• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Không thể mở đường gom, người dân gặp khó khi khai thác đất rừng dọc tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan

Thời sự 14/01/2022 09:45

(Tổ Quốc) - Do chưa có đường gom dân sinh nên một số diện tích đất rừng sản xuất dọc hai bên tuyến đường cao tốc La Sơn - Túy Loan của người dân bị "mắc kẹt" lâu nay. Người dân có diện tích đất rừng bị ảnh hưởng do cao tốc gặp nhiều khó khăn trong việc khai thác rừng kinh tế, đi lại vận chuyển lâm sản.

Khó khăn do chưa có đường gom dân sinh

Tại huyện Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên Huế) hiện có 36 ha đất rừng sản xuất trồng keo tràm của người dân ở Hương Lộc, Hương Phú, Khe Tre nằm dọc hai bên tuyến đường cao tốc La Sơn - Túy Loan. Tuyến đường này hiện chuẩn bị đưa vào khai thác, tuy nhiên do chưa có đường gom dân sinh nên đã dẫn đến khó khăn cho người dân trong việc khai thác rừng kinh tế, đi lại vận chuyển lâm sản.

Thông tin từ UBND xã Hương Phú, qua thống kê, rà soát hiện nay trên địa bàn xã này có 2 vị trí diện tích rừng chưa có đường gom, gồm khu vực rừng trồng (đoạn đèo La Hy, từ Km10+000 đến Km13+000) với diện tích ảnh hưởng hơn 23,5 ha của 15 hộ dân và đoạn phía sau trụ sở UBND xã Hương Phú (thuộc đoạn KM16+000 đến Km16+200) gồm 8 hộ dân với diện tích ảnh hưởng hơn 6 ha.

Không thể mở đường gom, người dân gặp khó khi khai thác đất rừng dọc tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan - Ảnh 1.

Huyện Nam Đông hiện có 36 ha đất rừng sản xuất trồng keo tràm của người dân nằm dọc hai bên tuyến đường cao tốc La Sơn - Túy Loan khó khăn trong việc vận chuyển khai thác do chưa có đường gom dân sinh. Ảnh: Lê Chung

Qua làm việc với các hộ dân bị ảnh hưởng, người dân có ý kiến đối với những diện tích có khả năng mở đường gom thì đề xuất đầu tư tuyến đường cấp phối khoảng 1km đấu nối với Tỉnh lộ 14B dọc theo chân cầu Cọc 7 để đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa khi đến mùa vụ khai thác. Những diện tích không mở được đường gom, người dân đề nghị chính quyền có phương án thu hồi, hỗ trợ thỏa đáng, hoặc bố trí cho các hộ gia đình diện tích đất vị trí khác tương đương để sản xuất.

Ông Trần Bảo Thắng, Chủ tịch UBND xã Hương Phú cho biết, từ khi xây dựng hoàn thành tuyến cao tốc đến nay, đã nhiều lần các hộ dân kiến nghị địa phương đề xuất Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh (đại diện chủ đầu tư) khảo sát, nghiên cứu xây dựng đường gom nhằm phục vụ vận chuyển trong giai đoạn đến vụ khai thác.

Các cơ quan chuyên môn các cấp có thẩm quyền đã tiến hành khảo sát các vị trí theo kiến nghị của các hộ dân. Tuy nhiên, do đặc thù một số diện tích đất khu vực này có địa hình hiểm trở, chi phí mở đường khu vực đồi núi rất lớn. Mặt khác, một số vị trí mở đường gom sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn khi vận hành tuyến đường cao tốc La Sơn – Túy Loan nên phương án này không khả thi.

Cần sớm có phương án cho người dân

Trước thực trạng kể trên, UBND xã Hương Phú cho hay đã tiến hành vận động người dân thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho những hộ liền kề để sản xuất. Đồng thời hướng dẫn các hộ gia đình phải có đơn thu hồi phần đất không sản xuất được do ảnh hưởng bởi dự án cao tốc.

Qua làm việc cụ thể từng hộ dân, phương án chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho những hộ liền kề để sản xuất gần như không thể thực hiện được do nhiều yếu tố liên quan giấy tờ, chủ sở hữu và người dân không đạt được thỏa thuận với nhau. Trong khi đó, việc thu hồi đất đa số người dân không đồng ý do giá thu hồi của nhà nước thấp hơn giá thị trường, những diện tích đất sản xuất này đang là sinh kế chính cho người dân.

Không thể mở đường gom, người dân gặp khó khi khai thác đất rừng dọc tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan - Ảnh 2.

Những hộ dân có diện tích đất rừng bị ảnh hưởng do cao tốc mong muốn sớm có phương án giải quyết để đảm bảo quyền lợi. Ảnh: Lê Chung

"Đây là vấn đề phát sinh mà ngay từ đầu chủ đầu tư xây dựng tuyến cao tốc khi phóng tuyến chưa tham vấn cộng đồng, tham vấn chính quyền địa phương đầy đủ dẫn đến khó khăn trong việc tìm phương án giải quyết như hiện nay", ông Trần Bảo Thắng nói.

Cuối năm 2021, Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế đã có buổi làm việc với UBND huyện Nam Đông về diện tích 36 ha đất sản xuất do không thể mở đường gom. Theo đó, UBND huyện Nam Đông đề nghị các địa phương rà soát cụ thể các hộ dân có diện tích thuộc 36 ha rừng sản xuất này để thu hồi, hỗ trợ bồi thường. Trong quá trình rà soát yêu cầu các hộ dân phải đồng ý thu hồi, nếu các hộ không đồng ý thu hồi thì phải cam kết không có kiến nghị với các cấp về việc không có đường sản xuất đi vào vùng sản xuất. Đề nghị các địa phương lưu các hồ sơ của các hộ dân để làm cơ sở giải quyết sau này.

Theo ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, UBND huyện Nam Đông đã nhiều lần có văn bản đề nghị Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh nhưng đến nay chưa được giải quyết.

Trong khi đó, đã có thực trạng người dân một số khu vực không do có đường sản xuất đã tự ý tháo dỡ hàng rào trên cao tốc. Huyện này cũng đã chỉ đạo các địa phương vận động người dân và cương quyết xử lý các hộ vi phạm. Phương án tối ưu hiện nay là thu hồi đất, trồng cây bản địa chuyển sang rừng phòng hộ. Nhưng ngân sách địa phương không thể đáp ứng được nên phải chờ nguồn vốn Trung ương.

Liên quan đến vấn đề này, được biết năm 2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có văn bản gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ GTVT để kiến nghị chủ trương thống nhất cho thu hồi, bồi thường theo quy định đối với diện tích đất nông nghiệp nằm phân tán dọc tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan, đoạn qua địa bàn huyện với diện tích khoảng 36 ha của nhiều hộ dân. Tuy nhiên, đến nay chưa nhận được phản hồi của các cơ quan Trung ương.

Lê Chung

NỔI BẬT TRANG CHỦ