• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khủng hoảng chi phí sinh hoạt định hình cuộc đua kế nhiệm ông Johnson

Thế giới 24/08/2022 21:15

(Tổ Quốc) - Trong bối cảnh lạm phát lên tới hai con số và nền kinh tế đang đứng trên bờ vực suy thoái, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang thống trị cuộc đua làm chủ Văn phòng Thủ tướng Anh tại phố Downing, theo đánh giá của AFP.

Nhưng về vấn đề này, hai ứng cử viên đang cạnh tranh để kế nhiệm ông Boris Johnson trên cương vị lãnh đạo đảng Bảo thủ và thủ tướng Vương quốc Anh đang có cách tiếp cận khác biệt.

Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt

Lạm phát của Anh hiện ở mức 10,1% - mức cao nhất trong 40 năm qua và đang có dự đoán rằng nó có thể tăng lên tới 13% vào tháng 10.

Các nhà phân tích tại Citibank tin rằng con số này thậm chí có thể tăng hơn 18% trong năm tới do chi phí năng lượng tăng cao.

Một mức trần giá năng lượng mới sẽ được công bố vào thứ Sáu tuần này và một số chuyên gia dự đoán rằng chắc chắn sẽ có một số hộ gia đình có thể sớm phải trả tới 6.000 bảng Anh (7.100 USD) một năm cho khí gas và điện.

Một nghiên cứu của Đại học York cho rằng hơn một nửa số hộ gia đình ở Vương quốc Anh sẽ không thể giữ ấm cho ngôi nhà của họ vào tháng Giêng năm sau.

Và để giải quyết tình hình này, hai ứng viên cuối cùng Liz Truss và Rishi Sunak đang có hai chiến lược riêng.

2022-07-28T161407Z734057992RC29J.jpg

Ông Sunak và bà Truss có nhiều khác biệt về hàng loạt các chính sách. Ảnh: Reuters.

Bà Liz Truss đang tạm dẫn trước đã hứa sẽ cắt giảm thuế và đang đề xuất giảm thuế năng lượng xanh – khoản tiền người dùng phải chi trả cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn- để giảm bớt chi phí nhiên liệu của người dân. Đương kim Ngoại trưởng Anh cũng từ chối thực hiện các giải pháp tạm thời cho cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt như triển khai viện trợ trực tiếp của chính phủ.

Những người ủng hộ bà Liz Truss nói rằng bà đang lên kế hoạch cấp ngân sách khẩn cấp trong vòng vài tuần nếu thắng cuộc bỏ phiếu trong nội bộ đảng.

Đối thủ của bà, ông Rishi Sunak thì tin rằng việc cắt giảm thuế sẽ không giúp ích gì cho các hộ gia đình có thu nhập thấp. Thay vào đó, cựu Bộ trưởng tài chính ủng hộ các hành động giúp đỡ trực tiếp cho các gia đình thu nhập thấp – những người chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi đà tăng của giá cả.

Ông Sunak đã gọi những lời hứa về việc cắt giảm thuế chung trong thời kỳ kinh tế suy thoái và lạm phát tăng vọt là một "câu chuyện cổ tích". Thay vào đó, ông đã đề xuất cắt giảm thuế bán hàng (VAT) đối với hóa đơn năng lượng và giảm thuế đối với tài sản thương mại (thuế suất kinh doanh).

Chiến lược về năng lượng, tài chính và con đường Brexit

Cả hai ứng cử viên đều tuyên bố chính thức ủng hộ tham vọng của Vương quốc Anh là đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2050.

Tuy nhiên, bà Truss, người ủng hộ đầu tư mạnh mẽ cho năng lượng, cũng ủng hộ công nghệ khai thác khí đốt fracking (nứt vỡ thủy lực) còn gây tranh cãi về tác động đối với môi trường tại nước này.

Bà Truss đang kêu gọi phát triển năng lượng một cách tốt hơn để không làm tổn hại đến con người và hoạt động kinh doanh. Bà cũng muốn sản xuất nhiều năng lượng hơn từ Biển Bắc và ủng hộ chính sách hiện tại của chính phủ Anh về đầu tư vào năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo.

Về vấn đề Brexit, bà Truss từng ủng hộ việc tiếp tục ở lại Liên minh châu Âu trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 về tư cách thành viên của khối này. Sau đó, bà đã đổi phe sau khi công chúng bỏ phiếu đưa Anh rời khỏi EU.

Giờ đây, bà Truss đang đề xuất luật để thay thế một số nội dung mà Anh đã ký với EU để quy định cho các hoạt động thương mại hậu Brexit ở khu vực này. Theo đó, bà đưa ra các quy định mới về kiểm tra hải quan, thuế và trọng tài. Đương kim Ngoại trưởng cũng hứa sẽ loại bỏ tất cả luật lệ của EU ra khỏi quy chế của Vương quốc Anh để giúp nước Anh tăng trưởng "tăng tốc".

Tuy nhiên, giống như ông Sunak, bà Truss cũng chưa đưa ra đề xuất nào để giải quyết tình trạng thiếu lao động kinh niên ở Anh hậu Brexit, đặc biệt là đối với lao động thời vụ.

Về quy định tài chính, bà Truss đã kêu gọi cải tổ các cơ quan quản lý trong khu tài chính của Thành phố London nếu bà trở thành thủ tướng. Đáng chú ý là bà muốn hợp nhất Cơ quan quản lý tài chính, Cơ quan giám sát các ngân hàng và Cơ quan quản lý hệ thống thanh toán.

Bà Truss đã chỉ trích phản ứng của Ngân hàng Trung ương Anh đối với lạm phát gia tăng và đã đề xuất xem xét lại quy chế đã cho phép ngân hàng này hoạt động độc lập về chính sách tiền tệ vào năm 1997.

Thống đốc Andrew Bailey đáp lại thông điệp này rằng uy tín tài chính của Vương quốc Anh phụ thuộc vào sự độc lập của ngân hàng với chính phủ./.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ