• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khu vực Biển Đông hiện là khu vực cạnh tranh địa chiến lược và địa chính trị giữa hai siêu cường Mỹ-Trung Quốc

Thế giới 09/11/2018 20:03

(Tổ Quốc) - Khu vực Biển Đông hiện là khu vực cạnh tranh địa chiến lược và địa chính trị giữa hai siêu cường Mỹ-Trung Quốc, đồng thời thu hút sự quan tâm của nhiều cường quốc trong và ngoài khu vực như Úc, Ấn Độ, Nhật Bản.

Như Báo điện tử Tổ Quốc đã đưa tin, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 10 với chủ đề "Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực" do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (FESS) và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) đồng tổ chức vừa khai mạc vào ngày 8/11 tại Đà Nẵng.

Sau phiên khai mạc, Hội thảo quốc tế về Biển Đông đã tập trung thảo luận theo bốn phiên với các chủ đề (i) Biển Đông: Trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương-Châu Á-Thái Bình Dương; (ii) Biển Đông Tiêu điểm: 10 năm nhìn lại; (iii) Lập trường và yêu sách của các bên: Tiếp nối và điều chỉnh; (iv) Các nước lớn: can dự hay không can dự.

Hội thảo ghi nhận các ý kiến, trao đổi sôi nổi của các học giả về bối cảnh địa chính trị rộng lớn của khu vực Ấn Độ Dương - Châu Á - Thái Bình Dương, đánh giá tầm quan trọng của Biển Đông trong chiến lược cạnh tranh địa chính trị, tổng kết những thay đổi trên thực địa của khu vực Biển Đông và điều chỉnh chính sách của các nước liên quan trong 10 năm qua.

Các học giả nhất trí về vị trí địa chính trị chiến lược của khu vực Biển Đông, cho rằng Biển Đông là điểm khởi đầu của những thay đổi lớn lao ở khu vực do nằm ở nơi giao kết giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và là điểm trung chuyển từ lục địa Á-Âu ra đến đại dương.

Khu vực Biển Đông hiện là khu vực cạnh tranh địa chiến lược và địa chính trị giữa hai siêu cường Mỹ-Trung Quốc - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Đức Hoàng

Các học giả cho rằng nhìn từ góc độ học thuật, khái niệm "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" đã được hình thành từ lâu, nhưng cho tới cuối năm 2017, các nước trong khu vực mới dần xây dựng cách tiếp cận riêng và đưa ra chính sách xuất phát từ các mục tiêu riêng. 

Các học giả cho rằng Ấn Độ đang tập trung vào chính sách cân bằng, ngăn chặn chiến lược; Nhật Bản quan tâm tới ý tưởng kết nối trên biển; ASEAN ủng hộ khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có tính mở và bao trùm, thúc đẩy các nước nhỏ gắn kết với nhau, với vai trò trung tâm của ASEAN; Australia muốn thông qua chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để tăng cường vị trí tại khu vực. 

Theo các học giả dự đoán, việc xây dựng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi hơn nữa trong tương lai; các cơ chế của ASEAN như Cấp cao Đông Á (EAS) hay Diễn đàn an ninh khu vực (ARF) có thể đóng vai trò chủ chốt trong ý tưởng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, EAS có thể ưu tiên tới hợp tác trong lĩnh vực kinh tế.

Khu vực Biển Đông hiện là khu vực cạnh tranh địa chiến lược và địa chính trị giữa hai siêu cường Mỹ-Trung Quốc - Ảnh 2.

Các học giả trao đổi bên lề hội thảo. Ảnh: Đức Hoàng

Tổng kết, đánh giá về tình hình tại Biển Đông trong 10 năm qua, các học giả nhất trí cho rằng tranh chấp Biển Đông sau 10 năm đã thay đổi về lượng và chất, ngày càng trở nên phức tạp và chứa đựng nhiều tầng nấc, và là ví dụ nổi bật nhất về các tranh chấp trong khu vực. Khu vực Biển Đông hiện là khu vực cạnh tranh địa chiến lược và địa chính trị giữa hai siêu cường Mỹ-Trung Quốc, đồng thời thu hút sự quan tâm của nhiều cường quốc trong và ngoài khu vực như Úc, Ấn Độ, Nhật Bản. Tranh chấp Biển Đông có quan hệ mật thiết với tranh chấp ở các khu vực biển lân cận khác, như Biển Hoa Đông, do đó tác động mạnh mẽ tới hoà bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng chung tại khu vực.

Về chính sách của các nước đối với vấn đề Biển Đông trong 10 năm qua, các học giả đánh giá các nước giữa mức duy trì lập trường và có một số điều chỉnh nhất định, đặc biệt là sau phán quyết của Toà Trọng tài năm 2016. Các học giả đi sâu phân tích việc điều chỉnh chính sách đối với khu vực của các nước lớn như Mỹ, Trung, Úc, Nga, Anh Pháp, nhất trí cho rằng việc cạnh tranh Mỹ-Trung hiện nay là  không có lợi cho ổn định khu vực. 

 Ngày 9/11, Hội thảo sẽ tiếp tục thảo luận về các chủ đề: (i) Xây dựng các lực lượng trên Biển Đông; (ii) Xây dựng lòng tin, Ngoại giao phòng ngừa và giải quyết tranh chấp; (iii) Các nhân tố mới có thể tạo bất ổn trên Biển Đông; (iv) Trật tự và bất ổn trên Biển Đông: tổng kết quá khứ và định hình tương lai.

Đức Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ