đó, Ấn Độ chỉ có các máy bay chiến đấu kiêm nhiệm vụ ném bom.
Máy bay ném bom Tu-160
Ấn Độ có cần máy bay ném bom chiến lược?
Đã có những cuộc tranh luận đáng kể giữa các nhà phân tích về vấn đề: Liệu Ấn Độ có cần trang bị máy bay ném bom chiến lược cho Không quân?
Trong quá khứ, Không quân Ấn Độ từng từ chối mẫu máy bay ném bom Tu-22 Backfire do Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô Sergei Gorshkov đề nghị cung cấp vào đầu những năm 1970.
Ưu thế của máy bay ném bom chiến lược là có thể mang vũ khí hạt nhân và chọc thủng hệ thống phòng không của đối phương. Nó còn có khả năng tác chiến tầm xa xuất sắc bất chấp việc mang theo khối lượng vũ khí lớn.
Mặc dù Ấn Độ không cần tới máy bay ném bom chiến lược để đối phó Pakistan, nhưng Trung Quốc đang trở thành "cơn đau đầu mới" với họ sau khi Bắc Kinh thông báo đang chuẩn bị đưa vào trang bị mẫu máy bay ném bom mới nhất mang tên H-20.
Truyền thông Trung Quốc mô tả H-20 là mẫu máy bay tàng hình kích cỡ lớn, có thể băng qua Thái Bình Dương với tải trọng vũ khí lên tới 45 tấn. Nó sẽ có tầm hoạt động ít nhất là 12.000km.
Đồ họa máy bay ném bom H-20. Ảnh: Wiki
Tuy nhiên, một số quan chức ở Ấn Độ vẫn phản đối kế hoạch mua máy bay ném bom chiến lược. Tờ EurAsian Times đã liên hệ với Thống chế Không quân Ấn Độ PK Barbora (đã về hưu) để nắm được quan điểm của giới chức New Delhi về vấn đề này:
"Vai trò của máy bay ném bom chiến lược từ thời Thế chiến 2 và Chiến tranh Lạnh là tác chiến xuyên lục địa và đại dương. Ấn Độ hiện không có tham vọng đó. Các máy bay ném bom chiến thuật và máy bay chiến đấu hiện tại đã đủ cho phép Ấn Độ đánh trúng các mục tiêu bên trong lãnh thổ đối phương, với sự hỗ trợ của máy bay tiếp dầu trên không nếu cần thiết.
Tất nhiên, máy bay ném bom chiến lược là một lựa chọn tốt để phô trương lực lượng, nhưng Ấn Độ đã có tên lửa tầm xa để tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ đối phương.
Ngoài ra, do khó khăn về tài chính và nhân lực, máy bay ném bom chiến lược hiện tại không phải là điều New Delhi cần tới" - Ông Barbora cho hay.
Cũng theo ông Barbora, do kích thước lớn nên máy bay ném bom chiến lược có tiết diện phản xạ radar (RCS) lớn, khiến chúng dễ bị tấn công bởi các loại vũ khí phòng không trên không và trên bộ.
Đó là chưa kể tới việc chi phí mua và duy trì hoạt động của chúng tương đối cao. Đây cũng là lý do chỉ một số ít quốc gia sản xuất và vận hành máy bay ném bom chiến lược.
Một điều đáng lo ngại nữa là, khi được triển khai, các máy bay ném bom của Ấn Độ có thể sẽ phải bay qua lãnh thổ Trung Quốc/Pakistan kiểm soát, khiến chúng có nguy cơ bị bắn hạ trước khi đến được mục tiêu.
Trong khi đó, vẫn có những ý kiến ủng hộ mạnh mẽ cho rằng Ấn Độ nên trang bị máy bay ném bom chiến lược càng sớm càng tốt vì 2 lý do: Để tạo ra sự răn đe với Trung Quốc và để xây dựng bộ ba hạt nhân chiến lược đáng gờm, tăng khả năng phòng thủ toàn diện.
Ấn Độ có lựa chọn Tu-160?
Tu-160 của Nga thường được so sánh với máy bay ném bom chiến lược B-1 của Mỹ. Nó có tốc độ tối đa 2.200km/h, tốc độ hành trình 960km/h, tầm bay khi không tiếp nhiên liệu ngoài là 12.300km, bán kính chiến đấu 7.300km.
Tổng thống Nga Vladimir Putin bên trong khoang lái của Tu-160. Nguồn: Wiki
Đây là một mẫu máy bay ném bom chiến lược ưu việt. Tuy nhiên, theo EurAsian Times, việc New Delhi quyết định mua chúng có thể sẽ khiến Mỹ không hài lòng và áp đặt các biện pháp trừng phạt theo Đạo luật CAATSA (Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận).
"Liệu Ấn Độ có nghĩ tới việc mua máy bay ném bom của Nga hay không, và nếu họ có, thì liệu Mỹ có kiềm chế áp đặt CAATSA hay không? Tôi không cho rằng có bất cứ khả năng thực tế nào khiến Ấn Độ xúc tiến hoạt động mua bán này"- Ông Amit Cowshish, cựu Cố vấn Tài chính của Bộ Quốc phòng Ấn Độ nhận định.
Hiện tại, New Delhi chưa đưa ra quyết định chính thức nào về việc mua máy bay ném bom chiến lược. Với nguồn tài chính còn hạn hẹp và nhu cầu về nhân lực, giới chuyên gia cho rằng còn phải mất thêm một thời gian nữa trước khi Ấn Độ có thể theo đuổi kế hoạch mua loại máy bay này (nếu có).