• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Không yên” hạt nhân Nga, Mỹ bật đòn đối kháng

Thế giới 04/02/2018 21:43

(Tổ Quốc) - Quan ngại về việc Nga đang gia tăng vũ khí hạt nhân chiến lược, Mỹ cũng sẽ tăng cường khả năng hạt nhân của mình.

Quan ngại về việc Nga đang gia tăng vũ khí hạt nhân chiến lược, Mỹ cũng sẽ tăng cường khả năng hạt nhân của mình, một văn kiện chính sách được đưa ra ngày 2/1 cho biết - động thái một số nhà phê bình cho rằng có thể gia tăng nguy cơ hiểu lầm giữa hai nước.

Theo Reuters, động thái này là dấu hiệu mới nhất cho thấy lập trường cứng rắn của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm đối phó với những thách thức từ Nga, trong khi cũng muốn cải thiện mối quan hệ với Moscow để kiềm chế Triều Tiên.

"Chiến lược của chúng tôi sẽ đảm bảo để Nga hiểu rằng, bất kỳ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào, dù có giới hạn, là không thể chấp nhận được", văn bản trên – có tên là Báo cáo đánh giá tình hình hạt nhân – cho hay.

Báo cáo hạt nhân mới của Mỹ cho thấy Washington sẽ tăng cường năng lực hạt nhân để đối trọng với Nga.

Bằng cách tăng cường khả năng hạt nhân mức thấp của mình, Mỹ sẽ ngăn Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, các quan chức Mỹ cho hay.

Vũ khí hạt nhân mức thấp có sức công phá dưới 20 kiloton. Quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima có sức nổ tương tự.

Lập luận cho quan điểm trên là: các quả bom hạt nhân lớn sẽ mang lại hậu quả rất thảm khốc, do đó, chúng không bao giờ được sử dụng và không hiệu quả trong việc răn đe lẫn nhau. Với sức mạnh và sức phá huỷ ít hơn, vũ khí hạt nhân mức thấp sẽ có nhiều khả năng được sử dụng, và sẽ đóng vai trò như một biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

Theo tài liệu trên, Mỹ sẽ điều chỉnh một số ít đầu đạn hạt nhân phóng từ tàu ngầm sang sức công phá thấp.

Về lâu dài, quân đội Hoa Kỳ cũng sẽ phát triển một tên lửa đạn đạo mới chạy bằng năng lượng hạt nhân. Tên lửa này có thể có sức công phá ở mức thấp và một khi được thực hiện, sẽ mất đến một thập kỷ để phát triển, các quan chức cho biết.

Greg Weaver – quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc, nói rằng Hoa Kỳ sẽ sẵn sàng hạn chế phát triển tên lửa nếu Nga "thay đổi sự mất cân bằng trong các lực lượng hạt nhân phi chiến lược".

Weaver nói rằng nhiệm vụ khó khăn nhất đối với những người làm việc trong cuộc rà soát sức mạnh hạt nhân này là cố gắng thu hẹp khoảng cách giữa các vũ khí hạt nhân phi chiến lược của Nga và Mỹ.

Theo Lầu Năm Góc, Nga có kho dự trữ 2.000 vũ khí hạt nhân phi chiến lược, còn Mỹ chỉ có vài trăm vũ khí hạt nhân mức thấp được triển khai ở châu Âu.

Văn bản trên cũng kêu gọi tiếp tục sử dụng bom B-83, vũ khí hạt nhân lớn nhất trong kho dự trữ của Hoa Kỳ, cho đến khi tìm thấy vũ khí khác thay thế - đảo ngược kế hoạch nghỉ hưu trước đó của B-83.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho hay họ đã thông báo cho các quan chức Nga và Trung Quốc về tài liệu trên.

Việc chuyển trọng tâm chú ý vào Nga phù hợp với những ưu tiên của Lầu Năm Góc hiện nay là tiến hành "cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường" với Moscow và Bắc Kinh.

Một số chuyên gia đã đặt câu hỏi về động thái này. Jon Wolfsthal, cựu cố vấn cao cấp của Tổng thống Barack Obama về kiểm soát vũ khí, cho biết động thái trên có thể dẫn đến một sự tính toán sai lầm.

"Nếu chúng tôi đặt vũ khí hạt nhân vào tên lửa hành trình, trong khi chúng tôi vẫn phóng đi các tên lửa hành trình thông thường, làm thế nào để Nga biết rằng chúng là các vũ khí bình thường?" ông nói.

Kingston Reif, giám đốc nghiên cứu giải trừ vũ khí của Hiệp hội kiểm soát vũ khí, cho biết tài liệu trên có thể thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang mới.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ