• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Không thể chấp nhận khi sử dụng danh xưng quốc gia một cách tùy tiện như "mở lon Việt Nam"

Thời sự 03/07/2019 14:34

(Tổ Quốc) - Nếu là lon coca, lon nước thì từ lon không sai, nhưng khi từ lon đi kèm với danh xưng quốc gia thì chúng ta cần đặt câu hỏi: lon Việt Nam là lon gì?

Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã yêu cầu Coca-Cola Việt Nam thay thế cụm từ "Mở lon Việt Nam" trong chiến dịch quảng cáo trên truyền hình và một số phương tiện truyền thông. Mặc dù doanh nghiệp đã thừa nhận sai sót của mình, nhưng một số quan điểm trái chiều từ dư luận lại cho rằng việc chấn chỉnh trong lĩnh vực quảng cáo của Bộ VHTTDL là "máy móc", thậm chí bênh vực cho nhà sản xuất. Trong khi rõ ràng, nhà sản xuất đã vi phạm Luật Quảng cáo, mập mờ, đánh tráo khái niệm, sử dụng danh xưng quốc gia một cách tùy tiện.

Tối nghĩa, đánh tráo khái niệm

Theo văn bản của Cục Văn hóa cơ sở việc sử dụng cụm từ nêu trên trong nội dung quảng cáo có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, đồng thời không bảo đảm thông tin rõ ràng của nội dung quảng cáo với sản phẩm, hàng hóa được quảng cáo, vi phạm các quy định tại Khoản 3, Điều 8 và Khoản 1, Điều 19 Luật Quảng cáo. Đó cũng chính là nội dung 3 Công văn số: 409, 410 và 411 Cục Văn hóa cơ sở lần lượt gửi các sở VHTTDL, Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, đài phát thanh-truyền hình các tỉnh, thành phố; Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhằm chấn chỉnh hoạt động quảng cáo sản phẩm này.

Không thể chấp nhận khi sử dụng danh xưng quốc gia một cách tùy tiện như mở lon Việt Nam - Ảnh 1.

Quảng cáo vi phạm của Coca- Cola (ảnh minh họa nguoiduatin.vn)

Ngay lập tức, Cục Văn hóa cơ sở nhận được phản hồi tích cực từ địa phương, các cơ quan truyền thông, báo chí. Cụ thể, Sở VHTT TP Hà Nội đã yêu cầu tháo dỡ bảng quảng cáo sản phẩm của Coca-Cola tại ngã năm Ô Chợ Dừa. Thanh tra Sở VHTT TP Hà Nội cũng xử phạt hành chính Coca-Cola với lỗi làm mất mỹ quan thành phố và quảng cáo không xin phép với mức phạt cao nhất cho hành vi này là 25 triệu đồng.

Trước việc cơ quan quản lý nhà nước đưa ra các văn bản chấn chỉnh nội dung quảng cáo đối với nhà sản xuất, nhiều ý kiến chuyên gia cũng lên tiếng hưởng ứng; cho rằng, tên nước Việt Nam là thiêng liêng, được quy định trong luật pháp là không thể vi phạm, không thể được gắn với bất kỳ một chiến dịch quảng cáo có thể gây suy diễn nào, nên sản phẩm quảng cáo nào đó gắn với quốc hiệu, tên nước cũng phải thận trọng.

Ông Nguyễn Văn Dững, Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông khẳng định: "Cụm từ "Mở lon Việt Nam" ngay lập tức làm cho công chúng khó hiểu hoặc có thể hiểu mập mờ theo hướng lệch lạc, đàm tiếu là điều không thể chấp nhận được. Mỗi đất nước đều có những giá trị đặc biệt được tôn trọng và không thể bị xúc phạm, cũng như có những khác biệt lớn về văn hóa, ngôn ngữ. Đó là bài học mà mỗi thương hiệu toàn cầu đều phải nằm lòng khi bước ra thị trường thế giới".

Đồng quan điểm này, bà Đinh Thị Vân Chi, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa cho rằng, không thể chấp nhận cụm từ "lon Việt Nam".

Bà Chi lý giải: "Hãy tưởng tượng vào một ngày đẹp trời nào đó, hãng bia X gọi sản phẩm của họ là "chai Việt Nam", hãng băng vệ sinh Y gọi sản phẩm của họ là "băng Việt Nam"…thì bạn nghĩ sao? Chẳng mất công xây dựng thương hiệu mới, chẳng phải đăng ký bản quyền, chẳng cần quan tâm chất lượng hay bất cứ điều gì, họ nghiễm nhiên có một thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý cấp quốc gia, danh giá và giá trị gấp nhiều lần những chỉ dẫn địa lý cấp địa phương, như "nước mắm Phú Quốc", "Chả mực Hạ Long", "Vải thiều Thanh Hà"... Những thương hiệu cấp địa phương, người dân Việt Nam phải mất hàng trăm năm mồ hôi và nước mắt mới xây dựng nên được, mà chỉ cần sơ suất là bị mất uy tín, bị nước ngoài tranh cướp mất".

Bà Chi khẳng định, không thể tồn tại từ "lon Việt Nam" kẻo bạn bè quốc tế lầm tưởng rằng Việt Nam có sản phẩm mới, như là Gạo Việt Nam, Cà phê Việt Nam, Hạt điều Việt Nam.. thì thật là đau đớn.

Không thể chấp nhận cụm từ "lon Việt Nam"

Nhiều ý kiến độc giả không tán thành khẩu hiệu "mở lon Việt Nam" của Coca-Cola. Bởi, khẩu hiệu trên không phù hợp nếu không muốn nói là cảm thấy khó chịu cho người nghe, người xem khi Coca-Cola gắn từ "lon" trước hai từ "Việt Nam".

Từ xưa đến nay khi nghĩ đến từ "lon", người ta nghĩ ngay đến lon sữa, lon nước ngọt, còn Việt Nam vốn dĩ là tên của một quốc gia, có lãnh thổ riêng, có truyền thống văn hóa, nền tảng lịch sử... Tên gọi một quốc gia, một vùng miền không thể sử dụng một cách tùy tiện. Rõ ràng cách ghép chữ của Coca-Cola đã tác động xấu đến hình ảnh quốc gia, tinh thần dân tộc của người Việt.

Độc giả Đinh Hải Minh nhận xét: "Nếu quảng cáo viết chữ "Mở lon Coca- Cola" thì chẳng ai nói làm gì, bởi người đọc ai cũng hiểu đúng nghĩa từ "lon". Nhưng Coca- Cola viết "Mở lon Việt Nam", mà "lon Việt Nam" là từ không có nghĩa, dễ bị xuyên tạc theo hướng tục tĩu. Cho nên việc cấm là rất đúng đắn".

Trong vấn đề ngôn ngữ, việc dùng từ gần giống cũng có thể thay thế cho từ đó, ví dụ người Nhật rất kiêng số 4 (không có phòng số 4, tầng thứ 4), bởi chữ "tứ" gần âm với chữ "tử" có nghĩa là chết, hoặc người Việt Nam rất thích số 68 - lục bát, gần giống với lộc phát. Chữ "lon" sẽ không vấn đề gì nếu nó gắn liền với tên một loại chất lỏng, chứ dùng với tên cái khác thì nó sẽ trở thành câu nói không rõ nghĩa.

Và xin mượn câu nói của một nhà báo về vụ việc này để kết lại vụ việc: "Nếu dân Việt Nam thực sự biết tự trọng và biết nghĩ, thì đây đáng ra phải là 1 cuộc khủng hoảng truyền thông của Coca- Cola"./.

Ngày 2/7, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT TP Hà Nội cho biết, Sở Thanh tra Sở VHTT Hà Nội vừa xử phạt Coca-Cola 25 triệu đồng vì vi phạm lắp quảng cáo tấm lớn tại ngã năm Ô Chợ Dừa. Ông Tô Văn Động nói rõ: "Phía công ty không thông báo nội dung "Coca-Cola - Mở lon Việt Nam - Trúng vàng mỗi ngày" với Sở VHTT TP Hà Nội; lỗi vi phạm thứ hai là biển quảng cáo này làm mất mỹ quan và an toàn xã hội nên áp dụng mức phạt cao nhất là hoàn toàn chính đáng".


Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ